Bảo tồn di sản đô thị gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương

TP - Nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là nơi lưu giữ kết tinh giá trị di sản văn hóa truyền thống lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. 190 công trình di tích phân bổ trên địa bàn quận, cùng nhiều di sản vật thể và phi vật thể chính là những giá trị tiêu biểu hấp dẫn du khách khi đến với Hà Nội. Để tận dụng lợi thế đang sở hữu, việc bảo tồn di sản đô thị gắn với phát triển kinh tế khu vực được xem là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm.

Cấp bách bảo tồn di sản đô thị

Theo quy hoạch phân khu, quận Hoàn Kiếm được chia ra 4 khu vực: Khu Phố cổ, Khu phố cũ khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu vực ngoài đê sông Hồng. Trong đó, khu Phố cổ Hà Nội, với các di sản vật thể, di sản phi vật thể cùng tồn tại và phát triển sống động với đời sống đô thị của người dân Hà Nội qua các phố nghề, phố chuyên doanh, các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá truyền thống được xem là những “tài sản” vô giá hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế khi đến Thủ đô.

Bảo tồn di sản đô thị gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương ảnh 1 Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội được phục dựng trên nền bãi đất trống nhiều năm bỏ hoang

Trong số 190 công trình di tích với đầy đủ loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, riêng khu vực Phố cổ sở hữu 120 công trình di tích, “Di sản là tài nguyên được thế hệ trước để lại”. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di sản còn nhiều hạn chế, khiến cho một số công trình di sản xuống cấp nhanh do không được trùng tu. Bên cạnh đó, việc cộng đồng địa phương thiếu kiến thức, kỹ năng khi duy tu công trình di tích, nhất là duy trì tín ngưỡng thờ cúng của từng công trình đã vô tình làm thay đổi giá trị của di tích.

Trải qua lịch sử chiến tranh và chính sách cải tạo nhà những năm 1960, đến nay cảnh quan các công trình di tích đều bị biến dạng, xuống cấp nhanh chóng. Rất nhiều di tích bị thất lạc đồ thờ tự. Tình trạng vi phạm, lấn chiếm  khuôn viên di tích và không gian thờ tự, nhiều người dân chiếm dụng khuôn viên di tích làm nơi ở.

 Bên cạnh đó, việc sở hữu nhà đất đan xen giữa tư nhân và nhà nước. Rất khó khăn cho bảo tồn công trình nhà ở có giá trị và biệt thự phải bảo tồn. Trong khi các  công trình di tích, công trình nhà ở có giá trị, biệt thự trên địa bàn sẽ ngày càng xuống cấp gây ảnh hưởng đến tổng thể quy hoạch kiến trúc, cũng như quỹ di sản của quận Hoàn Kiếm.

Tăng cường hợp tác quốc tế để bảo tồn di sản

Trước nhiệm vụ bảo tồn cấp bách, mặt khác cũng nhằm giữ gìn các giá trị di sản đô thị đang hiện hữu, ngoài việc phát huy nội lực, những năm qua quận Hoàn Kiếm đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt các thành phố có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, khai thác các di sản đô thị trên thế giới vào quá trình phát triển kinh tế địa phương để học hỏi kinh nghiệm.

Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp làm việc với cục địa chính vương quốc Bỉ giới thiệu về  hợp tác bảo tồn, khai thác du lịch; Qua GIS Toulouse, Đại học Paris Belle-Ville về các dự án bảo tồn tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội; Cùng Hội đồng Anh tổ chức nghiên cứu về nghề thủ công truyền thống; Hợp tác với vùng Ile-de-France phát huy giá trị và trùng tu biệt thự...

Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm cũng tận dụng tối đa các nguồn lực khác từ các tổ chức quốc tế để quảng bá hình ảnh phát triển du lịch như: Tổ chức chương trình các Đại sứ du xuân Phố cổ Hà Nội, có tham gia của Đại sứ Liên bang Nga, Hy Lạp, Indonesia, Srilanka, Trưởng đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam,...; Đón  các đoàn khách quốc tế như đoàn Quốc vụ khanh Pháp, Chánh án Tòa án tối cao Singapore, Nghị sĩ Thái Lan, Hội đồng thành phố Toulouse...

Song song với đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quận Hoàn Kiếm đã tập trung tu bổ các di dích và bảo tồn một số nghề  thủ công truyền thống. Tính riêng năm 2017 - 2018, quận đã tu bổ được 5 di tích, trong năm 2019 - 2020 tập trung cho công tác GPMB 11 công trình (Đình: Trung Yên, Thanh Hà, Nam Hương, Vũ Thạch, Hội quán Quảng Đông, đình đền Thiên Tiên; Đền: Phù Ủng, Bạch Mã...) và bảo tồn phố nghề phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông, Phố lụa Hàng Gai,...

Nhờ những quyết sách kịp thời trong việc bảo tồn di sản kết hợp du lịch, tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn đã có bước tăng trưởng ấn tượng: Năm 2017 đạt 18,21% (du lịch đạt 20,32%); năm 2018 đạt 18,05 (du lịch đạt 20,28%); 6 tháng đầu năm 2019, ước đạt 18,03% (du lịch đạt 20,52%). Tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, du lịch trong cơ cấu kinh tế quận cũng tăng dần qua từng năm (năm 2017, đạt 97,98%; năm 2018, đạt 98,01%; ước 6 tháng đầu năm 2019 đạt 98,01%).

Cùng với đó, lượng khách du lịch quốc tế lưu trú trên địa bàn cũng tăng ở mức cao: Năm 2017, đạt trên 1,9 triệu lượt người; Năm 2018 đạt gần 2,2 triệu lượt người; Ước 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn đạt trung bình 70 - 80%.

Giải pháp nào để bảo tồn, phát huy hiệu quả di sản đô thị?

Giá trị nhiều những kết quả đã đạt được, nhưng các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều nhận định, hiện các di sản đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn chưa được khai thác tối đa hiệu quả. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản được xem là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm.

Bảo tồn di sản đô thị gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương ảnh 2 Tạ Hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua với du khách nước ngoài khi đến Thủ đô

Theo các nhà khoa học, để bảo tồn được di sản đô thị, cộng đồng và (người dân) sẽ là vai trò chủ thể tham gia. Việc vận hành, quản lý phải tuân theo các quy định pháp luật về di sản, các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trao đổi. Để cộng đồng có thể “làm chủ” di sản, cần phải có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng là phương pháp hữu hiệu nhất.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, khai thác tối đa giá trị của di sản sẽ tiếp tục được ưu tiên. Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong thời gian tới quận sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế mới có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn. Cùng với đó, quận sẽ tiếp tục quảng bá phát triển du lịch sản phẩm chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch quận Hoàn Kiếm, nhằm tạo lập môi trường du lịch Hoàn Kiếm “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

Quận sẽ kiến nghị thành phố điều chỉnh tăng tỷ lệ ngân sách địa phương được hưởng để quận có thêm nguồn lực đầu tư cho bảo tồn di sản nhằm phát triển tốt hơn kinh tế xã hội trên địa bàn quận. Kiến nghị xem xét lập quỹ cho công tác đầu tư bảo tồn phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.