Bầu Hiển vào đề cử danh hiệu 'Công dân thủ đô ưu tú' 2018

Bầu Hiển vào đề cử danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” 2018
Bầu Hiển vào đề cử danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” 2018
TPO - Ngày 19/9, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2018 cho 10 cá nhân. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T là 1 trong số các ứng viên.

Dưới đây là danh sách và thành tích rút gọn của các ứng viên:

1, Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Hội viên Hội văn học nghệ thuật Hà Nội (SN 1918). Ông là người có nhiều tác phẩm để giới thiệu, quảng bá về Hà Nội trong đó có nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, qua đó, giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về Thủ đô.

2, PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (SN 1966).  Trong suốt quá trình 28 năm làm việc trong ngành Y tế, trên mọi cương vị công tác, PGS.TS. Nguyễn Duy Ánh luôn dành tâm huyết cho nghề nghiệp, cống hiến tâm sức và trí tuệ tận tụy phục vụ nhân dân, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân Thủ đô và cả nước.

3, Bà Trần Phương Lan, Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bọng nước”, quận Hoàn Kiếm (SN: 1977). Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng bà đã không ngại vất vả, tốn kém, khởi xướng thành lập Câu lạc bộ chăm sóc, giúp đỡ thuốc thang, dạy kiến thức chăm sóc trẻ bị ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (EB). CLB chỉ có 4 người nhưng đã giúp đỡ cho nhiều trẻ em, gia đình có con bị mắc căn bệnh này.

4, Ông Nguyễn Tứ Hùng , Công dân Cụm 13, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội (SN 1945). Sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, ông rời quân ngũ, trở về quê hương, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương (là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 1994 - 1999). Tính từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã tham gia ủng hộ xây dựng 4 công trình với số tiền 2 tỷ 406 triệu đồng. Trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2017 đã ủng hộ 2 tỷ 116 triệu đồng.

5, Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (SN 1962). Là người sáng lập và quản lý Tập đoàn T&T, từ năm 1993 đến nay, dưới sự quản trị, điều hành của ông, Tập đoàn T&T đã ngày càng lớn mạnh, trở thành Tập đoàn Kinh tế lớn với hơn 60 Công ty thành viên. Hiện nay Công ty đang tập trung đầu tư chiến lược cho hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm tiêu dùng an toàn, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người dân Thủ đô.

Đặc biệt, tại Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển 2018”, Công ty đã cùng Tập đoàn Hitachi Zosen Corp (Nhật Bản) triển khai một trong hai dự án xử lý rác quan trọng của TP đó là dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn với tổng vốn đầu tư 2.050 tỷ đồng.

Hằng năm, Tập đoàn đã chi hàng trăm tỷ đồng để phát triển phong trào thể thao thành tích cao của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, ông đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, từ năm 2015 đến nay đã đóng góp 92,8 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh trên cả nước. Trong đó đối với Thủ đô đã đóng 42 tỷ.

6, Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết, Chủ nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm (SN 1953). Đã hơn 10 năm nay, bà Tuyết thường xuyên nhận các học viên từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi... đến học nấu món ăn truyền thống của người Hà Nội. Hiện nay lớp học của bà ngày càng đông thông qua các Tour du lịch Hà Nội.

Với mong muốn truyền cho thế hệ trẻ nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, hằng năm bà đều mở các lớp dạy nữ công gia chánh cho các bạn trẻ của Thủ đô. Năm 2017, bà được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng cho Nghệ nhân ẩm thực và vinh dự được chọn là Nữ nghệ nhân để lên thực đơn và nấu tiệc thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng.

7, Vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo, đạt huy chương vàng tại Đại hội thể thao Châu Á 2018 (SN 1992). Thảo xuất thân từ một gia đình khó khăn tại huyện Ba Vì, Hà Nội,  nhưng Thảo luôn ước mơ và phấn đấu đạt thành tích cao. Những hy sinh thầm lặng, ý chí khổ luyện miệt mài đã giúp Thu Thảo khẳng định bản lĩnh, làm nên thương hiệu “Cô gái vàng của làng Điền kinh Việt Nam”, đặc biệt là Huy chương vàng Môn điền kinh tại Asiad.

8, Ông Trịnh Ngọc Trình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Miền núi (HEDO) (SN 1934). Tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 11 tuổi, bị thương và mất một tay trong chiến dịch chặn đánh quân địch ở thị xã Ninh Bình (câu truyện "Em Ngọc" viết về ông đã được đưa vào "Tuyển tập Văn lớp 5", trở thành tài liệu học tập trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam).

Sau đó, ông có thời gian công tác tại Tây Bắc, ĐHSP Hà Nội, T.Ư Đoàn. Năm 1975, ông chuyển về ĐHSP Hà Nội là Trưởng phòng Công tác Chính trị. Ông đã đề xuất thành lập bộ môn “Giáo dục thời sự chính sách”; trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn và là giảng viên chính giảng dạy cho sinh viên năm thứ 4 để kịp thời thông tin, những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Đảng bộ Hà Nội nhằm giáo dục, uốn nắn những lệch lạc, biểu dương người tốt, việc tốt trong thanh niên, học sinh sinh viên...

9, Thượng úy Nguyễn Văn Tiến, Đội CSGT số 12 - Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt - CATP Hà Nội (SN 1990). Quá trình công tác, cá nhân anh luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong công tác ngăn chặn, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, từ đó góp phần làm giảm TNGT trên địa bàn phụ trách ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ, đã phát hiện, phối hợp bắt giữ nhiều vụ việc người điều khiển phương tiện ô tô - xe máy liên quan đến phạm pháp hình sự.

Đặc biệt vào thời gian 01h15' ngày 25/9/2017, anh đã cùng với quần chúng nhân dân cứu được 05 người ra khỏi đám cháy tại số nhà số 50 tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

10, Ông Nguyễn Đức Cường, Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ điện, Phân xưởng Thiết bị Công nghệ, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất (SN 1960). Ông được biết đến như một tấm gương cán bộ kỹ thuật cần mẫn, năng động, sáng tạo, giàu nhiệt huyết và đam mê với công tác chuyên môn. Từ khi mới vào làm việc tại công ty (năm 1977) đến nay, ông đã cùng tổ sửa chữa thiết bị quản lý, khai thác hiệu quả khoảng 600 đầu máy, thiết bị, giúp Công ty hằng năm luôn đạt lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi, trau dồi tay nghề để có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Công ty. Ngoài ra, ông còn rất tâm huyết truyền nghề cho những lao động trẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Ông được đồng nghiệp trong công ty luôn tôn trọng, khâm phục.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".