Xuất khẩu xe đạp giảm vì "chống bán phá giá"

Xuất khẩu xe đạp giảm vì "chống bán phá giá"
Việt Nam đang phải đối phó với tình hình khó khăn về xuất khẩu xe đạp mà phần lớn là do sức ép thuế chống phá giá ở các thị trường.
Xuất khẩu xe đạp giảm vì "chống bán phá giá" ảnh 1

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại cho biết kim ngạch xuất khẩu xe đạp 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam chỉ được 101 triệu USD, cùng kỳ năm ngoái con số này là trên 140 triệu USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu xe đạp trong 7 tháng đầu năm nay chỉ bằng 70% so với năm ngoái.

“Mặt hàng này đang phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá nên sự sụt giảm là không tránh khỏi”, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xe đạp - Xe máy Việt Nam, nhận định.

Từ cuối năm ngoái Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp Canada (CBMA) đã đệ đơn lên Tòa án Thương mại Canada yêu cầu xem xét vụ bán phá giá xe đạp nhập khẩu có nguồn gốc từ nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Từ đơn kiện này, tháng hai năm nay cơ quan tòa án Canada đã bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát DN Việt Nam để xem xét việc nhập khẩu xe đạp từ Việt Nam có ảnh hưởng đến các công ty sản xuất xe đạp Canada hay không. Khoảng 19 doanh nghiệp sản xuất xe đạp Việt Nam đang là bị đơn của vụ kiện.

Vào giữa tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra phán quyết áp dụng thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam sau 15 tháng điều tra. Theo đó, các sản phẩm xe đạp xuất xứ từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế 15,8-34,5%.

Tuy thuế suất không cao như dự đoán ban đầu của Bộ Thương mại nhưng mức thuế này cũng đủ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của xe đạp Việt Nam. Tính riêng tháng 7 chỉ có khoảng 10 triệu USD kim ngạch xe đạp xuất khẩu trong khi tháng trước kim ngạch  đạt trên 18 triệu USD.

Hiệp hội xe đạp và xe máy Việt Nam dự đoán kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay cao lắm cũng chỉ đạt 160-180 triệu USD so với con số 260-270 triệu USD hồi năm ngoái.

Xuất khẩu xe đạp thực chất là “sân chơi” của các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là Đài Loan tập trung phần lớn ở khu vực phía Nam. Các doanh nghiệp bị Canada hay châu Âu kiện đều là những doanh có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ khoảng năm 2001-2002, các doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam khá nhiều và đầu tư vào ngành xe đạp, phụ tùng. Vào Việt Nam để tận dụng lao động giá rẻ, các doanh nghiệp Đài Loan nhanh chóng tạo dựng thương hiệu xe đạp xuất khẩu, đặc biệt ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Nhờ hàng chục nhà máy được xây dựng này, Việt Nam từ nước nhập khẩu xe đạp hoặc kém về công nghệ sản xuất xe đạp đã trở thành nước xuất khẩu xe đạp mạnh của khu vực.

Hàng triệu xe đạp (chủ yếu xe đạp thể thao) và phụ tùng được sản xuất và xuất khẩu, ồ ạt ở các thị trường nước ngoài làm ảnh hưởng đến thị phần của các nhà sản xuất trong nước vốn đang bị thu hẹp.

Theo Hiệp hội xe đạp - xe máy Việt Nam, tình trạng bị thuế chống bán phá giá của ngành xe đạp làm cho xuất khẩu sẽ khó khăn hơn. Để tránh khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất xe đạp ở Việt Nam sẽ phải giảm công suất và có thể sẽ chuyển sang nước khác để tránh thuế.

MỚI - NÓNG