Di dân, dân không đi vì không có nghề

Di dân, dân không đi vì không có nghề
TP - Tam Quang là xã biển của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi có cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, là nơi dựng hàng rào Khu phi thuế quan - điểm nhấn ưu đãi đầu tư kinh tế mở (KTM) Chu Lai.
Di dân, dân không đi vì không có nghề ảnh 1
Thanh niên không có nghề, chỉ đi lại loanh quanh trong xóm

Nhưng 4 năm sau khi khởi động KTM,  về lại Tam Quang, được nghe tiếng kêu từ cán bộ đến dân bởi công tác di dời dân đầy trục trặc.

Biển động, gia đình ông Nguyễn Trúc cùng hàng trăm hộ dân tại thôn 3 của xã ngồi nhà chơi.  Cả nhà 7 khẩu chỉ trông vào cái thúng câu mực nhấp nhô đói no. Đường vào xóm này băng qua sân bóng cùng khoảnh lớn lát gạch bê tông mấy héc ta.

Ông dẫn tôi ra sân bê tông cỏ dại um tùm, nói : “Đây vốn là ruộng 3 vụ. Mấy ổng lấy hết đất. Chúng tôi  cụt nghề. Đất vườn  cũng lấy. Nhà nào còn nhiều nhất cũng chỉ 1 sào.  Hết đất phải qua làm biển. Không có tiền sắm tàu thì phải câu mực".

Từ đây đến tháng Chạp mưa gió, đóng cửa đi chơi không làm thì đói dài. Gia đình ông cùng một số hộ thuộc diện di dời lên Khu TĐC nhưng chưa ai chịu đi, vì không chuyển đổi  nghề nổi.

Bức xúc, quá vô lý, đó là những lời tôi ghi được từ ông Nguyễn Tin, Phó Chủ tịch UBND xã. Chính sự chậm chạp như rùa trong qui hoạch, xây dựng Khu KTM đã làm khổ từ dân đến cán bộ.

Đến nay đã có 250 hộ tại các thôn 3,4,5,6 bị giải tỏa, thì 100 hộ không có đất bố trí làm nhà. Chấp nhận cho họ làm trái phép, tái chiếm, bởi nếu không thì dân sẽ ở đâu? 150 hộ có đất trên khu TĐC gần thị trấn thì cơ sở hạ tầng trên đó không đảm bảo, nên mới chỉ có...7 hộ lên ở.

Hầu hết dân đây làm biển, lên thị trấn sống bằng nghề gì? Dân nông nghiệp lên thì lấy đất đâu sản xuất? Câu trả lời là...không biết! Việc giải tỏa tại Tam Quang diễn ra từ năm 2000 đến nay, khoảng 100 ha đất đã bị thu hồi.

Ông Tin nói: “Chỗ nào mấy ổng cũng đo, cũng nhắm. Di dời, chấp hành, nhưng phải nói cụ thể làng nào, xóm nào, đi đâu, ở đâu, làm gì, đằng này lung tung cả lên”.

Xã đau đầu vì bất lực trong việc chuyển đổi nghề; giá đền bù thấp; thiếu tiền hỗ trợ bà con làm nhà. Theo kế hoạch, Tam Quang sẽ di dời cả xã với 3.200 hộ, 13.500 dân phải ra đi. Lúc đó chưa biết sẽ thế nào.

Điều vô lý đã và đang diễn ra, là đất ruộng của dân bị thu hồi đã 4 năm, bỏ hoang cho cỏ mọc, trong khi dân không có đất sản xuất. Đất đồng tôm cũng bị thu, rồi bỏ. Lãng phí ghê gớm trong khi Nhà nước lại thiếu tiền. Đường 618 được mở rộng, cốt nền được tôn cao, trong khi nhà dân tổ 3, 4 thôn An Hải chưa di dời được, mưa xuống là như sống chung với lụt.

Đầu tư vào Khu KTM Chu Lai đã bị chững lại bởi nhiều nguyên nhân. Chuyện đi trước trong qui hoạch cơ sở hạ tầng để gọi đầu tư, bây giờ gặp lực cản thiếu vốn, trung ương không cho cơ chế đặc biệt, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên nhà đầu tư không mặn mà nữa, đã dẫn đến nạn qui hoạch treo, làm khổ dân không chỉ ở Tam Quang.

Trung Việt

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.