“Đường đua không phải phim bạo lực hay xã hội đen”

“Đường đua không phải phim bạo lực hay xã hội đen”
TP - Tan buổi ra mắt “Đường đua” ở Hà Nội, tôi nói với Nguyễn Thanh Sơn- nhà đầu tư phim, còn được biết đến với tư cách phê bình gia và phu quân diễn viên Hồng Ánh: “Phim anh được khen cũng nhiều, nếu anh đồng ý, đối thoại của tôi và anh sẽ chỉ có đá xoáy”. Phim ra rạp được hơn tuần và theo Nguyễn Thanh Sơn (ảnh) đây không phải phim bạo lực hay xã hội đen như mọi người tưởng.

> ‘Đường đua’ xuất sắc hơn ‘Bụi đời Chợ Lớn’?
> Thu hàng loạt đĩa lậu phim 'Bụi đời chợ Lớn'

Anh Nguyễn Thanh Sơn, sau khi tắm máu với “Bụi đời chợ Lớn” (bằng cách xem bản không chính thức trên mạng), tôi lại được bồi thêm một phim gọi là “hành động” loại nặng, không thiếu cướp giết hiếp - “Đường đua”. Cuộc sống căng thẳng có thừa, nếu lại muốn xem phim bạo lực đầy chuyên nghiệp thì người ta mở các kênh phim Mỹ. Vậy anh nghĩ khán giả vào rạp để xem một bộ phim mà các báo mô tả là “nghẹt thở” nữa để làm gì?

Tôi tưởng “đô” của chị “kham” được nặng hơn thế nữa chứ? Hôm trước xem phim ở rạp, xung quanh thấy các bậc phụ huynh vừa xem vừa bình luận rào rào “chết thật, xã hội bây giờ loạn quá, loạn quá…”. Đúng là khi đời nặng khôn kham như thế này, thì mời khán giả bước vào một thế giới mộng tưởng lung linh sẽ dễ hơn vào một thế giới đen tối hắc ám như Đường đua. Ý chị phải chăng là nên mở các kênh của Mỹ để xem xã hội tư bản nó đen tối thế nào, chứ khán giả không cần phải bước vào rạp xem phim của ta mới thấy xã hội của ta “nghẹt thở”, nhất là một sự nghẹt thở mà theo chị chưa được chuyên nghiệp như Đường đua? Nhưng tôi tin rằng, vẫn có những khán giả tìm kiếm những bộ phim không ru ngủ, mà lay họ dậy.

Lộc (Phạm Anh Khoa) thanh toán mối thù với Hải (Nhan Phúc Vinh) trong cảnh cuối phim. ảnh: n.t.sơn cung cấp
Lộc (Phạm Anh Khoa) thanh toán mối thù với Hải (Nhan Phúc Vinh) trong cảnh cuối phim. ảnh: n.t.sơn cung cấp.

“Nghẹt thở” là từ một số báo viết về phim, còn tôi thở bình thường. Và vấn đề không phải đô nặng hay nhẹ mà là có cần kham. Khán giả chỉ cần mở nhật trình đã bội thực thông tin, hà tất phải vào rạp mới biết xã hội đang thế nào.

Anh nói: “Mọi người nghĩ đây là phim bạo lực hay xã hội đen, nhưng tôi đầu tư phim này vì nó đặt câu hỏi ngầm, ai sẽ bảo vệ những thân phận nhỏ bé, không chỗ dựa trong xã hội, và đó mới là lý do Hội đồng Duyệt phim Quốc gia muốn cấm nó”.

Tôi cho rằng để mô tả cái ác, những thân phận mong manh, thì không nhất thiết phải để họ bị đâm bị cướp liên tục, cha họ bị giết một cách dã man còn em gái bị hiếp hoặc suýt hiếp, mổ sống để lấy nội tạng… Cái ác có lúc là sự hành hạ thể xác nhưng có lúc không cần. Làm phim về cái ác, không cẩn thận thì chính ta mang tiếng ác?

Năm ngoái tôi xem bộ phim Anh “Chúng ta cần nói chuyện về Kevin” kể chuyện một kẻ giết người hàng loạt đã lớn lên trong một gia đình tử tế, bình thường thế nào. Cả phim không tiếng súng, không hành thích dù có giết người và trả thù. Nhân vật chính giết bạn học và bố, và em gái bằng cung tên nhưng người ta cũng không cần đi sâu vào cảnh này. Thế mà xem xong, thấy nhất thiết “phải nói chuyện về Kevin” tức là về những kẻ ác từ bé, về việc phải cảnh giới cao độ trước cái ác ẩn hiện quanh ta.

Nói như vậy cũng như nói “làm phim về tình yêu đâu nhất thiết phải có cảnh giường chiếu, đâu nhất thiết phải ôm hôn nhau, chỉ cần một cái nắm tay, một ánh mắt thiết tha, một vài giọt nước mắt là đã đủ làm rung động lòng người, khiến họ không thể quên được bộ phim đó”- tức là vấn đề ở đây là cái cách lựa chọn thể hiện của đạo diễn, và có các cách lựa chọn khác nhau chúng ta mới có sự đa dạng trong điện ảnh. Có những đạo diễn lựa chọn mô tả bạo lực bên trong, chọn những xung đột tâm lý, có những đạo diễn lựa chọn tiết tấu và hành động bên ngoài…Cho nên có thể đánh giá về cách thể hiện đạt hay không, chứ không nên đánh giá theo phương thức thể hiện của đạo diễn.

Chính là tôi đang nói về cách thể hiện đó chứ. Người ta có thể giết người như ngóe trong một phim, nhưng cần sự dẫn dắt hợp lý. Tiết tấu, hành động nhanh - mạnh làm bộ phim có không khí điện ảnh nhưng chưa đủ. Phim ảnh không nên lờ giường chiếu, hôn hít - những cảnh đó cũng phải có lý do và phải đáng tin.

Anh giải thích “Đường đua không bùng nổ phòng vé một phần do nó nặng, không nhiều tính giải trí cho khán giả dưới 20 tuổi - công chúng chính của điện ảnh Việt hiện nay”. Khán giả vào rạp để thư giãn hoặc học được bài học nhân văn. Nay tính giải trí thì anh đã thừa nhận rằng ít. Có vẻ tính nhân văn của phim cũng chưa rõ? Và cho dù chỉ là phim giải trí, cũng phải lấp lánh vẻ đẹp nhân văn.

“Giải trí” là một từ hay bị chúng ta xem nhẹ, đừng quên nó có một từ là “trí” ở bên trong, cho nên, cách lựa chọn để được giải trí của mỗi một nhóm khán giả cũng rất khác nhau. Có thể đối với một nhóm người, đấu trí cũng là một cách giải trí, còn đối với một nhóm người khác, được cười, được không phải lo nghĩ, là một cách giải trí.

Cho nên, tôi đồng ý với chị, một bộ phim thành công là một bộ phim có cái lấp lánh vẻ đẹp nhân văn, dù nó khoác áo “giải trí” hay “hàn lâm”. Trong Đường đua, có những cảnh tôi cho rằng đã khơi gợi được điều đó ở khán giả, như cảnh Lộc lặng lẽ đặt chai dầu gió lên ngực bố trong bệnh viện, hay như ánh mắt và sự chăm sóc ngượng nghịu của Lộc khi muốn đưa bố tới bệnh viện. Những người làm phim mong muốn rằng, có thể khơi gợi tính nhân văn trong khán giả ở cả cái cách làm cho mọi người thấy nặng nề, thấy bế tắc, thấy u ám…Không phải chỉ có tình cảm tích cực mới khơi gợi tính nhân văn, ngay cả tình cảm tiêu cực cũng có thể dùng để đánh thức tính nhân văn.

Cái được đầu tiên của phim là dàn diễn viên: Phạm Anh Khoa, Quý Bình. Thoại súc tích. Nhưng một kịch bản không hoàn chỉnh dẫn đến các vai diễn khó hoàn hảo? Không hoàn chỉnh, ví dụ: Có quá nhiều tình tiết ngẫu nhiên. Lộc đang chạy trốn băng cướp truy đuổi anh trên đường thì băng này lại đụng băng khác vốn là kẻ thù - và đụng không chỉ một lần, một băng - dẫn đến cảnh hỗn loạn và là cớ để anh ta thoát thân. Cuối phim, Hải - tay trùm, cũng đột ngột hiện ra ở nơi chưa bao giờ được mô tả là địa bàn của anh ta, để rồi đạo diễn bố trí cho Lộc trả thù được Hải trong cảnh này. Rồi một cựu vận động viên điền kinh- cùng nghề với Lộc, cũng tình cờ hiện ra nơi hẻo lánh để số phận bị móc xích với Lộc; trên người mang cặp tiền không rõ lấy đâu ra. Nhân vật phóng viên bị thừa. Vân vân. Ngay chi tiết ánh sáng xanh trong chiếc hộp bí hiểm ở cuối phim cũng không logic- vì đây không phải phim giả tưởng.

Nếu đánh giá từ góc độ phê bình, thì cái được của Đường đua nằm ở cách kể chuyện, còn cái chưa được nằm ở câu chuyện. Nếu như không tham, tập trung vào tính đơn nhất của câu chuyện, đi sâu hơn xuống nó, thì sẽ tạo ra chiều sâu hơn cho bộ phim. Khi hơi tham lam trong câu chuyện, muốn mở nó ra, thì sẽ không tiết chế được độ mở ra, đóng vào của câu chuyện, dẫn đến việc bộ phim hơi có nhiều tình tiết ngẫu nhiên, chưa hoàn toàn hợp lý. Đó là bài học tốt cho đạo diễn và biên kịch ở những bộ phim sau.

Hồng Ánh vợ anh đứng tên phó đạo diễn, đồng tác giả kịch bản và nhà sản xuất. Còn anh? Anh chê phim người khác cũng nhiều. Anh phản ứng thế nào trước những lời chê?

Tôi hết sức vui vẻ nếu phim này “được” chê. Ê-kíp làm phim còn rất trẻ, đạo diễn mới 27 tuổi, quay phim mới 22 tuổi, toàn bộ là những người làm phim lần đầu. Đối với họ, những ý kiến đóng góp, chỉ ra khiếm khuyết có tác dụng tốt không kém lời động viên, khen ngợi. Họ đã nhận đủ những lời ngợi khen, động viên rồi, giờ là lúc cần những ý kiến thẳng thắn chỉ ra cái chưa được của bộ phim. Đường đua của họ chỉ mới bắt đầu mà thôi.

Còn vai trò? Có thể gọi tôi là nhà đầu tư cho phim (cười) và người phụ trách công tác truyền thông quảng bá, tiếp thị cho phim. Tôi có một số nhận xét về kịch bản, thoại và bản dựng cuối, nhưng chỉ là những ý kiến đóng góp từ góc độ của người đầu tư, không nhất thiết nhà sản xuất và đạo diễn bắt buộc phải thay đổi theo yêu cầu của tôi. Và thực tế là như vậy .

Nói chung xem phim Việt Nam, thấy đã yếu còn thích ra gió. Kém trong đặc tả cảnh hành động nặng nhưng lại rất thích cận cảnh. “Bụi đời chợ Lớn” thì tỏ ra cũng biết đánh đấm, đâm chém đấy, không đến nỗi ngây ngô nhưng lại say sưa quá, không ghê tay! Và vấn đề của phim ảnh không phải là hù dọa khán giả “sống thế này thì sống làm quái gì” mà phải chỉ cho họ: “Muốn thoát ra, cách nào?”, vì rốt cuộc ai mà chả phải sống. Tận cùng nghiệt ngã là Trương Nghệ Mưu với “Phải sống” nhưng cuối cùng cũng phải mở đường máu cho nhân vật.

Tôi nghĩ có hơi khác! Một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật là sự chia sẻ của những người làm phim với khán giả, họ không có trách nhiệm, mà cũng không thể chỉ dạy khán giả phải làm gì. Cho nên, điện ảnh mà chỉ cần đánh thức khán giả “sống thế này thì sống làm quái gì” là đã thành công lắm rồi. Lưu được ưu tư đó trong khán giả, khiến họ suy nghĩ xem liệu mình có phải sống khác đi, đối với tôi là đủ lắm rồi. Nói thế không có nghĩa là Đường đua đã thành công hoàn toàn trong việc làm được điều đó đâu, nhưng đó là cái nó mong muốn làm.

Như đã nói ở trên, chỉ cần đọc báo hằng ngày chưa cần xem phim Việt Nam, người ta đã biết cuộc đời khốc liệt hay êm đềm. Thế nên, sau khi được xem những phim mô tả hiện thực rằng nó tàn nhẫn thế đấy, phận người mong manh bé nhỏ vậy đấy - và mô tả thành công hẳn hoi, giả dụ thế - thì khán giả có quyền hỏi: Đồng ý, rồi sao nữa? Có gì mới không?

Biết đâu đó cũng là thông điệp của tác giả “Trên đời này chết chẳng có gì là mới. Nhưng sống cũng chẳng mới hơn” (cười).

Dù sao cũng chúc mừng anh và Hồng Ánh đã lăng xê được một ê-kip trẻ trung, với những “lần đầu”- lần đầu đóng phim, đạo diễn, quay phim. Hy vọng lần thứ hai của họ sẽ ấn tượng hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG