Cụ già 84 tuổi và 20 năm theo kiện

Cụ già 84 tuổi và 20 năm theo kiện
Chồng đơn khiếu tố cứ ngày một dày thêm như nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của cụ bà 84 tuổi. Cứ mỗi lần ông Vinh khởi công xây nhà là gia đình bà Núm ngăn cản…
Cụ già 84 tuổi và 20 năm theo kiện ảnh 1
Bà Núm và hành trình 20 năm theo kiện

Từ năm 1960, vợ chồng bà  Đàm Thị Núm (SN 1920, ngụ tại số 3 Trần Hưng Đạo, TT Liên Nghĩa) đã dày công khai phá 13.900m² đất hoang ở Đức Trọng (Lâm Đồng). Đến năm 1970, họ phải giao cho chính quyền sở tại phần lớn diện tích đất để xây chợ, chỉ còn1.500m² làm nhà ở và trồng ngô, sắn.

Năm 1984, ông Nguyễn Quang Vinh (lúc đó là Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự huyện) mặc dù đã được Nhà nước cấp hàng trăm mét vuông đất để làm nhà ở, nhưng vẫn ngang nhiên huy động nhiều người chuyển dịch mốc giới  lấn chiếm của bà Núm thêm 400m². Từ đó đến nay, trải qua 20 năm, gia đình bà Núm liên tục tranh chấp, khiếu kiện…

Cái lý mà  chính quyền và cơ quan chức năng của Đức Trọng “vin” vào để bác hàng loạt đơn khiếu nại là: “Lô đất đó bà Núm đã đưa vào HTX , sau đó huyện Đức Trọng quy hoạch giao cho ông Vinh và ông sử dụng ổn định, đã được cấp quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở...”.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Nông Văn Nội - Phó giám đốc Quỹ Tín dụng Liên Nghĩa (nguyên Phó chủ nhiệm HTX Cao Bắc lạng 1) nói: “Bà Núm đã khai phá, canh tác trên mảnh đất  đó mấy thập kỷ qua và đến cuối năm 1984 xảy ra tranh chấp với ông Vinh, trong khi mãi đến năm 1985 HTX mới được thành lập. Như vậy làm sao có chuyện đất được đưa vào HTX như khẳng định của thanh tra và địa chính huyện?”.

Cụ già 84 tuổi và 20 năm theo kiện ảnh 2
Lô đất ông Vinh chiếm của bà Núm xây nhà

Trong tất cả các quyết định giải quyết vụ việc, chính quyền địa phương không đưa ra văn bản cụ thể có tính pháp lý nào về việc đã giao 400 m2 đất  cho ông Vinh mà chỉ viết chung chung: “Phần diện tích đất này Nhà nước đã quy hoạch và giao cho ông Vinh sử dụng ổn định từ 1985 đến nay”.

Quả là nghịch lý bởi nếu thực sự địa phương đã quy hoạch 400 m2 và giao cho ông Vinh từ năm 1985 thì tại sao không thông báo (bằng văn bản) cho bà Núm rằng đất của bà Nhà nước đã quy hoạch? Tại sao đã giao cho người khác sử dụng mà vẫn bắt bà Núm nộp thuế sử dụng đất cho đến tận năm 1997? Tại sao ông Vinh không có quyết định giao đất hợp pháp của UBND huyện Đức Trọng mà chỉ trưng ra “bửu bối” là giấy xác nhận viết tay của ông Phạm Văn Hảo - Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa - với nội dung đồng ý cho cất nhà trên lô đất  thuộc phạm vi quy hoạch của UBND  huyện Đức Trọng.

Cần nhấn mạnh ông Hảo chỉ xác nhận cho ông Vinh cất nhà trên khu đất đã được Nhà nước quy hoạch chứ không thể hiện cất nhà trên diện tích 400m² đang tranh chấp và càng không phải là văn bản giao đất bởi UBND thị trấn không có thẩm quyền cấp đất. Như vậy tính pháp lý của việc giao nhận đất giữa huyện Đức Trọng và ông Vinh là ở đâu?

Chồng đơn khiếu tố cứ ngày một dày thêm như nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của cụ bà 84 tuổi và cứ mỗi lần ông Vinh khởi công xây nhà là gia đình bà Núm ngăn cản, tháo dỡ hàng rào bao quanh lô đất…, thậm chí có  lúc xảy ra xô xát giữa hai gia đình dẫn đến thương tích khiến cơ quan pháp luật phải can thiệp.

Chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương  cũng đã tổ chức cả chục cuộc hoà giải để thương lượng tiền đền bù thành quả lao động  cho bà Núm. Ban đầu, UBND TT Liên Nghĩa “áp” giá 3 triệu đồng, vài năm sau ông Vinh đề nghị nâng lên 100 triệu và gần đây nhất hơn 370 triệu đồng,  nhưng cuối cùng không đạt được sự thoả thuận nào.

400m² đất này đã và đang bị tranh chấp quyết liệt vậy mà lạ lùng thay, vào năm 2003 ông cán bộ này vẫn được công nhận quyền sử dụng đất, được cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng rồi làm nhà ở và xây kiốt cho thuê.

Ông Bùi Sĩ Thưởng – Phó Bí thư Huyện uỷ Đức Trọng cho rằng: “Phải giải quyết lợi ích của bà Núm một cách thoả đáng chứ không thể tước đoạt đất của bà. Đất đang tranh chấp mà cấp quyền sử dụng cho người khác và cấp giấy phép xây nhà là sai luật. Vô hình chung tạo điều kiện cho ông Vinh thu lợi bất chính từ đất của bà Núm. Nếu ông Vinh ở 1 lô còn 3 lô đem bán cũng được khoảng 1,5 tỷ đồng, trong khi lại thương lượng bồi thường quá ít thì làm sao giải thích cho dân được ?!”.

Ngày 13/8/2004, Thanh tra Nhà nước cũng có công văn (số 1187) nhận định: “Ông Vinh đã được Nhà nước giao 400m² đất để làm nhà ở, nhưng vẫn lấn chiếm thêm 400m² của gia đình bà Núm trong khi gia đình bà đang sử dụng và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Không những lấn chiếm để sử dụng mà ông Vinh còn phân lô bán đi một phần để thu lợi…

Việc chính quyền địa phương tiến hành hoà giải bồi hoàn sau khi đã có QĐ giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh là không đúng trình tự theo quy định của luật giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai. Mặt khác, phần diện tích đang tranh chấp nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh lại cấp giấy chứng nhận QSD đất,cấp giấy phép xây dựng cho ông Vinh là không đúng quy định của pháp luật”.

Mọi việc thiết nghĩ đã quá rõ ràng, thế nhưng ngày 22/11/2004, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn có công văn báo cáo sai sự thực với Thanh tra Chính phủ, cố tình bao che cho ông Vinh. Nội dung công văn vẫn là “điệp khúc”:

“Diện tích đất trên đã giao cho ông Vinh sử dụng ổn định từ năm 1984 đến nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định của pháp luật…” trong khi mấu chốt vấn đề là xác định rõ ông Vinh có quyết định giao đất vào thời điểm bắt đầu cuộc tranh chấp (năm 1984) hay không thì tỉnh lại làm ngơ?

Hơn thế, người ký công văn  này lại là ông Trần Phú Điền - Chánh văn phòng UBND tỉnh - trong khi ông Điền từng là Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, đơn vị trước đây đã cấp sổ đỏ cho ông Vinh. Về vấn đề này, Thủ tướng Phan Văn Khải vừa chỉ đạo Tranh tra Chính phủ kiểm tra, kết luận  và có biện pháp giải quyết.

Việc giải quyết  khiếu nại có quá nhiều khuất tất như trên của huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng là do hạn chế về chuyên môn hay ẩn chứa những tiêu cực bên trong? Dư luận không thể không đặt câu hỏi nghi vấn và chờ  đợi sự phán quyết hợp tình hợp lý hơn, để nước mắt không còn lăn trên gò má nhăn nheo, gầy gò của cụ già gần đất xa trời . 

MỚI - NÓNG