Xuất khẩu tiếp tục gặt hái thành công lớn

Xuất khẩu tiếp tục gặt hái thành công lớn
Bất chấp những biến động khó lường của tình hình giá cả trên thị trường thế giới khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao, hoạt động xuất khẩu trong năm 2007 tiếp tục gặt hái thành công lớn.
Xuất khẩu tiếp tục gặt hái thành công lớn ảnh 1
Tại siêu thị Vinatex Tân Thuận, quận 7, TPHCM vừa khai trương 13/12  Ảnh: Hoàng Hải

Với hàng loạt các mặt hàng trong nhóm xuất khẩu chủ lực hiện đã về đích trước thời hạn, Bộ Công Thương ước tính kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm ngoái.

Tiếp tục khẳng định vị trí đầu đàn trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực, không tính dầu thô, xuất khẩu dệt may trong 11 tháng qua đã đạt trên 7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân cho rằng mục tiêu đạt kim ngạch 7,8 tỷ USD về xuất khẩu dệt may trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Hai mặt hàng da giày và thủy sản, tuy bị áp thuế bán phá giá và bị kiểm tra khắt khe ở một số thị trường, song kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng mạnh, nhờ các doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường và phát triển nhiều mặt hàng mới. Tính đến hết tháng 11, giá trị xuất khẩu của cả da giày và thủy sản đã vượt ngưỡng 3 tỷ USD.

Năm nay cũng ghi nhận sự bứt phá thành công của mặt hàng cà phê, khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng tới 73%, đạt gần 1,7 tỷ USD, đứng thứ 9 trong danh sách các thành viên của “Câu lạc bộ 1 tỷ USD”, sau dầu thô, dệt may, da giày, thủy sản, hàng điện tử và linh kiện máy tính, cao su, gạo và sản phẩm gỗ.

Một số mặt hàng khác như hạt tiêu, hạt điều, cao su và nhất là gạo, nhờ có lợi thế về giá, nên kim ngạch xuất khẩu cũng đạt mức khá, góp phần tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của cả năm.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, nhân tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua chính là việc Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường sau khi trở thành thành viên của WTO.

Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác xuất khẩu như cơ chế xuất - nhập khẩu theo định chế của WTO, Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp, trong đó áp dụng cho cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng đã được Chính phủ khẩn trương ban hành và triển khai tích cực.

Tuy nhiên, trong khi hoạt động xuất khẩu tiến triển thuận lợi, thì việc kiềm chế và giảm kim ngạch nhập khẩu lại gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 54 tỷ USD, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài các nguyên nhân khách quan như giá cả nguyên phụ liệu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, nhất là sắt, thép, phân bón, trong khi Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu này, thì theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch nhập khẩu tăng còn do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cường nhập khẩu máy móc, trang thiết bị để phục vụ sản xuất trong nước.

Để tạo bước đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu trong năm 2008, với chỉ tiêu tăng trưởng là 20-22%, các chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp hàng đầu hiện nay là phải hình thành ngay các “chợ” nguyên, phụ liệu có quy mô lớn nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Song song với việc tăng lượng hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần phải tập trung đầu tư nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng kim ngạch xuất khẩu, tích cực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2008, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 58 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2007.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG