Đường hiện đại-phố 'nhà quê': Nhà nước thiệt

Đường hiện đại-phố 'nhà quê': Nhà nước thiệt
TP - Đọc bài Đường hiện đại - phố “nhà quê”, tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề này… Trên 800 tỷ đồng cho 1.000 m đường, đường vành đai I (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa) được coi như con đường đắt nhất hành tinh.
Đường hiện đại-phố 'nhà quê': Nhà nước thiệt ảnh 1
Nhà siêu mỏng trên tuyến phố Đê La Thành - Ô chợ Dừa vừa được xây dựng sau khi mở đường. Ảnh: Phạm Yên.

Vậy mà, sau khi hoàn thành, một tuyến phố chẳng giống ai đã hình thành. Là một công dân của Thủ đô tôi thật sự lo cho cách làm của thành phố Hà Nội hiện nay trong việc mở đường.

Nếu đem so sánh về thu nhập GDP bình quân đầu người/năm giữa nước ta với các nước phát triển (năm 2006 GDP bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 700 USD/người; các nước tiên tiến trên dưới 20.000 USD/người).

Thu nhập GDP/người của Việt Nam chỉ bằng 1/30 so với các nước phát triển. Nhưng chi phí mở đường lại cao gấp 5 lần của họ (đoạn đường Kim Liên–Ô Chợ Dừa chúng ta làm hết 49 triệu USD/km trong khi các nước làm chỉ hết khoảng 9 triệu USD/km).

Điều này thật sự phi lý, nếu tiếp tục như tình trạng hiện nay thì chúng ta không bao giờ hy vọng có được cơ sở hạ tầng và các đô thị hiện đại như các nước trên thế giới.

Cách thức mở đường tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đang làm, theo tôi có một số bất cập sau: Chi phí mở đường quá cao (như đã dẫn chứng ở phần trên). Việt Nam sẽ không bao giờ có được những đô thị hiện đại vì nó quá với khả năng tài chính của chúng ta;

Bộ mặt kiến trúc của các con đường mới mở rất xấu, manh mún. Đến một lúc nào đó chúng ta lại phải tốn chi phí để đập bỏ và xây dựng lại nhằm tạo bộ mặt mới cho kiến trúc đô thị (sẽ tốn nhiều lần tiền của và thời gian để làm việc này).

Ngoài ra, việc xây dựng những con đường như thế này còn làm mất công bằng xã hội: Giá trị của những ngôi nhà, mảnh đất được ra mặt đường sau khi mở đường được tăng lên nhiều lần so với trước khi con đường được mở. Phải khẳng định rằng giá trị tăng thêm này là do mở đường mà có.

Chi phí mở đường do cả xã hội bỏ ra để làm (tiền từ ngân sách, tiền Nhà nước vay của dân hoặc vay nước ngoài…), nhưng giá trị của những mảnh đất, ngôi nhà mới ra mặt đường được tăng lên này lại thuộc sở hữu của các cá nhân và họ được hưởng lợi quá lớn do việc mở đường đem lại (nhiều khi còn lớn hơn so với việc trúng xổ số độc đắc; một đời người lao động bình thường khó có thể tích lũy để có được một tài sản lớn như vậy…). Điều này đã tạo ra sự mất công bằng lớn trong xã hội từ việc mở đường tại các đô thị lớn hiện nay tại Việt Nam.

Giải pháp nào để khắc phục những bất hợp lý trên? Theo tôi, khi mở các con đường tại các đô thị ngoài phần diện tích mặt đường và vỉa hè của con đường, Nhà nước cần lấy thêm hai dải đất 2 bên của con đường (có chiều rộng từ 20 – 50 mét mỗi dải đất tùy theo chiều rộng của con đường).

Hai dải đất này sẽ được cho bán đấu giá và sẽ được xây dựng theo đúng quy hoạch của đô thị nhằm tạo ra bộ mặt đô thị hiện đại trên những con đường mới mở. Nếu làm được như vậy về cơ bản sẽ khắc phục được những điều bất hợp lý nói trên trong việc mở đường tại các đô thị lớn ở Việt Nam.

Mặt khác, giải pháp trên còn giảm được việc chi tiền từ ngân sách Nhà nước để mở đường: Tiền thu được từ việc bán đấu giá 2 dải đất 2 bên đường mới là rất lớn sẽ dùng để chi phí cho giải phóng mặt bằng, chi phí làm con đường…

Bộ mặt kiến trúc con đường mới sẽ hiện đại. Bởi khi đó, Nhà nước có thể buộc những cá nhân, tổ chức mua quyền sử dụng đất phải xây dựng theo đúng quy hoạch kiến trúc mới của con đường. Chấm dứt tình trạng xây nhỏ lẻ manh mún như hiện nay đang diễn ra tại các con đường mới mở.

Tôi tin tưởng rằng, nếu chúng ta có các giải pháp tốt trong việc quy hoạch, quản lý xây dựng tại các đô thị thì chúng ta sẽ nhanh chóng chấm dứt tình trạng xây dựng bừa bãi hiện nay và nhanh chóng có được bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại tại các đô thị lớn.

MỚI - NÓNG