Chó cảnh trăm triệu thả rông, có nên bắt?

Theo Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội, nếu gặp phải những chú chó cảnh có giá trị lớn, để xảy ra sự cố, đội bắt chó thả rông có thể gặp nhiều vấn đề phát sinh. Ảnh: Trường Phong
Theo Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội, nếu gặp phải những chú chó cảnh có giá trị lớn, để xảy ra sự cố, đội bắt chó thả rông có thể gặp nhiều vấn đề phát sinh. Ảnh: Trường Phong
TPO - Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện Đội bắt chó thả rông thí điểm ở phường Khương Đình (Thanh Xuân) còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là rủi ro khi bắt giữ những con chó có giá trị lớn.

Chó không có người nhận

Chiều 19/12, UBND quận Thanh Xuân tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại trên địa bàn.

Theo bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Thanh Xuân, phường Khương Đình là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình bắt chó thả rông. 1 đội chuyên trách bắt chó thả rông với biên chế 5 người được thành lập cùng với 10 tổ phản ứng nhanh tại 10 tổ dân phố, biên chế 5 người/tổ.

Nhân sự chủ yếu là thành viên các tổ dân phố, dân phòng. Mô hình được chính thức triển khai từ tháng 9/2018, trung bình mỗi tuần đội đi bắt một buổi hoặc do đề xuất của tổ dân phố, không thông báo trước.

“Số chó vi phạm bị bắt là 12 con. Xử phạt 9 chủ nuôi chó với số tiền 6,3 triệu đồng. Có 3 con chó không có người nhận đã được bàn giao vào Trung tâm nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi thuộc Bộ KH&CN để tiếp tục theo dõi, nuôi dưỡng và tìm chủ mới”, bà Hương nói.

Qua triển khai, bà Hương cũng cho biết gặp nhiều khó khăn như nhân sự còn mỏng, chủ yếu là người cao tuổi, việc bắt chó vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa có phương tiện chuyên dụng. Đặc biệt, khi gặp chó to, chó dữ thì khó xử lý, gặp nguy hiểm.

Đề xuất có xe chuyên dụng

Ông Lê Bá Mão, Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Khương Đình cho biết, có những buổi đi bắt được 3 – 4 con, có buổi không bắt được con nào. Qua thời gian triển khai, ý thức của người nuôi chó được nâng lên, có trường hợp đội bắt chó ngay trước mặt chủ, nhưng họ còn xin lỗi vì để chó thả rông. Có trường hợp con chó nặng vài chục kg, bắt được, nó cắn vào lồng sắt nên bị gẫy răng.

Chó cảnh trăm triệu thả rông, có nên bắt? ảnh 1

Một con chó thả rông bị bắt trên địa bàn phường Khương Đình (Thanh Xuân). Ảnh: Trường Phong

Ông Mão đề xuất chính quyền hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên, nghiên cứu việc hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị. Ông Mão cũng so sánh với đội bắt chó thả  rông ở Thành phố Hồ Chí Minh được trang bị xe chuyên dụng và gợi ý Hà Nội nên học theo.  

Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận sẽ nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ cần thiết để đội bắt chó thả rông tiếp tục duy trì hoạt động, tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn quận.

Bà Trang thông tin, trên địa bàn quận hiện thống kê chưa đầy đủ có hơn 2.300 con chó. Việc thả rông chó, ngoài ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, còn tiềm ẩn việc mất an ninh trật tự địa bàn, khi các đối tượng trộm chó có cơ hội hoạt động...

“Quận cũng xác định không phải là bắt được bao nhiêu con, xử phạt bao nhiêu tiền mà cái được lớn nhất là ý thức, trách nhiệm của người nuôi chó được nâng lên. Sau khi thực hiện việc bắt chó thả rông, đã hạn chế 70 – 80% tình trạng chó thả rông”, bà Trang nói.

Rủi ro nếu chó có giá trị lớn

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng, việc phường Khương Đình (Thanh Xuân) đi đầu trong triển khai bắt chó thả rông đạt được nhiều kết quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn phường, quận, thành phố.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, đội bắt chó thả rông gặp phải nhiều áp lực khi thực hiện nhiệm vụ trong thời gian đặc thù, lực lượng mỏng, chưa có xe chuyên dụng, dụng cụ đơn giản, chủ yếu làm theo kinh nghiệm.

“Thậm chí bây giờ có những con chó cảnh có giá trị vài chục triệu, cả trăm triệu, nếu xảy ra điều gì thì liên quan đến vấn đề dân sự”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết, đang tính toán việc triển khai 3 khu nuôi nhốt tập trung chó thả rông bị bắt để “chuyên biệt” hơn. Ông Sơn cũng cho biết, sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về một số cơ chế thực hiện để giải quyết những vấn đề phát sinh như kinh phí chăm sóc, nuôi nhốt, nếu chó chết thì xử lý thế nào...

MỚI - NÓNG