Chỉ cải tạo chợ Long Biên, không xóa bỏ

Chợ Long Biên. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chợ Long Biên. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Mặc dù Bộ Công Thương đã có đính chính về việc sẽ xóa bỏ, di dời chợ đầu mối Long Biên nhưng việc chuyển công năng thành chợ loại 2 cũng khiến không ít tiểu thương lo lắng.

Từ chợ đầu mối thành chợ dân sinh loại 2

Trước thông tin về chợ Long Biên sẽ phải di dời trong thời gian tới theo quyết định của Bộ Công Thương, mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về vấn đề này. Theo Quyết định năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội, chợ Long Biên được xếp vào chợ hạng 2 còn chợ đầu mối phía Nam - Hoàng Mai là chợ đầu mối hạng 1.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối là chợ Minh Khai và chợ phía Nam nhưng cả hai chợ này chưa đáp ứng được tiêu chuẩn là chợ đầu mối. Do đó, nhiều chợ hạng 1, hạng 2 phải thực hiện nhiệm vụ của chợ đầu mối như: chợ Long Biên, chợ hoa Quảng An, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ… Các chợ này có diện tích nhỏ, không còn quỹ đất mở rộng, phần lớn nằm trong các khu vực trung tâm nên không đủ tiêu chuẩn nâng cấp là chợ đầu mối. Bên cạnh đó, một số chợ đang ở tình trạng quá tải chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như chợ Long Biên.

Hiện, Sở Công Thương đang trình thành phố xem xét đầu tư xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch, trong đó tập trung trước mắt vào chợ đầu mối Gia Lâm. Sau khi có chợ đầu mối phù hợp theo tiêu chuẩn, thì các chợ hạng 1, hạng 2 như Long Biên sẽ thôi chức năng chợ đầu mối để hoạt động đúng công năng là chợ dân sinh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, theo quy hoạch của Hà Nội và chủ trương phát triển mạng lưới chợ, không hề có kế hoạch xóa bỏ chợ Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội, hay còn gọi là chợ Đền Lừ. Cả hai chợ này vẫn có tên trong danh mục chợ của Hà Nội. Vị cán bộ này cũng lý giải trên thực tế, chợ Long Biên không được xếp hạng là chợ đầu mối nhưng lại có tính chất hoạt động giống như chợ đầu mối. Trong quy hoạch cũng nêu rõ sẽ chuyển chợ Long Biên theo mô hình là chợ dân sinh hạng 2. Toàn bộ hoạt động của chợ sẽ do quận Ba Đình chịu trách nhiệm.

Người dân lo cho miếng cơm manh áo

Ông Long, trú tại bãi Nghĩa Dũng - một mối chuyên bỏ sỉ hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên từ các tỉnh phía Bắc cho biết, thông thường sáng hàng về chợ, có đến hàng trăm mối bán lẻ và hàng rong đến lấy hàng. Đa số những người này là phụ nữ, ở quê lên bán rong kiếm sống. Có người được ông Long điểm danh đã lấy hàng của ông cả chục năm nay. “Nếu chợ chuyển đổi thành chợ dân sinh, chắc chắn người bị ảnh hưởng đầu tiên là những người bán rong”, ông Long nhận định.

Ở một ki-ốt bán hoa quả cạnh cổng chợ, chị Hoa chủ cửa hàng cho hay, mỗi ki-ốt ở đây sang tay rẻ phải được hơn 1 tỷ đồng, ngồi vỉa hè phí lót tay cũng đến vài trăm triệu tùy vị trí. Thế nên, chợ Long Biên có di dời hay chuyển đổi thành chợ dân sinh đều ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình chị, không chỉ mất mối làm ăn, mà còn bởi tiền tỷ mà gia đình đã đầu tư vào đây.

Đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên thông tin, chợ Long Biên đang có khoảng 1.200 tiểu thương buôn bán các ngành hàng rau củ, hoa quả, thủy hải sản. Thực chất từ năm 2007, chợ này đã được chuyển xuống thành chợ dân sinh hạng 2 và do UBND quận Ba Đình trực tiếp quản lý. Đến cuối năm, chợ Long Biên sẽ được cải tạo, nâng cấp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiểu thương kinh doanh. Việc không thống nhất khái niệm, tên gọi chợ Long Biên là nguyên nhân gây nên phản ứng của các hộ kinh doanh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, kênh bán lẻ truyền thống bao gồm chợ dân sinh, cửa hàng lẻ, hàng rong, chợ cóc đảm nhiệm, trong đó chợ dân sinh chiếm vai trò quan trọng trong việc phục vụ bán lẻ cho tiêu dùng. Hà Nội đã có những bài học bổ ích về việc cải tạo các chợ cũ trong nội thành thành trung tâm thương mại mong rằng không lặp lại tình hình cũ của những giai đoạn trước. Hà Nội đã có những khu chợ đang kinh doanh tấp nập thì được nâng cấp, hiện đại hóa… kết quả lại không được như mong đợi do không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ như: chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da (Hà Nội).

Năm 2014, chợ Long Biên từng được tạp chí Conde Nast Traveler bình chọn là một trong bảy chợ trời thú vị nhất thế giới. Chợ Long Biên được đánh giá là nơi nên đến nhất trước khi mặt trời mọc.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.