Xuất siêu: Chưa phản ánh đúng năng lực nội tại

Xuất siêu: Chưa phản ánh đúng năng lực nội tại
Tuy kim ngạch XK 2 tháng chỉ bằng gần 95% cùng kỳ năm 2008, nhưng 2 tháng này VN lại đã xuất siêu khoảng 300 triệu USD. Đây là điều hiếm trong lịch sử XK hàng hoá của VN.
Xuất siêu: Chưa phản ánh đúng năng lực nội tại ảnh 1
2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất siêu vẫn chưa phải là điều đáng mừng.

Đã xuất siêu khoảng 300 triệu USD

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 2/2009 ước đạt 4,3 tỉ USD, tăng 25,1% so với tháng 1.2009, nâng tổng kim ngạch XK cả hai tháng đầu năm lên 8,023 tỉ USD.

Nếu tính cả 2 tháng so với cùng kỳ năm 2008 thì kim ngạch XK nhóm nông sản đạt 1,619 tỉ USD, tăng được 10,4%, nhóm khoáng sản ước đạt 1,118 tỉ USD - giảm 38%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 5,286 tỉ USD - tăng 2,2%.

Riêng trong tháng 2/2009, XK kim loại quý ước đạt 800 triệu USD - tăng 7,107%. Các mặt hàng có kim ngạch XK giảm mạnh là dầu thô - giảm 42,3% dù số lượng đã tăng 26,7%; da giày giảm 7,2%; sản phẩm gỗ giảm 26,4%; điện tử, máy tính và linh kiện… Điều đáng nói là kim ngạch XK giảm, trong khi lượng XK lại tăng.

Về nhập khẩu (NK), trong tháng 2/2009, VN đã NK lượng hàng hoá trị giá khoảng 4,4 tỉ USD - giảm 28,6% so với tháng 2.2008. Tính chung cả 2 tháng đầu năm, kim ngạch NK ước đạt hơn 7,7 tỉ USD - giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Các mặt hàng NK có kim ngạch giảm mạnh  như máy móc thiết bị, phụ tùng đạt kim ngạch 1,7 tỉ USD - giảm 28,2%; xăng dầu NK 753 triệu USD - giảm 52,9%; thép các loại đạt 454 triệu USD - giảm 71,6%; phôi thép đạt 89 triệu USD - giảm 76,8%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 30,2%; vải giảm 14%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giảm 27%; chất dẻo nguyên liệu giảm 34,5%; hoá chất giảm 41,4%; gỗ và sản phẩm giảm 55,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 61,2%...

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2009, VN đã xuất siêu khoảng 300 triệu USD, là điều hiếm thấy.

Chớ vội mừng...

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, vấn đề nhập siêu ở VN vốn đã lớn cả về quy mô và kéo dài cả về thời gian. Gần đây, mức nhập siêu có giảm nhưng việc nói rằng "VN đã xuất siêu" thì cần phải xác định một cách đúng đắn. Bởi xuất siêu là do chúng ta tái xuất vàng (khoảng 800 triệu USD) và XK khoảng 136 triệu USD các loại đá quý.

Lượng kim ngạch thu được từ việc này không thể hiện trình độ công nghiệp hoặc vấn đề giải quyết việc làm ở tầm cỡ quốc gia của VN. Do đó, việc xuất siêu do tái xuất vàng và đá quý cần được nhìn nhận một cách tỉnh táo và cầu thị, không nên nhìn vào con số đột biến để tự huyễn hoặc mình về khả năng XK của nền kinh tế.

Về vấn đề nhập siêu, do nền kinh tế xuất phát từ một nước trình độ công nghiệp hoá còn ở mức khiêm tốn, việc nhập siêu ở một mức độ nhất định là việc có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta đã nhập siêu trong một thời gian quá dài, và mức nhập siêu cũng đã rất cao, do đó vấn đề này không nên xem thường.

Về ý kiến cho rằng, thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng, giá nguyên liệu, giá vật tư... đang giảm mạnh, nên chấp nhận nhập siêu các loại vật tư, nguyên - nhiên vật liệu... dự trữ dành cho thời điểm kinh tế thế giới phục hồi?

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đấy chỉ là bài toán đầu cơ. Cách làm như thế sẽ tuỳ thuộc diễn biến giá cả thế giới. Thời gian vừa qua đã có nhiều DN đầu cơ phân bón, sắt thép, gỗ... và kết quả đã để lại hậu quả nặng nề. Đất nước phải có dự trữ quốc gia an toàn để điều hành nền kinh tế là cần thiết.

Nhưng NK để hy vọng đầu cơ kiếm lời là việc phải rất thận trọng. Bởi cách làm này có thể được một số lãi nhất định, nhưng chỉ có thể làm giàu cho một số cá nhân, chứ không đem lại giải pháp cho cả nền kinh tế là việc tạo ra công ăn việc làm và tạo ra thu nhập cho người lao động.

Do khủng hoảng, các công nghệ, thiết bị sản xuất đang... đại hạ giá. Có nên chấp nhận nhập siêu để mua về trang bị cho các ngành, nhằm tăng năng lực sản xuất? Không đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: Các công nghệ về tiết kiệm năng lượng, công nghệ sinh học, nông nghiệp... chắc chắn sau kỳ khủng hoảng sẽ vẫn tiếp tục có giá trị. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đang diễn ra rất sâu sắc.

Thế giới sau khủng hoảng sẽ khác đi rất nhiều, lúc đó chắc chắn những loại ôtô kềnh càng, tiêu thụ nhiều nhiên liệu như người Mỹ đang sản xuất sẽ "biến mất" trong các quy trình sản xuất của họ. Lúc đó, liệu có còn một nước Mỹ cứ sống bằng NK và dựa trên vay mượn nhiều như vừa qua?

Việc NK từ những nước xa xôi như đã diễn ra liệu có còn hợp lý cho nước Mỹ nữa hay không? Những thay đổi trong tương lai sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề còn quá sớm để kết luận.

Do đó, một số những công nghệ phụ thuộc vào các vấn đề như vừa nêu như công nghệ của ngành đóng tàu, ngành ôtô... là những ngành đang chịu những biến động rất lớn từ khủng hoảng. Do đó chúng ta phải rất thận trọng, kẻo chấp nhận nhập siêu, mua về lại phải bỏ đi bởi không còn phù hợp.

TS Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập KTQT (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):  Năm 2009, nhập siêu sẽ không gây áp lực lớn lên tỉ giá

Dự báo cả năm nay, nhập siêu vẫn tăng, song mức thâm hụt sẽ giảm đi nhiều so với mức nhập siêu của năm 2008. Tác động của nhập siêu sẽ không tạo áp lực làm tăng tỉ giá ngoại tệ, bởi trong bối cảnh hiện nay, hoạt động XK chịu ảnh hưởng lớn từ việc kinh tế thế giới suy giảm, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, đồng thời NK hàng hoá làm nguyên liệu cho sản xuất hàng XK cũng giảm.

Trong khi đó, liên quan đến các nguồn tài trợ cho thâm hụt, trong năm nay, các nguồn vốn ODA, FDI, kiều hối cũng giảm mạnh. Lượng FDI giải ngân trong năm nay dự kiến khoảng 6-7 tỉ USD, sẽ không gây áp lực quá cao làm tăng tỉ giá và chỉ số lạm phát. Tuy nhiên, xét ở góc độ vĩ mô, thì XNK giảm khiến nền kinh tế VN phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cho đến nay, các dự báo về sự phục hồi kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của VN năm nay chỉ đạt từ 2-3%, đa số khác khẳng định từ 4,5% đến trên 5%, chúng tôi vẫn lạc quan đánh giá, tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%, nhưng cần phải triển khai rất quyết liệt các giải pháp vĩ mô mà Chính phủ đã đề ra. Q.T

Theo Công Thắng
Lao động

MỚI - NÓNG
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
TPO - Công ty CP VNG, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nhà Thủ Đức, Thép Pomina, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đua nhau báo lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.