Nước đến chân mới… nhảy!

Nước đến chân mới… nhảy!
TP - Câu tục ngữ được lưu truyền “Nước đến chân mới nhảy” đồng nghĩa với các câu: “Chờ nước đến chân mới nhảy”, “Đợi nước đến chân mới nhảy” hoặc “Giặc đến mới mài giáo”, “Ra trận mới mài giáo”.
Nước đến chân mới… nhảy! ảnh 1

Ở mọi nơi và mọi lúc vẫn còn cách sống thờ ơ, thiếu trách nhiệm, cách làm việc hời hợt, thiếu sâu sắc; cách sống chưa có nề nếp, thiếu kỷ cương và kỷ luật. Lao động, làm việc, học tập theo kiểu “Nước chảy, bèo trôi” hoặc “Nước lên, thì thuyền cũng lên”.

Thời chống Pháp, một số làng giáp ranh với đồn giặc, khi biết kế hoạch giặc đi càn, có gia đình lo xa đi tản cư, còn một số do chủ quan không đi tản cư. Khi giặc đi càn, các gia đình không chịu tản cư bị giặc bắn chết, đốt nhà, cướp đồ đạc.

Thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, nhiều vùng trọng điểm phải đưa dân sơ tán. Khi nhận được lệnh, có người coi thường không sơ tán. Máy bay ném bom, các gia đình này mới chạy nháo chạy nhào và kết cục là nhiều người bị chết.

Hay trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Nhà nước cần thu hồi đất để làm đường giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phục vụ lợi ích công cộng.

Có quy hoạch và thông báo quy hoạch, chính sách đền bù, tiến hành thông báo và vận động nhân dân chấp hành phương án di dời và đền bù. Nhưng nhiều người dân chây ỳ, chống lại. Chỉ đến khi bị “cưỡng chế” mới chấp hành. Hiện tượng này đã làm mất trật tự, trị an, làm cho công trình thi công không đúng tiến độ, dẫn tới thiệt hại tiền vốn của Nhà nước và nhân dân.

Mặc dù đã được thông báo tình trạng khẩn cấp, không ít chủ tàu thuyền chủ quan không tìm nơi tránh bão. Trên đất liền, nhiều cơ quan, đơn vị và các gia đình chủ động tìm cách phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ, ngược lại không ít tập thể, cá nhân chủ quan không có giải pháp phòng chống. Hiện tượng không chủ động, không chấp hành của tập thể và cá nhân đối với lệnh phòng chống lụt bão đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện tượng “Nước đến chân mới nhảy” đối với việc bảo vệ môi trường cũng rất phổ biến. Rất nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện, bãi rác… khi thiết kế, xây dựng không có thiết bị xử lý môi trường ngay từ đầu, thải rác, bụi khói, tiếng ồn… gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ đến khi người dân phát hiện và khiếu kiện, thanh tra bảo vệ môi trường kiểm tra và xử phạt, dư luận lên án, thì mới cuống cuồng cho dừng sản xuất, thay thế máy móc thiết bị, xây các trạm xử lý môi trường…

Việc làm theo kiểu “thân lừa, ưa nặng” đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái và lãng phí lớn tiền của.

“Nước đến chân mới nhảy” cũng thường xảy ra với học sinh, sinh viên và ngay cả cán bộ nghiên cứu khoa học. Học sinh và sinh viên chỉ tập trung học vào các dịp thi hoặc làm luận văn. Kiểu học tủ và học theo “mùa vụ” khá phổ biến.

Còn cán bộ, nhiều người tác phong làm việc không khoa học – không theo mục tiêu, nội dung, phương pháp, và tiến độ. Những cán bộ này điều hành đề tài dự án, chương trình theo kiểu “chạy nước rút” vào dịp cuối năm. Đầu năm thong thả, giữa năm đủng đỉnh và cuối năm vắt chân lên cổ.

Học sinh, sinh viên học tập theo “mùa vụ” nên kết quả học tập không cao, thiếu phương pháp học tập; cán bộ làm việc kiểu “chạy nước rút” nên tạo ra các sản phẩm chất lượng không cao và khó áp dụng vào thực tiễn...

Trần Thanh Tùng
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.