Gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

Gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới
TP - Theo báo cáo của các vụ bậc học (Bộ GD&ĐT), quy mô bậc học phổ thông năm học 2006 – 2007 nhìn chung tương đương so với năm ngoái (đều ở mức khoảng hơn 16,7 triệu HS). Tuy nhiên, với từng cấp học có sự tăng giảm khác nhau.
Gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các em học sinh tiểu học trường Quang Trung (Hà Nội) trong ngày hội khai trường hôm 3/9                            Ảnh: Hồng Vĩnh

Cấp THCS quy mô khá ổn định, cả năm học trước và năm học này đều có khoảng hơn 6,4 triệu HS. Cấp THPT tăng khoảng 200.000 HS.

Ngược lại, cấp tiểu học giảm khoảng 200 000 HS. Ông Lê Tiến Thành – Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học – cho biết:

“Số HS giảm là xu hướng của cấp tiểu học khoảng 5 năm trở lại đây. Có năm, quy mô giảm khoảng 300.000 – 400.000 HS. Dự kiến, đến năm 2009 xu hướng này sẽ dừng”.

Bậc học mầm non quy mô tăng trưởng chậm, năm học này cả nước có khoảng hơn 3,1 triệu HS mầm non – tăng khoảng 100 000 HS.

Trong đó, số trẻ đi nhà trẻ rất thấp: chưa đến 600.000 cháu. Trong các bậc học, bậc ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất (hơn 5%). Năm học trước, cả nước có hơn 1 863 000 học viên, sinh viên bậc này thì năm nay con số đó là hơn 1.962.000.

Trong các cấp học bậc phổ thông, cấp THCS là cấp duy nhất đã hoàn thành hết lượt việc triển khai đại trà chương trình SGK mới. Kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vừa qua ở nhiều địa phương khiến dư luận không khỏi lo ngại về “bệnh thành tích” trong khâu đánh giá ở cấp THCS hiện nay.

Với cấp tiểu học, năm học 2006 - 2007 là lượt cuối cùng triển khai đại trà chương trình SGK mới (lớp 5). Sau 4 năm triển khai chương trình SGK mới, kết quả nhìn chung được đánh giá tốt qua việc đổi mới nội dung SGK và phương pháp dạy học.

Gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới ảnh 2
Dù còn nhỏ nhưng các em đã phải học quá nhiều 
                         Ảnh: Hồng Vĩnh

Việc triển khai đại trà chương trình THPT phân ban (bắt đầu từ lớp 10) là sự kiện lớn nhất của bậc học phổ thông năm học 2006 - 2007. Theo báo cáo của Vụ GD Trung học, năm học này cả nước có 2.367 trường THPT.

Số học sinh vừa mới tuyển vào lớp 10 THPT là hơn 1,2 triệu em – con số này chiếm tỷ lệ tương đối so với quy mô cấp học THPT trên cả nước (chưa đến 3,2 triệu HS).

Để chuẩn bị cho việc đại trà chương trình THPT phân ban năm học này, trong dịp hè vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo với sự tham gia trực tiếp của tất cả lãnh đạo các trường THPT trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã liên tục ban hành các văn bản hướng dẫn khá chi tiết liên quan tới việc triển khai đại trà phân ban.

Ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT – cho biết, trước ngày khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát tình hình chuẩn bị triển khai đại trà chương trình THPT ở 10 tỉnh/ thành trong cả nước.

Kết quả, đoàn đã giải tỏa về cơ bản những băn khoăn, vướng mắc cho các hiệu trưởng trường THPT ở những địa phương đó.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.