Bao giờ Hà Nội có “thịt sạch”?

Một hộ chăn nuôi lợn sinh học tại huyện Phúc Thọ.
Một hộ chăn nuôi lợn sinh học tại huyện Phúc Thọ.
TP - Thịt an toàn hiện nay đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt khi hàng loạt vụ việc thịt lợn chứa chất tạo nạc bị phát hiện. Phương pháp chăn nuôi bằng thức ăn sinh học đã giải quyết được nỗi lo ấy và đang được người tiêu dùng đón nhận.

Tại mô hình chăn nuôi lợn sinh học của ông Nguyễn Văn Hưng (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội), dễ nhận thấy nhất là môi trường vệ sinh chuồng trại rất tốt, hầu như không có mùi hôi đặc trưng ở các chuồng lợn. Theo ông Hưng, gia đình đã chăn nuôi lợn từ năm 2005, nhưng đến năm 2014 mới bắt đầu tiếp cận phương pháp chăn nuôi sử dụng thức ăn sinh học. Ban đầu, gia đình chỉ nuôi thí điểm 20 con, nay đã nhân rộng cho cả 100 lợn thịt. Dễ nhận thấy, lợn phát triển cân đối, lưng da óng mượt, lợn khoẻ, hấp thu tốt thức ăn. Tỷ lệ bệnh tiêu chảy, hô hấp trên lợn cũng giảm đáng kể. Ngoài ra, vì thức ăn sinh học chỉ cần phối trộn với nông sản có sẵn như: cám ngô, bột mỳ, bột sắn… nên giá cả phù hợp với người chăn nuôi.

Ghi nhận tại huyện Phúc Thọ, mô hình nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cũng được phát triển khá mạnh. Anh Nguyễn Duy Kỷ ở cụm 1 xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, là 1 trong 3 hộ đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi này. Hiện nay, cơ sở chăn nuôi của anh có tổng diện tích gần 1.000m2, trong chuồng luôn duy trì khoảng 200 con lợn thịt, 50 con lợn nái. Trung bình mỗi tháng anh xuất ra thị trường 30 con lợn thịt, sau khi trừ chi phí anh Kỷ thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ năm, cao hơn so với nuôi lợn truyền thống. Mô hình phát triển đã thu hút nhiều hộ chăn nuôi khác tham gia. Đến nay, xã Thọ Lộc đã có 8 hộ tham gia thực hiện chăn nuôi lợn thịt bằng thức ăn sinh học.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, lợn được ăn cám sinh học khi ăn có vị thơm, ngọt tự nhiên. Nhiều dinh dưỡng hơn các loại thịt lợn thông thường. So sánh chất lượng thịt lợn nuôi bằng phương thức sinh học và thịt lợn thường bằng cách nấu và nếm thử. Có thể nhận biết bằng việc khi luộc lên, thịt lợn thường mua ngoài chợ có nước đục và nhiều bọt, còn thịt lợn nuôi bằng phương thức sinh học thì nồi nước trong hơn, không có bọt. Hiện nay, giá thịt lợn sinh học cao hơn thịt lợn thường từ 30 – 40%. Ví dụ như thịt nạc vai, giá lợn thường chỉ 100 ngàn/kg thì lợn sinh học giá 130 – 140 ngàn/kg. “Tuy nhiên, rất đông bà nội trợ chọn thịt lợn sinh học vì chất lượng bữa ăn gia đình”, bà Vân Anh nói. Theo chủ chuỗi thực phẩm này, thời gian tới, đơn vị sẽ gợi ý để người chăn nuôi lợn bổ sung thêm thức ăn từ giun quế. Đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, giúp tăng hàm lượng a xít a min trong thịt và đang được người tiêu dùng quan tâm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Văn Viện, Phụ trách trạm Phát triển chăn nuôi huyện Phúc Thọ (Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, thức ăn sinh học của lợn chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, không chứa hóc môn, thuốc kích thích, chất tạo nạc nên đàn lợn có tốc độ sinh trưởng ổn định, bình quân 25kg/tháng. Phương pháp nuôi không khác so với nuôi lợn thông thường, đối với lợn nuôi bằng thức ăn sinh học phải 5 tháng mới được bán. Môi trường nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ, giảm được đến 80 % mùi hôi từ chất thải. Theo ông Viện, đây là hướng đi đúng đắn nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp các xã thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, giá thịt lợn giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển các hộ chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học. Thời gian tới, địa phương có kế hoạch xúc tiến để tìm thêm đầu ra cho thịt lợn sinh học. Từ đó tạo tiền đề vững chắc để phát triển thêm các hộ dân tham gia vào chuỗi nuôi lợn bằng thức ăn sinh học.

MỚI - NÓNG