![]() |

Cuối tháng 12/2017, Hội đồng thành viên (HĐTV) SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng Công ty cổ phần P.P với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2. Nghịch lý là mức giá SAGRI chuyển nhượng thấp hơn giá Tổng công ty P.P đã huy động vốn từ khách hàng tại thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).
![]() |
Ngoài ra, công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21% vốn) còn bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất là khoảng 3 triệu đồng/m2. Theo kết luận thanh tra, việc bán đất giá bèo nói trên là trái quy định, đặc biệt là vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.
Tháng 7/2016, SAGRI ký hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) với diện tích 470 ha trên khu đất thuộc quyền quản lý của Công ty Bò Sữa. SAGRI đã bàn giao 470 ha đất và một số tài sản trên đất cho pháp nhân mới, trong đó 452 ha bàn giao trước khi pháp nhân mới được thành lập.
Đầu tháng 8/2016, SAGRI và Tập đoàn T.T ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp T.T SAGRI thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp có quy mô 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) trên khu đất công ty Bò Sữa quản lý. SAGRI bàn giao hơn 140 ha đất cho pháp nhân mới để thực hiện dự án. Biên bản bàn giao được lập trước khi pháp nhân mới ra đời.
Cả hai “phi vụ” trên, SAGRI đã giao đất và tài sản trên đất cho các pháp nhân mới khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TPHCM và chưa có quyết định thu hồi, giao đất của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm quy định “không được cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào” trong Quyết định công nhận quyền sử dụng đất năm 2013 của UBND TPHCM và trái với Quyết định số 09/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 12/2015, Tập đoàn T.T và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của SAGRI) ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty TNHH T.T Agri để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch. Tại thời điểm thành lập, UBND TPHCM chưa ban hành quyết định phê duyệt danh mục các cơ sở phải di dời.
Ngoài ra, từ năm 2015 đến 2017, SAGRI đã ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794 ha. Trong số đó, 6 hợp đồng là hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của SAGRI với tổng diện tích 26,4 ha, bất chấp theo quy định, bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn, không được phép đầu tư.
Lập chứng từ khống Từ ngày 3/10/2016 đến ngày 1/11/2016, Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số nước Châu Âu như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga… với tổng giá trị hợp đồng là 13,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, 10 người đang công tác tại Công ty Bò Sữa và 12 người đang công tác tại Công ty Cây trồng có tên trong danh sách đi nước ngoài không có ai tham gia chuyến đi. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) cũng xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức và 30/70 người có tên trong danh sách không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. |
Được xác định là cá nhân có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành... song việc xem xét, xử lý ông Lê Tấn Hùng, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (tên viết tắt là SAGRI) không hề dễ dàng.
Trước khi bị Bộ Công an khởi tố bắt giam vào ngày 6/7, ông Lê Tấn Hùng đã bị Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định cách chức Tổng Giám đốc SAGRI vì có nhiều sai phạm.
![]() |
Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, tháng 12/2017, Hội đồng thành viên (HĐTV) SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9, TPHCM) 3,75 ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng. Khu đất trên vốn trước kia là trại heo. UBND TPHCM chấp thuận cho SAGRI chuyển mục đích sử dụng để xây dựng chung cư. SAGRI hợp tác với Tổng công ty Phong Phú khai thác dự án với giá trị vốn góp chiếm 28%. Tổng công ty Phong Phú chiếm 72%.
Sau đó, SAGRI chuyển nhượng phần vốn góp (28%) là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty Phong Phú mà không qua đấu giá xác định giá trị thị trường. Hậu quả là khu đất vàng 3,75 ha đã bị SAGRI “bán rẻ như cho” với giá chuyển nhượng chỉ hơn 10,5 triệu đồng/m2, thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng vào thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn gần 3 lần so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề tại cùng thời điểm (hơn 29 triệu đồng/m2).
Trước đó, qua đơn thư tố cáo của nhiều cán bộ, nhân viên, Thanh tra TPHCM cũng đã vào cuộc làm rõ công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn - FORIMEX (SAGRI góp 26,21%) đã bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường tại thời điểm đó là khoảng 3 triệu đồng/m2. Việc bán đất giá bèo nói trên là trái quy định và vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.
SAGRI vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nhằm tránh gây thiệt hại cho ngân sách, tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc SAGRI thương lượng với Tổng Công ty cổ phần Phong Phú để hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án, thu hồi lại khu đất trên.
![]() |
Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho hay Chủ tịch UBND TPHCM đã ra quyết định thành lập tổ công tác hướng dẫn SAGRI hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án.
Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa qua, tại buổi làm việc giữa SAGRI với tổ công tác, ông Lê Tấn Hùng cho biết mới ký biên bản làm việc về xử lý hợp đồng chuyển nhượng dự án với Tổng công ty cổ phần Phong Phú vào ngày 22/5 chứ chưa hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất nói trên.
Trước sự việc trên, ngày 12/6, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng. Quyết định nêu rõ ông Hùng có nhiều sai phạm, thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành...
Đến ngày 19/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký quyết định cách chức Tổng giám đốc SAGRI đối với ông Lê Tấn Hùng.
Tháng 3/2018, Hội đồng kỷ luật thành phố đã xem xét, quyết định xem xét và thi hành kỷ luật ông Lê Tấn Hùng bằng hình thức khiển trách. Căn cứ vào các sai phạm liên quan đến ông Hùng trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước và kết luận của Thanh tra TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng là quá nhẹ và chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Trước tình hình đó, UBND TPHCM đã lập hội đồng kỷ luật mới để xem xét lại hình thức kỷ luật ông Lê Tấn Hùng, đồng thời chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan tại SAGRI để đề xuất kỷ luật.
Báo cáo của Sở Nội vụ cho rằng đối chiếu với các quy định thì ông Lê Tấn Hùng có 10 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật phê bình, rút kinh nghiệm; 4 nội dung khiển trách; 4 nội dung cảnh cáo và tổng hợp hình thức kỷ luật là “hạ bậc lương”.
Ngày 6/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại SAGRI. Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với bị can Lê Tấn Hùng (56 tuổi, nguyên tổng giám đốc SAGRI) và Nguyễn Thành Mỹ (60 tuổi, nguyên phó trưởng phòng kế hoạch - đầu tư SAGRI) cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ngày 8/7, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc, đối với ông Vân Trọng Dũng (SN 1967), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI và Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1966, nguyên Kế toán trưởng để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”. |