Michelle Obama và các đệ nhất phu nhân Mỹ

Michelle Obama và các đệ nhất phu nhân Mỹ
TP - Danh xưng “Đệ nhất phu nhân” (First Lady) được dùng lần đầu tiên trong điếu văn năm 1849 dành cho bà Dolley Madison, vợ của tổng thống thứ tư James Madison của Hoa Kỳ.
Michelle Obama và các đệ nhất phu nhân Mỹ ảnh 1
Michelle Robinson Obama

Từ đó, nó được dân chúng hiểu như “phẩm hàm” cao nhất mà bất kỳ người phụ nữ nào làm vợ cũng mong đạt được.

“Đệ nhất phu nhân” và Nhà Trắng

Thực tế, vợ các ông chủ Nhà Trắng không mấy mặn mà với nó. Thậm chí gương mặt được truyền tụng là huyền diệu nhất trong các Lệnh Bà, công khai bĩu môi, “Chao ôi, “Đệ nhất phu nhân”, nghe như tên một chú ngựa đua!”, bà lầm bầm.

Gương mặt ấy là Jackie Kennedy, bạn đời bất hạnh của tổng thống thứ thứ 35 John Kennedy - bị ám sát năm 1963 và găm lại trong lịch sử Hoa Kỳ một cái nhọt bọc vĩnh cửu.

Một số vị đồng nhất “Đệ nhất phu nhân” với hội hè hoành tráng và chưng diện thật bảnh. Bà Queen Nancy, vợ của Ronald Reagan, tổng thống thứ 40, bao giờ cũng đỏm dáng, nhưng từ tiền của chính phủ.

Có lần, bà mặc toàn mầu đỏ chói lọi, oai vệ như một nữ chúa trên một võ đài, điều hành một bữa tiệc đông đúc, rực rỡ, tưng bừng và xa hoa còn hơn tiệc tùng ở Hollywood, với sự chỉ đạo nghệ thuật của Frank Sinatra, ca sỹ lừng danh kiêm diễn viên gạo cội. Vì vậy, bà đạt tỷ lệ thấp nhất trong các mệnh phụ Nhà Trắng về sự mến mộ của người dân Hoa Kỳ.

May mắn, cuối cùng bà nhận ra sự phù phiếm của mình, hăng hái tham gia công cuộc ngăn chặn tệ nạn ma túy trong giớ trẻ. Đối với vài “Nữ lãnh chúa”, Nhà Trắng là hạnh phúc và gia đình riêng của họ.

Mamie Pink, người nâng khăn sửa túi cho Dwight Eisenhower, tổng thống thứ 34, chồng vừa đắc cử, đã vội vã sơn hồng tất cả trái phía đông Nhà Trắng. Bà còn tự tay phân phối phiếu giảm chi tiêu cho tất cả nhân viên Nhà Trắng, nhằm tiết kiệm một phần ngân sách nơi này.

Bà yêu cầu mọi phụ nữ  trên tuổi 50 phải ở lại trên giường cho tới trưa, song bà đích thân trả lời thư riêng của bà, trung bình 700 bức một tháng.

Sự cao sang đúng tầm của Nhà Trắng gắn liền mãi mãi với tên tuổi của Jackie Kennedy lẫy lừng. Từ một chuyến thăm hồi nhỏ Khu nhà được toàn thế giới biết đến, bà thất vọng về trang trí nghèo nàn của nó và thầm nuôi ước mơ khôi phục cho nó diện mạo toàn diện, nhất là bộ mặt lịch sử.

Bà để lại Bản Hóa đơn Jacqueline số 2422 bất hủ mà bà thuyết phục được hai viện Quốc hội lần lượt thông qua. Từ đó, phần lớn Nhà Trắng có quy chế một bảo tàng lịch sử.

Nếu vợ của tổng thống thứ 39 Jimmy Carter khiến người ta rì rầm bực bội khá lâu vì đã vận động được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu tán thành luật cấm uống ruợu trong các bữa tiệc trong phủ tổng thống, thì Jackie Kennedy mở văn phòng báo chí đầu tiên tại Nhà Trắng cho Đệ nhất phu nhân với biên chế 40 người.

Giống một tham mưu nhạy bén và đắc lực, Văn phòng giúp cho Nhà Trắng thêm trẻ trung, sành điệu, năng động. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhân vật đoạt giải Nobel, hay nghệ sỹ toàn cầu không bao giờ quên những buổi tiếp kiến thân mật, thanh thoát, ý vị, tràn đầy kiến thức uyên thâm và tình cảm nồng hậu của bà.    

Đệ nhất phu nhân và bổn phận yêu chồng

Michelle Obama và các đệ nhất phu nhân Mỹ ảnh 2
Jackie Kennedy

Bổn phận tối cao dĩ nhiên là giữ gìn cho trái tim Đức lang quân đứng đầu Nhà nước luôn đập mạnh khỏe. Có thể khẳng định các Mệnh phụ Nhà Trắng đều si mê chồng, rất lâu trước khi các ông thành tổng thống.

Nổi tiếng si tình nhất hẳn là Mamie Eisenhower. Bà không quản ngại vất vả, luôn luôn bên cạnh để chăm sóc bạn tình là một nhà quân sự được điều chuyển hầu khắp hành tinh. Trong ba bảy năm, bà đổi chỗ ở hai mươi bảy lần.

Không ngẫu nhiên, tháng một năm 1953, trong lễ nhậm chức đứng đầu chính phủ, tướng Dwight Eisenhower sau khi tuyên thệ trên Kinh Thánh đã ôm hôn bà trước nhất. Cũng không vô tình, bà cho tô hồng phía đông Nhà Trắng như nói bên trên.

Miễn cưỡng làm đệ nhất phu nhân, bà Bess Truman, người giữ lửa cho vị tổng thống 33 Henry Truman, tự coi như một nữ tù, không trả lời báo chí, không bao giờ bình luận điều gì. Làm thư ký được trả lương cho chồng, bà lặng lẽ sửa chữa các bài diễn văn và cung cách ăn ở của ông.

Chồng vốn có tật hứng lên là thao thao bất tận, điểm xuyết nhiều câu chửi thề không thể chấp nhận. Thật lạ, lúc ấy, bà chỉ cần đưa mắt cho ông một cái, cơn ngộ ngôn ngừng ngay.

Đương nhiên, các nguyên thủ quốc gia của Mỹ không tránh khỏi gây phiền lòng cho các bà vợ. Không ham hố lắm danh hiệu Đệ nhất phu nhân, Pat Nixon hy sinh các khát vọng riêng cho chồng, tổng thống thứ 37. Song đổi lại, bà phải ngậm quả đắng, khi ông giấu bà những toan tính tội lỗi của ông trong vụ Watergat.

Và khi ông buộc phải từ chức, bà càng thấy bị xúc phạm. Âu cũng là chuyện lạ, không hiếm ông chủ Nhà Trắng thường bỏ cơm, lén lút ăn phở. Các qúy bà thường biết nín nhịn cho qua hay âm thầm chịu đựng.

Một trong những chuyện đẹp được ghi nhận và lưu truyền trong giới trẻ liên quan đến tổng thống thứ 36 Lyndon Johson. Khi được hỏi về chuyện phóng đãng với phái đẹp của chồng, bà Ladybird Johnson hóm hỉnh thốt ra một câu xanh rờn: “Chồng tôi yêu tất cả mọi người. Và một nửa là phụ nữ”.

Hậu thế hẳn sẽ khen ngợi và khâm phục Hillary Clinton nhiều hơn. Bà tận tụy phụ tá không công cho chồng suốt tám năm ròng. Và vụ bê bối Monica bùng nổ: Bill Clinton “lòng thòng” với cô gái trẻ Monica, có cơ phải rời Nhà Trắng. Bà bình tĩnh lựa chọn, giấu nước mắt vào trong, chu toàn tổ ấm và chức vụ cho chồng, giúp ông cống hiến tối đa cho nước Mỹ.

Bản lĩnh người vợ bộc lộ rõ nhất ở Jackie Kennedy. Chẳng hiểu bà có biết chuyện “lăng nhăng” của chồng với Maryline Monroe không, nhưng suốt đời bà không hề đả động tới.

Hình ảnh bà trong đám tang chồng, đau đớn tột cùng, kiêu hãnh tột cùng, yêu thương và hy vọng tột cùng, vĩnh viễn lay động hàng triệu tấm lòng, như một thông điệp thiết thực chan chứa niềm tin. Không yêu chồng hết mực, bà không thể có nét mặt thiên thần và nhói tim như vậy. 

Muốn là mình và đóng góp cho xã hội

Michelle Obama và các đệ nhất phu nhân Mỹ ảnh 3
Lara Bush.

Thông thường, khi trở thành đệ nhất phu nhân, các bà đều nhuộm tóc và thay đổi vẻ ngoài. Riêng Barbara Bush, vợ của tổng thống thứ 41 George Bush cha nhất quyết không làm thế. Bà lưu lại câu nói nổi tiếng: “Đừng đánh giá quyển sách qua chiếc bìa”.

Với các hoạt động nhân đạo rộng mở và nhộn nhịp, bà được dân chúng tôn sùng như một nữ thánh và thầm tự hào là “Người bà đáng tin cậy của toàn dân Mỹ”.

Lúc cùng ông chồng tổng thống thứ 41 rời bỏ Nhà Trắng, bà tiếc phải thu hẹp phạm vi “yêu thương” của mình. Nhân hậu và cứng cỏi, bà xứng đáng là mẹ của tổng thống  thứ 43, con trai George Bush. Đáng ngạc nhiên, vợ ông này, Lara Bush, cựu thủ thư và giáo sư, luôn luôn nức tiếng hơn chồng (82% dân chúng hoan nghênh bà).

Tham gia nhiều hoạt động cho giáo dục, y tế, nhân quyền, khôi phục ham thích đọc cho công chúng, bà được quý trọng đặc biệt ở bài diễn văn hàng tuần trên sóng phát thanh và những thư chúc thanh thiếu niên chăm ngoan học giỏi được phát ra toàn quốc từ trung tâm Internet của Nhà Trắng.

Bà là vợ tổng thống đầu tiên được thay mặt chồng đến với nhân dân qua thông điệp hàng tuần. Betty Ford, đệ nhất phu nhân thứ 38, bạo mồm bạo miệng, về ma túy, tình dục, nạo phá thai. Đôi khi quá lời. Việc gì cũng vậy, bà không chiều lòng người khác mà làm qua quýt.

Bà nổi bật ở cuộc đấu tranh cho phụ nữ và bình đẳng chủng tộc. Bồi hồi mãi với hình ảnh mẹ mỗi lần đến với mình, hồi bà ba bốn tuổi, mẹ đều mang theo một chùm hoa dại, Ladybird Johnson, mệnh phụ thứ 36, hào hứng vận động dân chúng làm vườn khắp nơi, trồng hoa ven mọi nẻo đường đất nước, Quốc hội thì biểu quyết 300 điều luật bảo vệ môi trường.

Eleanor Roosevelt, “nửa kia” của tổng thống thứ 32 Frank D.Roosevelt, ngậm ngùi vì chồng không chung thủy, song không buông xuôi, mà ra khỏi bóng ông, từ chối các đội dặc nhiệm bảo vệ mình, xuống hầm than tìm hiểu đời sống thợ thuyền, mở mắt cho chồng thấy cảnh khốn cùng của dân lao động, làm cầu nối giữa Quốc hội và những người khốn khổ…

Bà có nhiều kẻ thù, nhưng được báo chí ca ngợi là người phụ nữ mạnh nhất thời đại. Tài quản lý của Rosalynn Carter, Lệnh bà thứ 39, được đánh giá rất cao, cho nên bà được dự các phiên họp của chính phủ và được mệnh danh là Phó tổng thống thứ hai. Cựu đệ nhất phu nhân thứ 42 Hyllary Clinton mở đường cho phụ nữ Mỹ tiến tới “Đỉnh cao quyền lực”.

Hiện nay, sau cuộc đua thất bại giành quyền đại diện cho Đảng dân chủ trong cuộc bầu tổng thống vừa rồi, bà vẫn được bầu chọn là Người đàn bà đáng yêu nhất. Đa tài, bản lĩnh, sức thuyết phục đáng nể, bà chứng minh rằng một lãnh tụ Mỹ thuộc phái đẹp chỉ còn là vấn đề thời gian.         

Ấn tượng mạnh của đệ nhất phu nhân da màu đầu tiên

Michelle Obama và các đệ nhất phu nhân Mỹ ảnh 4
Michelle Obama

Michelle Robinson Obama, sinh năm 1964 trong một khu da đen nghèo đói ở ngoại vi Chicago, được hưởng một tuổi thơ hạnh phúc tròn đầy. Cha bà, một nhân viên dịch vụ nước của Tòa Thị chính, lao động cật lực để hai con được học hành tử tế.

Mẹ, một thư ký ngân hàng, tranh thủ mọi thời cơ có thể để chăm sóc hai con. Do đó, bà khâm phục cha mẹ, và nguyện học giỏi để cha mẹ vui vẻ và bản thân đổi đời.

Với ý chí thép và nghị lực phi thường, bà được vào Đại học Princeton năm 1981, rồi Đại học Havard, ngành luật. Sinh viên da trắng chiếm số đông trong trường, Michelle Robinson luôn luôn cảm thấy mình chỉ là một khách trọ mà thôi.

Luận văn tốt nghiệp của bà nói về việc người da đen làm thế nào để hòa nhập vào xã hội và văn hóa của người da trắng. Đáng lạ, bản luận văn đó bị niêm phong cho tới khi chồng bà đắc cử mới được mở ra, mặc dù nó đã được phổ biến trên hệ thống truyền thông.

Năm 1988, bà được nhận vào làm trong văn phòng luật gia Sidley Austin. Hè năm sau, bà được phân công “kèm cặp” một luật sư tập sự tên là Barack Obama. Bà không hề nghĩ đến một tình yêu giữa hai người.

Từ lâu, Barack đã quý mến bà ở vẻ duyên dáng ăn nói hóm hỉnh và trí tuệ khôi hài sắc sảo, xử sự nghiêm túc nhưng không đáo để. Bà dần dần cũng bị thuyết phục bởi cảm nhận thế giới và đặc biệt chính kiến của ông rằng nước Mỹ cần và có thể thay đổi.

Ông kiên trì theo đuổi bà suốt bốn năm ròng. Đóng góp cho sự xích lại gần nhau của hai người là những buổi cùng thưởng thức nghệ thuật, ví dụ ông mời được bà đi xem Hãy làm những gì đúng đắn, phim thấm đẫm suy tư của đạo diễn da đen bậc thầy Spike Lee.

Về sau, ông công khai cảm ơn Spike Lee và nhắc tên phim nói trên trong phát biểu chia tay bà ngoại ngày 3 tháng mười một vừa rồi. Ông bà nên vợ nên chồng năm 1992. Hai con gái lần lượt ra đời năm 1998 và 2001.

Bà có cá tính mạnh, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, học tập và làm việc theo một thời khoá biểu nghiêm ngặt. Bà chỉ đồng ý cho ông ra tranh cử với hai điều kiện: mỗi tuần vui chơi với các con một ngày và thôi hút thuốc.

Và khi ông chính thức ứng cử, bà tuyên bố: Lần đầu tiên trên đời, bà thấy tự hào vô cùng về Tổ quốc của hai người: Đơn giản vì bà tin nhân dân Mỹ nhận thức được và ủng hộ nhu cầu đổi mới đất nước mà chồng bà tâm huyết và xả thân.

Vẫn đi làm bình thường, bà dành nhiều thời gian cho cuộc vận động tranh cử của ông. Bà luôn luôn nhắc nhở ông đừng “quá bốc” mà phải chừng mực. Đặc biệt, bà hay nói trên truyền hình về những tật xấu của ông (thường quên để bơ vào tủ lạnh, không chịu đi tất mỗi khi ngủ ngoài trời lạnh…) và những xích mích nho nhỏ của hai vợ chồng.

Bà muốn ngụ ý rằng Barack Obama cũng là một người bình thường như trên 200 triệu dân Mỹ. Khi ông thắng cử, bà diện một bộ áo dài gây tranh cãi ồn ào với mầu đỏ nổi bật trên nền đen. Cuối cùng, dân chúng càng khâm phục bà, rằng “Hãy là mình, và điều cốt lõi là một trái tim nồng nhiệt và nguyên vẹn”.

Gia đình bà, chồng và hai con gái đều ăn vận như bà, ấy là một gia đình thống nhất và gắn bó sắt son. Linh hoạt, cương nghị, cao 1m,82; bà đang được hàng triệu phụ nữ đồng nhất với họ.

Bà trở thành tấm gương phản chiếu nước Mỹ năng động và sẵn sàng đổi mới. Bà nhấn mạnh rằng chồng bà không phải là người không thể thất bại, rằng chỉ mình ông không thể giải quyết được mọi vấn đề của Hoa kỳ.

Thành Tâm – Quỳnh Quyên
Tổng hợp

MỚI - NÓNG