Bãi rác bị chặn, hàng nghìn tấn rác ùn ứ trong trung tâm Hà Nội

Người dân xã Nam Sơn nhận tiền hỗ trợ GPMB
Người dân xã Nam Sơn nhận tiền hỗ trợ GPMB
TP - Ngay trong ngày trả tiền hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng quanh Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Bãi rác Nam Sơn), người dân lại tiếp tục căng lều chặn xe rác. Vụ việc khiến hàng nghìn tấn rác ùn ứ tại trung tâm Hà Nội.

Mong tái định cư xa bãi rác

Chiều tối 1/7, tại tuyến đường 35 dẫn vào bãi rác Nam Sơn xuất hiện một số người dân tụ tập, dựng lều lán, chặn xe, không cho vận chuyển rác thải vào bãi để xử lý. Nguyên nhân chính do người dân bức xúc khi chưa được di dời khỏi vùng bán kính cách bãi rác này 500 m. Việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời người dân khỏi vùng ảnh hưởng khiến cư dân nhiều lần bất bình, dựng lều bạt chắn đường xe rác.

Ông Trần Văn Tuấn (xã Nam Sơn) bức xúc: “Bãi rác Nam Sơn ngày càng ô nhiễm, ruồi nhặng nhiều, nước gỉ ngấm xuống nước ngầm… nhưng chính quyền sau nhiều năm vẫn chậm GPMB khiến người dân ngày càng khổ sở”. Gia đình ông Tuấn và rất nhiều hộ dân khác dù đã hoặc sắp được đền bù hỗ trợ nhưng chỉ với diện tích đất nông nghiệp. Đất thổ cư, tài sản, cây cối trên đất… vẫn chưa được đền bù nên chưa thể đến nơi ở mới. Theo ông Tuấn, mức giá đền bù đất thổ cư hơn 800 nghìn đồng/m2 là quá rẻ, đền bù xong muốn mua đất ở chỗ khác cũng rất khó.

Trong khi đó, một số người dân xã Hồng Kỳ không đồng ý với phương án bố trí tái định cư quá gần bãi rác. Theo phản ánh, khu tái định cư chỉ cách bãi rác 1.300m, vị trí xuôi gió như vậy vẫn bị ô nhiễm, do đó người dân đề nghị được tái định cư tại khu vực xa hơn.

Ùn ứ hàng nghìn tấn rác trong thành phố

Ngày 3/7, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức cuộc đối thoại với người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn về việc bồi thường, hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực bãi rác. Tại buổi đối thoại, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân. Ông Tuấn nhận trách nhiệm của huyện về tiến độ chậm, lý do bởi thực hiện các bước phải làm chặt chẽ theo đúng quy trình. Đặc biệt trong quá trình làm phải tiếp thu, xử lý các kiến nghị của người dân, huyện phải báo cáo để thành phố xem xét, quyết định nên mất nhiều thời gian. Đối với chính sách bồi thường đất thổ cư người dân cho là quá thấp, lãnh đạo huyện cho biết, sẽ báo cáo để UBND thành phố xem xét.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (UBND huyện Sóc Sơn) cho biết, từ sáng 2/7 đến 4/7, Trung tâm tổ chức chi trả tiền cho các hộ dân trong dự án, bao gồm các thôn: Liên Xuân, Đông Hạ, Xuân Bảng (xã Nam Sơn). Ông Hùng cho biết thêm, 100% người dân đã đồng ý phương án hỗ trợ GPMB của huyện Sóc Sơn phê duyệt. Được biết, đợt này trung tâm sẽ chi trả cho 122 hộ dân với tổng số tiền 91 tỷ đồng. Trong ngày 2/7, huyện tổ chức họp thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ với đất nông nghiệp ở xã Hồng Kỳ, phê duyệt trước ngày 4/7, và dự kiến chi trả trong ngày 5/7.

Lãnh đạo trung tâm cho biết thêm, đối với việc hỗ trợ đất ở hiện nay chưa phê duyệt được phương án nào. Đơn vị đang lập dự thảo để trình Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư của huyện thẩm định. Hiện nay vẫn chưa hết thời gian công khai theo quy định của pháp luật.

Giữa tháng 1/2019, nhiều người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã dựng lều bạt để ngăn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tình trạng này kéo dài 4 ngày khiến nhiều tuyến đường ở 12 quận Hà Nội ngập rác.

UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chốt thời gian thực hiện công tác GPMB tại đây. Thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Sóc Sơn trước ngày 30/3 tiến hành lập, thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả cho các hộ dân bắt đầu từ quý II/2019.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.