Bến Thủy trên Hồ Tây: Di dời hay xóa bỏ?

Bến Thủy nhếch nhác, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường hồ Tây. Ảnh: T.H
Bến Thủy nhếch nhác, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường hồ Tây. Ảnh: T.H
TP - Trước chỉ đạo về việc di chuyển bến thủy tại hồ Tây sang vị trí khác, nhiều ý kiến cho rằng, nên dẹp bỏ chứ không phải di dời. Bởi ngoài sự nhếch nhác, các nhà hàng khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngày 30/9, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT di dời toàn bộ tàu thủy nội địa trên hồ Tây hiện nay (đầu đường Thụy Khuê) về khu vực Đầm Bảy thuộc phường Nhật Tân. Thành phố cũng chỉ đạo quận Tây Hồ kiểm tra, rà soát và yêu cầu các đơn vị có phương tiện thủy nội địa cũ nát không sử dụng, tự thanh thải khỏi khu vực hồ Tây; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 10/2015.

Quyết định của UBND thành phố đã nhận được sự tán đồng của đông đảo người dân. Bởi từ lâu, ở bến thủy hồ Tây, ngoài 6 du thuyền lớn đang hoạt động thì các tàu còn lại đều đã xuống cấp, hư hỏng, cũ nát, gây mất mỹ quan và che chắn tầm nhìn ra hồ Tây. Môi trường ven đoạn hồ ngay đầu đường Thanh Niên - Thụy Khuê bị ô nhiễm trầm trọng, nước hồ đen ngòm, rác thải lưu cữu, ứ đọng nhiều ngày khiến cá chết hàng loạt, tạo nên mùi tanh vào những ngày oi nóng. Cùng với đó là, bèo tây, ngổ dại mọc um tùm rất mất mỹ quan. Bà Nguyễn Thị Thanh cư trú tại phố Thụy Khuê cho biết, sáng tập thể dục qua khu này thì người dân khổ vì mùi tanh của cá chết, tối cũng nguy hiểm bởi ô tô của quán bar (trên một con thuyền) gần đó vào đỗ xe. “Tôi chỉ mong bến thủy di dời càng sớm càng tốt, trả lại cảnh quan thoáng đãng cho mặt hồ Tây”, bà Thanh nói.

Nhắc đến nhà hàng nổi trên hồ, ông Trọng Trường, phố Lê Hồng Phong bức xúc: Nhiều hôm đi qua, tôi thấy nước thải từ các nhà hàng nổi được đưa thẳng ra hồ, đen kịt. “Không nên vì lợi nhuận của vài cá nhân mà để lại những nhà hàng như vậy, di dời đến đâu thì cũng là mặt nước hồ Tây, nhất thiết phải dẹp bỏ!”, ông Trường nói. Đáng nói là trong số các thuyền bỏ hoang ở đây, tuy đã có biển cấm vào, nhưng cứ vào dịp cuối tuần lại có người đứng ra thu tiền “vào cửa” du thuyền với giá khoảng 50.000 đồng/người. Vào đây đa số là các bạn trẻ, có nhu cầu chụp ảnh thời trang, lưu niệm. Tuy nhiên, việc cho phép nhiều người vào nhà thuyền gỉ sét, bỏ hoang, không còn bất cứ trang thiết bị bảo hộ nào rất nguy hiểm.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, mỗi phương tiện đường thủy thường có niên hạn là 25 năm, nếu làm hoán cải thì những tàu cũ nát, gỉ sét vẫn có thể được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, bến thủy hồ Tây vẫn để nhiều tàu bỏ hoang, đồng thời chây ì trong việc di chuyển vì lợi nhuận kinh doanh. Vị này cho rằng, quận Tây Hồ cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện chủ trương di dời của thành phố, tránh để tình trạng mất mỹ quan, ô nhiễm kéo dài năm này qua năm khác.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, những du thuyền hoạt động nhà hàng đã làm xấu đi hình ảnh của danh thắng Thủ đô. Lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội nhận định, không phải là di dời mà cần phải dẹp bỏ hoàn toàn những nhà hàng này để hoàn trả cảnh quan thiên nhiên, tránh ô nhiễm thêm cho hồ Tây. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ định hình các gói sản phẩm du lịch quanh khu vực hồ Tây. Hiện nay cảnh quan thiên nhiên quanh hồ đã được cải tạo, nơi đây cũng có nhiều di tích nổi tiếng, hứa hẹn hồ Tây sẽ là một điểm sáng của du lịch Thủ đô”, ông Hồng nói.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.