Buýt Thủ đô phủ kín huyện ngoại thành

Với việc mở tuyến đến các huyện ngoại thành cuối cùng, Transerco đã hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt thành phố đến tất cả các quận huyện. Ảnh: Như Ý.
Với việc mở tuyến đến các huyện ngoại thành cuối cùng, Transerco đã hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt thành phố đến tất cả các quận huyện. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau nhiều năm là “vùng trắng”, 8 tháng đầu năm 2017, bốn huyện cuối cùng của Hà Nội lần lượt được buýt có trợ giá phủ sóng. Việc buýt Thủ đô vươn đến các huyện nằm xa nội thành nhất đã giúp thành phố sớm hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến tất cả 30 quận huyện, thị xã.

“Đại xa” về… làng

Với lộ trình hoạt động liên tục từ 5 đến 21 giờ hằng ngày, kể từ tháng 8 năm nay, người dân các huyện nằm xa trung tâm Hà Nội nhất như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai đã dễ dàng đi về nội thành mà không lo nắng mưa. Từ việc phải ngồi trên chiếc xe máy chạy liên tục hàng giờ để về trung tâm thành phố, nay người dân các địa phương trên có thể từ bỏ xe cá nhân, lên ô tô chất lượng cao, ngồi điều hòa thong thả di chuyển vào nội đô.

Là một trong những hành khách đầu tiên của tuyến buýt số 103 chạy lộ trình Hương Sơn (Mỹ Đức) - Mỹ Đình, cụ Nguyễn Văn Đại, người dân thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn (Mỹ Đức) bày tỏ cảm xúc: “Ngoài sự chủ động trong đi lại và không phải nhờ người đưa đón mỗi khi vào nội thành, việc buýt thành phố về với người dân Mỹ Đức đã kết thúc bao năm chúng tôi trông đợi các chủ trương, chính sách mang tính đồng bộ, kịp thời của thành phố”. Tuyến buýt số 103 có điểm cuối đến Bến Đục (Chùa Hương), thuộc làng Đục Khê, xã Hương Sơn, từ nay còn giúp cho du khách, người dân Thủ đô đi lại giữa nội thành Hà Nội với khu di tích Chùa Hương trở nên thuận tiện và xua tan cảm giác “xe đò, trò lơ”...

Với hành trình trên 60 km, lâu nay việc đi lại của người dân huyện Ba Vì với nội thành Hà Nội là cả một chặng hành trình dài. Với người già, học sinh phải thông qua những chuyến xe đò mà khi lên xe cùng với sự bụi bặm, nóng bức, hành khách cũng không biết được tài xế sẽ cho mình đi đường nào để về nội thành. Tuy nhiên, từ tháng 7 vừa qua, hành trình này của người dân Ba Vì đã trở nên thuận tiện khi tuyến buýt số 92 lộ trình Nhổn - Tây Đằng (Ba Vì) được khai trương. Cùng với hưởng dịch vụ giá vé ưu đãi: 9.000 đồng/lượt, khi lên xe người dân còn được hưởng các dịch vụ vận tải chất lượng như xe đời mới, có điều hòa, chạy đúng tuyến, hành trình…

Buýt Thủ đô phủ kín huyện ngoại thành ảnh 1 Thành ủy viên, Chủ tịch HĐTV Transerco Nguyễn Phi Thường (thứ 5 từ trái qua) và lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đại diện địa phương cắt băng khai trương tuyến buýt đến các huyện ngoại thành cuối cùng - chính thức xóa “vùng trắng” xe buýt thành phố từ tháng 8/2017. Ảnh: A.T.

Giảm xe cá nhân, hạn chế ùn tắc

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội  (Transerco) cho biết, nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phục vụ thuộc Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển VTHKCC bằng xe buýt Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025” đã được Thành ủy- UBND thành phố duyệt, trong năm 2017, Transerco đã lên kế hoạch mở mới 14 tuyến buýt và đầu tư mới thêm trên 200 xe buýt mới, tiện nghi. Trong các tuyến buýt mở mới, các tuyến đến huyện ngoại thành nằm xa trung tâm và hiện vẫn chưa có buýt trợ giá của thành phố như Ba Vì, Mỹ Đức, Vân Đình, Thanh Oai.

Với việc khai trương thêm 5 tuyến buýt vào ngày 19/8 vừa qua, trong đó có các tuyến buýt đến các trung tâm huyện trên, ông Nhật nhấn mạnh: Transerco đã hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá của thành phố đến tất cả các quận huyện, thị của thành phố. “Kể từ đây, nhân dân các huyện ngoại thành Hà Nội được hưởng chính sách trợ giá của thành phố khi đi lại bằng xe buýt với chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn nhất”, ông Nhật thông tin.

Là một trong bốn địa phương vừa có buýt trợ giá của thành phố phủ sóng, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, do có một số khu danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng, đặc biệt là Chùa Hương nên nhu cầu đi lại của người dân và du khách trên địa bàn rất lớn. Thời gian qua Mỹ Đức đã được thành phố quan tâm đầu tư về mọi mặt, tuy nhiên với xe buýt có trợ giá thì vẫn là “vùng trắng”. Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, tháng 8 vừa qua Tổng Công ty Vận tải và Sở GTVT Hà Nội đã khai trương tuyến buýt số 103 chạy về địa phương, đây là niềm vui vô cùng lớn của người dân Mỹ Đức. Kể từ đây việc đi lại của bà con cũng như du khách giữa khu vực nội thành và huyện Mỹ Đức sẽ trở nên thuận tiện, cùng với đó thúc đẩy kinh kế, du lịch địa phương thêm phát triển. So với các địa phương khác, Đông Anh là địa phương có nhiều tuyến buýt (16 tuyến) của thành phố hoạt động, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh lại cho rằng, hầu hết các tuyến này chỉ chạy qua trên các tuyến quốc lộ. Đến tháng 6 vừa qua, Đông Anh mới có tuyến buýt chạy đến trung tâm thị trấn khi Transerco khai trương tuyến số 96 (Công viên Nghĩa Đô - Thị trấn Đông Anh). Đây là một việc rất cần thiết vì có buýt của thành phố, ngoài giảm áp lực về đi lại còn làm cho đời sống nhân dân địa phương thay đổi.

Đánh giá về việc mở các tuyến buýt phủ kín các huyện ngoại thành, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho rằng, ngoài thực hiện nhiệm vụ phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến tất cả các quận huyện, việc Transerco lên phương án và sớm mở các tuyến buýt đến các huyện ngoại thành đã giúp người dân ở đây bớt khó khăn khi di chuyển về trung tâm thành phố. Cùng với đó, cũng góp phần làm giảm lượng phương tiện cá nhân lưu thông trên các trục hướng tâm, hạn chế ùn tắc cho khu vực cửa ngõ.

“Ngoài thực hiện nhiệm vụ phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến tất cả các quận huyện, việc Transerco lên phương án và sớm mở các tuyến buýt đến các huyện ngoại thành đã giúp người dân ở đây bớt khó khăn khi di chuyển về trung tâm thành phố”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang

MỚI - NÓNG