Cấm chăn nuôi tại các quận nội thành: Ngăn chặn ô nhiễm, dịch bệnh

Ðàn trâu chăn thả trên bãi sông Hồng ở Hà Nội Ảnh: PV
Ðàn trâu chăn thả trên bãi sông Hồng ở Hà Nội Ảnh: PV
TP - “Hà Nội bây giờ đô thị hóa rất nhanh. Chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế không cao. Chăn nuôi nhỏ lẻ cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Không những dịch tả lợn châu Phi, mà còn nhiều bệnh khác như dại, liên cầu khuẩn, lở mồm long móng, cúm A H5N1, H7N9 đều khả năng lây sang con người…”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Ðàn trâu tiền tỷ chưa biết về đâu

Vài năm trở lại đây, nhiều người đi qua cầu Vĩnh Tuy, thỉnh thoảng vẫn thấy đàn trâu cả trăm con thong dong gặm cỏ trên bãi nổi dưới chân cầu. Đàn trâu này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Tiến (Long Biên, Hà Nội). Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 5/8, ông Tiến cho biết, vẫn chưa biết tương lai đàn trâu thế nào.

Ông Tiến kể, cách đây khoảng ba chục năm, ông mua một vài con trâu về khai hoang đất bãi sông Hồng. Sau đó, thấy có nhiều cỏ, ông mua thêm trâu về nuôi. “Đây chủ yếu là trâu đang có thai, lò mổ người ta không giết nên bán lại”, ông Tiến nói. Đến nay, ông có trong tay khoảng 200 con trâu. Trong số này, hiện có 48 con trâu đang sắp đẻ con. “Đàn trâu này nếu bán đi cũng phải được 6 - 7 tỷ đồng”, ông Tiến thông tin.

Ông Tiến cho biết, chính quyền mới chỉ thông tin chứ chưa có lộ trình gì cụ thể liên quan đến việc không được chăn nuôi gia súc trong nội thành. Tuy nhiên, nếu có lộ trình thích hợp, có địa chỉ để di chuyển đàn trâu về một nơi mới, rộng rãi và đủ điều kiện chăn thả, ông vẫn muốn tiếp tục để “tạo nguồn thịt sạch cho thành phố, đảm bảo an toàn thực phẩm”. Ngoài 200 con trâu, nhà ông Tiến cũng nuôi khoảng 50 - 60 con lợn.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT), hiện còn tồn tại khoảng 3.354 hộ chăn nuôi ở những khu vực theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội sẽ không được chăn nuôi gia súc, gia cầm kể từ ngày 1/8/2020, chiếm khoảng 1,6% tổng hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố. “Những hộ này có thói quen chăn nuôi truyền thống nhiều năm nay. Nhưng khi đô thị hóa, họ phải chuyển đổi nghề khác. Thay đổi tập quán có lẽ cũng không đơn giản một sớm một chiều. Hà Nội đưa ra lộ trình thực hiện việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm này trong thời gian 3 năm tới”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết.

Giảm ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh

Ông Sơn thông tin, theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, trong khu vực 12 quận nội thành; 4 phường của thị xã Sơn Tây, các thị trấn của 5 huyện có lộ trình lên quận (2025 - 2030) là: Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và các khu nhà chung cư cũ, khu đô thị sẽ không được phép chăn nuôi. Lộ trình sẽ thực hiện từ nay đến năm 2023.

Lý giải về chủ trương này, ông Sơn cho rằng, luật quy định khu dân cư không được phép chăn nuôi nhỏ lẻ. Hà Nội bây giờ đô thị hóa rất nhanh. Chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Ngoài ra còn vấn đề dịch bệnh nữa. Nếu cứ chăn nuôi nhỏ lẻ thì nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Không những dịch tả lợn châu Phi, mà theo cơ quan thú y công bố, có trên 100 bệnh liên quan đến sức khỏe con người có thể lây nhiễm từ động vật chăn nuôi như bệnh dại, liên cầu khuẩn, lở mồm long móng, cúm A H5N1, H7N9…

Theo ông Sơn, Hà Nội đã đưa ra các chính sách như hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vay vốn, những nơi được quy hoạch làm khu chăn nuôi sẽ có chính sách hỗ trợ về giống, môi trường, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Được biết, các khu chăn nuôi tập trung sẽ nằm ở các địa phương như Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ…

“Đây cũng chính là một định hướng lớn của Hà Nội, thực hiện việc giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, đưa vào chăn nuôi tập trung, đảm bảo lượng cung cho mười triệu dân của Hà Nội. Cùng với đó là đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi chỉ có chăn nuôi quy mô lớn, đầu tư áp dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi thì mới đáp ứng được an toàn thực phẩm và tiến tới xuất khẩu”, ông Sơn nói thêm.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.