Xuất khẩu trên 64 triệu USD vải thiều sang Trung Quốc

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang)
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang)
TPO - Đến hôm nay (19/6), Bắc Giang đã xuất khẩu khoảng 36.500 tấn vải sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch đạt trên 64 triệu USD.

Theo Bộ NN&PTNT, đến ngày 19/6, tổng sản lượng tiêu thụ vải của Bắc Giang ước đạt trên 125.000 tấn, doanh thu ước đạt trên 3.400 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt gần 2.050 tỷ đồng, và thu từ dịch vụ hỗ trợ trên 1.350 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ vải thiều chủ yếu là TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị Saigon.Coop trên 300 tấn. Vải cũng được xuất qua Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc...

Đến nay một số công ty đã xuất được sang Úc 35 tấn, sang Mỹ 1,1 tấn, châu Âu 1,1 tấn, Nhật 1,5 tấn, Singapore 100 tấn. Dự kiến ngày mai (20/6) Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm sẽ xuất sang Thái Lan 200 tấn vải thiều bằng đường hàng không.

Giá vải tại huyện Lục Ngạn  hiện vẫn được giữ ở mức ổn định: Vải thiều hạng 2 từ 12.000-17.000 đồng/kg, vải muộn 25.000-28.000đồng/kg, vải lai Lục Ngạn (vải phấn) từ 32.000-35.000 đồng/kg.  Các dịch vụ đi kèm cũng giữ ở mức khá ổn định như: Đá cây 30.000 -32.000 đồng/cây; thùng xốp loại nhỏ 30.000-35.000 đồng, loại to 52.000-60.000 đồng/thùng.

Hiện có trên 150 thương nhân Trung Quốc và trên 1.000 thương nhân Việt Nam đã đến thu mua vải thiều trên địa bàn của huyện Lục Ngạn. Trên toàn tỉnh Bắc Giang đã bố trí trên 700 điểm cân vải lớn nhỏ, riêng tại  Lục Ngạn có khoảng trên 600 điểm cân.

Vừa kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, vải được mùa chưa từng có trong nhiều năm nay. Hiện sản lượng vải đã tiêu thụ được trên 50%.

Theo Bộ trưởng Cường, Bắc Giang đã có bước chủ động tốt trong đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải tại Trung Quốc và trong nước. Mặc dù sản lượng tăng cao nhưng đến nay chúng ta đã có được giá bán tốt.

Tuy nhiên, theo ông Cường, do vải đang ở thời điểm chính vụ, trong khi Bắc Giang có tỷ trọng vải chính vụ lớn, nên cần tiếp tục chăm sóc vườn cây để đảm bảo chất lượng quả.

Bộ trưởng cho rằng, quan trọng nhất lúc này là vấn đề tiêu thụ. Vì thế, huyện Lục Ngạn cần tập trung vào các nhóm giải pháp, từ các loại dịch vụ hỗ trợ như: nước đá, hộp xốp, giao thông, an ninh... để đảm bảo việc tiêu thụ thông suốt, vải được mùa, được giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân.

MỚI - NÓNG