Tìm hiểu pháp luật

Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất có giá trị pháp lý?

Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất có giá trị pháp lý?
Ông Trần Văn Kiểm trú tại số 41 cụm 4 thôn Bắc, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, có đơn gửi báo Tiền Phong, cho biết: Gia đình ông cư trú trên mảnh đất hiện ông đang ở từ năm 1951.

Năm 1986, ông và các con được UBND huyện An Hải cấp 06 “Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất”, ghi rõ được cấp chính thức, loại đất thổ cư, số tờ bản đồ, số thửa... Gần đây, cán bộ phường đến lập “Biên bản xác định mốc giới rãnh thoát nước” trên đất của ông. Qua đó, người ta đã xâm hại một phần diện tích đất của ông.

Ông Kiểm làm đơn khiếu nại nhiều lần, nhưng chưa được trả lời. Nay cán bộ địa chính phường lại “đánh tiếng” sẽ tiếp tục lấy đất của gia đình ông, bởi cho rằng “Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất” không phải là “Sổ đỏ” nên không có giá trị pháp lý, huyện An Hải trước đây đã “cấp thừa” cho gia đình ông và nay cần thu hồi lại. Ông Kiểm đề nghị quý Báo trả lời giúp: 1/ “Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng đất” của gia đình tôi có giá trị pháp lý không? 2/ Nay gia đình tôi muốn được cấp “Sổ đỏ” thì cần làm những thủ tục gì?”.

PV báo Tiền Phong đã trao đổi với Luật sư (LS) Vũ Quốc Bình, Trưởng văn phòng LS Thiên Quang thuộc Đoàn LS TP Hà Nội. Ông Bình cho biết:

- Theo Điều 49 Luật Đất đai 2003, một trong những đối tượng được cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (gọi nôm na là “Sổ đỏ”) là các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ về quyền sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993. “Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng ruộng đất” mà UBND huyện An Hải cấp cho ông Kiểm và các con năm 1986 đương nhiên có giá trị pháp lý, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xét cấp “Sổ đỏ” cho gia đình ông. Cần nói thêm, thời điểm 1986, chưa có Luật Đất đai, cơ sở để xét cấp “Giấy chứng nhận...” cho gia đình ông Kiểm là Nghị quyết 125-CP ngày 28/6/1971 và Quyết định 201- CP, ngày 1/7/1980 về thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường quản lý ruộng đất trong cả nước.

- Nếu việc xét cấp “Giấy chứng nhận...” cho gia đình ông Kiểm trước kia có sai sót, chẳng hạn “cấp thừa”, thì việc giải quyết sai sót thuộc thẩm quyền cơ quan nào?

- Gia đình ông Kiểm, cũng như các hộ khác ở phường Đằng Giang, đang trong diện được xét cấp “Sổ đỏ”. Theo Điều 37 Luật Đất đai 2003; Điều 31, 32 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, thẩm quyền xét cấp “Sổ đỏ” cho họ thuộc UBND quận Ngô Quyền. Cơ quan này sẽ phải xem xét, rà soát lại hồ sơ gốc, cũng như diện tích thực địa... tức đã bao hàm cả việc điều chỉnh các sai sót và biến động, nếu có.

- Để được cấp “Sổ đỏ”, gia đình ông Kiểm cần làm những thủ tục gì?

- Đảng và Nhà nước đang chủ trương đẩy nhanh tiến độ cấp “Sổ đỏ” cho người dân. Theo điều 48, 136 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, người dân phải nộp đơn xin cấp “Sổ đỏ” và các hồ sơ kèm theo cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Theo luật định, trong thời gian 15 ngày, Văn phòng này sẽ công bố công khai trường hợp nào đủ điều kiện và không đủ điều kiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, thì không quá 55 ngày (không kể thời gian công bố công khai và người sử dụng đất làm nghĩa vụ tài chính nếu có), người dân sẽ được cấp “Sổ đỏ”. Như vậy, ông Kiểm và các con ông có thể trực tiếp đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của quận Ngô Quyền để làm thủ tục cấp “Sổ đỏ”.

MỚI - NÓNG