Thạch Bảo Khanh: Chờ!

Thạch Bảo Khanh: Chờ!
Đời cầu thủ vốn ngắn ngủi. Bền như Vua phá lưới đội Công nghiệp Hà Nam Ninh ngày xưa là Nguyễn Văn Dũng giải nghệ ở tuổi 38 đã được ví như là kỷ lục...

Dĩ nhiên, kỷ lục Nguyễn Văn Dũng tạo dựng một phần là nhờ cuối đời cầu thủ, trung phong lão làng này được cố HLV đội Nam Định Ninh Văn Bảo luôn ưu ái cho phép vừa đá, vừa nghỉ.

Lứa cầu thủ sau thời Nguyễn Văn Dũng như “thế hệ vàng” Hồng Sơn, Công Minh, Đỗ Khải... giờ chỉ còn trụ duy nhất Lê Huỳnh Đức. Lại cũng phải nhớ rằng, Lê Huỳnh Đức có được may mắn ấy là vì suốt nghiệp cầu thủ, lối chơi càn quét bằng thể lực, đã giúp Đức không dính chấn thương.

Còn Bảo Khanh thì sao? Hồi Bảo Khanh tỏa sáng với cái kèo trái khéo léo khi Thể Công đăng quang chức VĐQG năm 1998, người ta thậm chí còn chờ đợi sự phát sáng của tiền đạo này hơn cả Văn Quyến bây giờ. Đơn giản là vì Bảo Khanh có tài và lành!

Nhưng đùng một cái, Bảo Khanh suýt phải chia tay với sân cỏ vĩnh viễn. Vết thương cơ háng và những lần chích thuốc giảm đau tập luyện, thi đấu để thuyết phục HLV A.Riedl đưa vào thành phần ĐTVN dự Tiger Cup 1998 đã khiến anh suýt phải “nửa đường đứt gánh”.

Sau này, khi gặp được ân nhân là bác sỹ Đồng Xuân Lâm chữa lành vết thương tưởng như mãn tính, Bảo Khanh nhắc lại kỷ niệm Tiger Cup với một cái chép miệng của cầu thủ đã “khôn” ra sau bao lần va đập: “May mà không thành... “quá cố”!”.

Nói như thế để thấy việc Bảo Khanh được CLB Home United (Singapore) dạm mua với những điều kiện lương bổng, đãi ngộ kinh tế, tinh thần cao ngất là điều tưởng chừng “trong mơ mới có”. Nó chứng tỏ giá trị chất lượng của cầu thủ Thể Công này, đặc biệt là phần thưởng về ý chí cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh.

Đâu phải Bảo Khanh không muốn. Tâm sự với người viết, Bảo Khanh nói nước đôi “đi cũng được mà ở cũng chẳng sao”.

Song, đằng sau câu nói tưởng chừng “trung tính” ấy là nỗi lòng khó tả. Rõ ràng là Bảo Khanh không thể ngồi im vì lời dạm hỏi ấy chính là sự thừa nhận tài năng của cầu thủ này. Hơn thế nữa, nó còn là cơ hội gần như cuối cùng khi anh đã bước sang tuổi 27 và có tiền sử chấn thương nặng.

Ngay cả khi Thể Công được chuyển giao cho một doanh nghiệp điện tử viễn thông là Viettel tiếp nhận thì việc “xuất ngoại” của Bảo Khanh cũng vẫn còn khó.

Vẫn biết đời cầu thủ ngắn ngủi, nhưng thôi thì đành chờ! Giống như cái cách Khanh ngập ngừng đi cũng được mà ở cũng chẳng sao”. 

MỚI - NÓNG