Bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội: Tìm giải pháp thông minh

Du khách thong thả trên phố đi bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Du khách thong thả trên phố đi bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Với 16 năm kinh nghiệm tổ chức cuộc thi tìm giải pháp kiến trúc khả thi cho đô thị, đặc biệt với các khu vực mang giá trị văn hóa lâu đời cần bảo tồn, Hội thảo Kiến trúc quốc tế AIAC 2015 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam mang đến những giải pháp bảo tồn đối với khu phố cổ Hà Nội.

Đối tượng nghiên cứu của AIAC 2015 là khu vực chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Bên lề Hội thảo,  KTS. Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Dự án cải tạo khu vực đặc biệt này đang được xây dựng lộ trình và nằm trong chuỗi kế hoạch bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ đã được triển khai từ mấy năm nay.

Chuỗi kế hoạch bảo tồn tôn tạo được triển khai một cách mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt khu phố cổ từ khi nào, thưa ông?

Bắt đầu từ 2010. Để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một loạt các hoạt động chỉnh trang được tiến hành trên toàn tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào đến Hàng Giấy đi qua chợ Đồng Xuân. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu phố cổ được cải tạo: Hạ chìm cống thoát nước, lát lại vỉa hè bằng đá… Tới 2011, việc trùng tu hai bên phố Tạ Hiện, làm hết lớp nhà bám sát mặt đường, cải tạo hết lớp mái và thay thế hệ thống cửa được hoàn thành. Khánh thành dự án chỉnh trang mặt phố Lãn Ông vào cuối 2014. Tháng 10/2015, quận Hoàn Kiếm tiến hành khai trương tuyến phố đi bộ mở rộng (Tạ Hiện, Đào Duy Từ…) thuộc khu bảo tồn cấp 1 (rộng khoảng 19ha được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Nhật Duật) kết hợp với biểu diễn âm nhạc đường phố. Tới nay, các tuyến phố này trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Vậy BQL đã tiến hành công tác quảng bá du lịch ra sao?

Chúng tôi tổ chức mạng lưới trung tâm thông tin về di sản. Cụ thể là Trung tâm thông tin di sản 28 Hàng Buồm và Trung tâm giao lưu văn hóa 50 Đào Duy Từ cùng với giới thiệu tại chỗ hệ thống di tích trong lòng phố cổ tại các điểm đến thông qua hướng dẫn viên và các tờ rơi.

Bên cạnh đó, các dự án nghiên cứu về lễ hội, các nghề thủ công truyền thống cũng được tập trung thực hiện. Lễ hội trung thu phố cổ, hội đình Yên Thái, đình Kim Ngân, các lễ hội gắn với khu vực Hồ Gươm như lễ hội vua Lê đăng quang. Triển lãm giới thiệu về phố nghề thủ công truyền thống đồng thời trình diễn kỹ thuật làm đàn, làm nón, làm quạt cùng các nghề liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ như lụa, kim hoàn, tiện… Mới đây nhất, BQL đã tổ chức lễ hội đền Bạch Mã (31/3 đến 1/4/2015).

Xin ông cho biết kế hoạch trong thời gian tới?

Chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung bảo tồn phố cổ. Thực hiện đề án giãn dân phố cổ, di chuyển người dân tại khu trường học, di tích, công sở và các hộ đang sống trong các công trình nhà nguy hiểm, xuống cấp hoặc nhà ở có giá trị cần bảo tồn để tiến hành trùng tu. Hiện một số công trình di tích đang được tập trung giải phóng mặt bằng. Ngày 10/4 tới BQL sẽ tiến hành buổi lễ khởi công dự án trùng tu chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược). Dự án đình Tú Thị thờ ông tổ nghề thêu (tại 2A Yên Thái) đã xong mặt bằng còn Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông) thì đang thi công và sẽ hoàn thành trong 2015.

Hội thảo quốc tế kiến trúc các công trình có tính khả thi AIAC 2015 vừa bế mạc chiều 3/4 có ý nghĩa thế nào đối với dự án cải tạo khu vực chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, thưa ông?

Khu vực chợ Đồng Xuân – Bắc Qua là khu vực đô thị di sản với nhiều công trình kiến trúc có giá trị về mặt văn hóa nên cần phải xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai từng bước. Dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể công tác bảo tồn phố cổ. Cải tạo kết hợp quảng bá giới thiệu các giá trị di sản.

Đây là năm thứ 16 tổ chức AIAC tiến hành cuộc thi kiến trúc, kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu thực tế. Cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sau khi tiếp cận với tổ chức này, chúng tôi lựa chọn khu vực chợ Đồng Xuân để nghiên cứu và triển khai thực hiện. Đôi bên thống nhất nhiệm vụ thiết kế nhằm lên phương án đảm bảo có thể áp dụng với thực tế. Với các nhóm giáo sư và sinh viên đến từ các trường chuyên ngành kiến trúc trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Nhật… vốn giàu kinh nghiệm ứng xử với những khu vực đặc thù, tôi tin chúng ta sẽ tìm được giải pháp bảo tồn thông minh nhất.

Sau thành công của tuyến phố đi bộ mở rộng, liệu BQL phố cổ Hà Nội và chính quyền Quận Hoàn Kiếm có kế hoạch nhân rộng mô hình thưa ông?

Vấn đề này cũng được đặt ra, song cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Như tuyến Tạ Hiện, Đào Duy Từ… cũng phải vừa làm vừa chỉnh. Các hoạt động biểu diễn âm nhạc đường phố được điều chỉnh dần để đạt mức âm lượng cũng như thời gian biểu diễn phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Trước mắt BQL sẽ tập trung cho dự án thiết kế đô thị cho khu bảo tồn cấp 1 khu phố cổ và tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy. Dự án này sẽ được triển khai ngay trong năm nay sau khi có ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, và các chuyên gia đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch. 

Cám ơn ông.

Hội thảo kiến trúc quốc tế AIAC 2015 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 30/3 đến 3/4/2015 với đối tượng nghiên cứu là khu vực chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Đồ án thiết kế cải tạo khu vực chợ Đồng Xuân – Bắc Qua của 12 nhóm sinh viên đến từ các trường đại học chuyên ngành kiến trúc trên thế giới và Việt Nam được trình bày và bảo vệ tại Hội thảo. Giải thưởng cuộc thi này sẽ được trao vào tháng 9 tại Madrid, Tây Ban Nha.

MỚI - NÓNG