ốn chỉ là đất sống của riêng giống trúc lùn, vài cây đỗ quyên rừng… bởi thời tiết quá khắc nghiệt, vậy mà Fansipan giờ đây đã lột xác, trở thành vương quốc hoa, làm đắm say biết bao lượt du khách. Còn Bà Nà Hills, từ chỗ chỉ lác đác vài cây bụi vốn quen sống hoang dã, đã biến thành một “Đà Lạt” thứ hai với muôn hoa khoe sắc rực rỡ quanh năm. Ít ai biết, đằng sau những thảm hoa đẹp mê mẩn của hai vùng đất ấy, là biết bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của những người trồng hoa ở những nơi khắc nghiệt bậc nhất cả nước.

Nếu chỉ chứng kiến Bà Nà Hills của ngày hôm nay với hàng trăm loài hoa quen có, lạ có, khoe sắc rực rỡ quanh năm thì hẳn nhiều người khó tưởng tượng nổi nơi đây từng là vùng đất vốn chỉ hợp với…cây bụi.

Sáng sớm sương lạnh, giữa buổi hửng nắng, đến trưa nắng nóng như hè, rồi một vài cơn mưa rào bất chợt ập tới, chiều lại nắng và mây dày phủ kín từng đợt sương lạnh khi hoàng hôn về… Một ngày bình thường ở Bà Nà diễn ra với đủ hình thái thời tiết như thế, vậy nên, theo lời anh Lê Hữu Ngọt – chuyên viên cây xanh đã 6 năm gắn bó với Bà Nà, vùng đất này trước đây chỉ có lác đác vài giống cây quen sống trong môi trường hoang dã như Cẩm tú mai, Trang Mỹ, Trang Nhật, Hoa giấy, Củ lan huệ, dâm bụt…

Thời tiết cứ đỏng đảnh như vậy, khiến người trồng cây xanh ở Bà Nà nhiều phen khốn đốn mỗi khi trời vào đông hay chớm xuân, mưa bão, sương mốc, sương muối, độ ẩm cao, có khi cả tháng không thấy ánh mặt trời khiến cả những loài tưởng rất mạnh mẽ dễ sống như cẩm tú mai, chuỗi ngọc… cũng đều đổi sang màu nâu và đen lá vì bị bỏng lạnh. Không chỉ thời tiết “khó chiều”, đất đai lại cằn cỗi, chỉ toàn đất hoặc đất sét pha cát, thế nên việc trồng hoa nơi đây từng được xem là …“khó như lên giời”.

Theo anh Lê Thành Văn- chuyên gia tư vấn cảnh quan cây xanh của Bà Nà Hills, để hiện thực hóa giấc mơ biến Bà Nà trở thành xứ sở trăm hoa, lãnh đạo khu du lịch và những người trồng cây xanh ở đây nói không ngoa thì đã phải “ăn ngủ cùng cây hoa” để nghiên cứu, tìm tòi tìm ra những loài phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng. Họ cũng đã phải nếm trải không ít thất bại. Đã có lúc cả ngàn chậu hoa trạng nguyên chuẩn bị cho Lễ hội Mùa đông chết gần hết, từng vạt Lavender héo rũ, phi yến không thể bật mầm lá… chỉ vì thời tiết quá khắc nghiệt.

Thất bại không nản, những người đam mê làm đẹp cho đỉnh Bà Nà quyết tâm khiến đá núi phải nở hoa. Đất đai được cải tạo, tăng thêm xơ dừa, phân bón, vườn ươm được xây dựng ở chân núi để chủ động xuất cây, hoa ở thời điểm phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, các loại hoa mới lại tiếp tục được nghiên cứu, ươm trồng. “Bất cứ giống hoa nào cũng phải phải có ít nhất quá trình thử nghiệm qua 4 mùa và 02 năm mới có thể đúc kết cơ bản xem nó có phù hợp hay không. Song hành với quá trình đó, đòi hỏi con người phải chịu thương, chịu khó, gần như ăn ngủ cùng cây hoa để nghiên cứu, tìm tòi đúc kết nhiều bài học để đi đến thành công” – anh Văn chia sẻ.

Nỗ lực ấy khiến ông trời cũng phải chịu thua. Từ chỗ chỉ lác đác vài loài cây bụi, nay Bà Nà đã có tới 200 loài hoa khoe sắc quanh năm. Đến cả hoa Anh Đào của Nhật Bản nổi tiếng khó tính, cuối cùng cũng được trồng thành công trên đỉnh Bà Nà. Những loài hoa kén đất, kén khí hậu như Mao địa hoàng từ Hà Lan hay Oải hương từ Pháp xa xôi cũng đã vươn lên mạnh mẽ nơi đây…

Gần đây nhất, Bà Nà đã tự mình ươm trồng thành công tulip – loài hoa nổi tiếng đỏng đảnh vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, để chuẩn bị cho Lễ hội Hoa 2019 -lễ hội hoa lớn nhất từ trước đến nay với hơn 1 triệu bông tulip khoe sắc trên đỉnh Bà Nà. Đặc biệt, có những giống hoa “độc quyền” tại Bà Nà, chưa từng có ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam như Flash Point, Green Dance, Indiana, Purple Valley, Pretty Women, Alibi… Thế nhưng, để những củ hoa tulip sinh trưởng và nở hoa chẳng phải điều dễ dàng, như anh Hữu Ngọt chia sẻ: “Chúng tôi phải trồng thử nghiệm ở nhiều khu vực từ chân núi đến đỉnh núi để tìm được vùng thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp nhất”.

Quy trình đã có, kỹ thuật đã nắm chắc, sự chịu khó, bền bỉ đã có thừa, người trồng hoa Bà Nà giờ đây không còn coi thổ nhưỡng hay thời tiết là “khắc tinh” nữa. Áp lực với họ giờ đây là làm sao để vượt qua chính mình, sáng tạo không ngừng để Bà Nà mỗi ngày được rực rỡ hơn. “Một chậu hoa héo cũng không chấp nhận được ở Bà Nà. Du khách bỏ ra 700 ngàn đồng mua vé mà phải thưởng thức một chậu hoa héo thì chắc chắn sẽ không vui”, nguyên tắc Sun World Ba Na Hills khắt khe thế đấy. Nhưng nếu không ép mình vào sự khắt khe đó, chắc gì Bà Nà đã ngợp ngời sắc hoa như ngày hôm nay.

Vốn nổi tiếng đất cằn lên đá sỏi, Fansipan cách đây vài năm chỉ là đất sống dành cho trúc lùn, đỗ quyên…. Vậy mà giờ đây, vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc dường như đã lột xác với những thảm hoa đẹp ngỡ ngàng.

Chắc hiếm có nơi nào có thể “đọ” độ khắc nghiệt với Fansipan. Khi thì băng tuyết phủ trắng rừng cả tuần trời, khi thì mưa đá, lúc lại hanh khô cả tháng không mưa, lại thêm gió lớn thổi liên tục. Thế nên, rất ít loài cây có thể sinh trưởng, phát triển ở đây, hoa lại càng hiếm.

Ngày mới đến Fansipan, Nguyễn Tiến Mạnh – Trưởng Bộ phận cảnh quan–cây xanh của khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã “phải lòng” ngay vùng đất mộc mạc này. Phấn chấn, nhưng lòng anh bộn bề lo lắng, bởi anh hiểu việc làm đẹp cảnh quan nơi đây chẳng hề đơn giản.

Dù đã lường trước khó khăn, nhưng khi bắt tay vào việc, Mạnh mới cảm nhận được đầy đủ những gian nan của nghề. Bộ phận Cảnh quan mới hình thành, mọi thứ còn thiếu và yếu, từ trang thiết bị đến con người, cộng thêm điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dễ làm người ta chùn bước.

Mạnh còn nhớ lắm hồi hè rồi, đồi hướng dương anh và tổ cây xanh tâm huyết trồng đã cho bông to đẹp. Khu du lịch còn định tổ chức Tuần lễ hoa hướng dương để hút khách. Ấy vậy mà, trước ngày tổ chức chỉ một tuần lễ, trời trở gió mạnh, mưa lớn. Cả một đồi hướng dương đang thì rực rỡ nhất bỗng dưng đổ rạp. Nhìn hoa dập nát, anh em cây xanh ai nấy mặt buồn so. Băng tuyết, với du khách là thích thú, kỳ bí thì với những “người làm vườn” như Mạnh là …cơn ác mộng. Sau mỗi đợt băng tuyết, hoa cỏ cây cối như bị… “ướp đá”, còn đâu nữa.

Chưa kể, để tìm được những loài cây có thể chịu đựng được những khắc nghiệt của khí hậu, những nghèo nàn của thổ nhưỡng nơi đây cũng chẳng dễ dàng gì. Khó khăn là vậy, nhưng người trồng hoa ở Fansipan nào đâu dễ khuất phục. Sau nhiều trăn trở, khảo sát và bàn bạc với ban lãnh đạo khu du lịch, nhiều ý tưởng đã được triển khai. Những loài hoa bản địa đẹp, mang đậm dấu ấn của miền non cao Tây Bắc đã được khẩn trương chọn lựa để gom về trồng ở các khu vực tại Sun World Fansipan Legend.

Mặc kệ những thử thách của “ông trời”, người trồng hoa ở Fansipan chẳng quản ngại khó khăn vất vả, cứ bền bỉ gạt đá, xới đất, nhặt cỏ, khuân đá sỏi, tưới cây, thử nghiệm gieo hạt, ươm mầm, chăm bón cho những hạt giống nảy mầm…chỉ với một ước mơ được chứng kiến những thảm hoa nở bừng rực rỡ trên đỉnh Fansipan.Thử nghiệm nhiều, thất bại cũng không ít, bởi thế nên mỗi lần trồng thành công được một loài hoa trên đỉnh Fansipan, cả khu du lịch “mừng hơn bắt được vàng”.

Khó khăn không sợ, thất bại không nản, công sức của những người làm cây xanh ở Fansipan rồi cũng được đền đáp. Hàng trăm loài hoa quen có, lạ có đã được ươm trồng và nhân giống thành công ở Fansipan như: Cải trời, Báo xuân, hồng cổ Sa Pa, Thanh anh, đào Nhật Tân…

Đến thời điểm này, Sun World Fansipan Legend mùa nào cũng rực rỡ sắc hoa. Hoa không những được trồng ở Ga đi mà còn được mang lên đỉnh. Một số loài Đỗ quyên, mâm xôi, hoa hồng, thanh anh, cẩm tú cầu… được kỳ công nhân trồng ở dọc đường La Hán, trong khuôn viên các công trình tâm linh...

Chỗ đất trống dưới chân những trụ cáp treo giữa rừng giờ cũng đã được phủ kín bởi hoa lan, bạch trinh, dương xỉ, bìm bịp leo... Nguyễn Tiến Mạnh kể: “Trồng hoa khu vực Ga đi Ga đến cáp treo khó một thì ở các trụ cáp khó mười. Phải vận chuyển đất màu với nước tưới bằng cáp công vụ, rồi vác từng bao đất, từng thùng nước theo trụ cáp cao tít xuống dưới. Nâng niu, chăm bẵm lắm, thế mà ‘10 cây chết chín, một cây gật gù’”. Nhưng trời thương, bây giờ, cây, hoa trồng quanh khu vực các trụ cáp đều đã bén rễ, cứng cáp.

Giờ đây, khu vực sườn đồi sau bãi xe buýt Hà Sơn rộng hơn 7000 m2 từ đất trống đồi trọc cũng đã được phủ cỏ thảm, hoa Cúc và Oải hương. Khu vực dọc tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa dài gần 2km cũng đang được trồng dong riềng, thanh anh, cúc mặt trời, mãn đình hồng, hồng leo, hồng cổ, đuôi công, bạch trinh…. Ý tưởng tạo nên vườn hoa lớn với các loài hoa như hồng cổ Sa Pa, Thanh anh, cúc họa mi, xác pháo, mõm sói …đã được hiện thực hóa, để hoa khoe sắc rực rỡ dịp Tết năm nay, khiến khách lên Fansipan sẽ thêm một lần ngỡ ngàng.

“Bí kíp cho sự thành công ư? Chẳng có gì ngoài sự bền bỉ, miệt mài và niềm tin vượt qua thử thách” – Nguyễn Tiến Mạnh nói. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, những người làm đẹp trong những công trình du lịch của Sun Group như Bà Nà Hills, như Sun World Fansipan Legend hay bất cứ khu du lịch nào khác, họ thành công là bởi họ yêu quê hương, yêu nơi họ làm việc, và hơn hết nữa là yêu đất nước này.