Chống ùn tắc giao thông Thủ đô: Sẽ điều chuyển hơn 39.000 lượt xe khách

Mặc dù là đường cấm nhưng nhiều xe khách qua chạy qua đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) vẫn dừng đỗ bắt khách. Ảnh: A.Trọng
Mặc dù là đường cấm nhưng nhiều xe khách qua chạy qua đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) vẫn dừng đỗ bắt khách. Ảnh: A.Trọng
TP - Nhiều ý kiến cho rằng, kế hoạch điều chuyển, sắp xếp 39.272 lượt xe khách trên địa bàn Hà Nội nhằm chống ùn tắc của Sở GTVT Hà Nội  chưa thực tế và đang gây rối thêm cho hoạt động vận tải và giao thông Thủ đô.

Sở GTVT Hà Nội vừa họp với các sở GTVT và doanh nghiệp (DN) vận tải địa phương để lấy ý kiến về phương án điều chuyển, sắp xếp.

Trên 39.000 lượt xe khách bị điều chỉnh

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 39.817 chuyến xe khách/tháng cần phải điều chuyển, sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình giao thông Hà Nội và quy hoạch mới. “Thời gian tới Sở GTVT sẽ điều chuyển 15.272 chuyến xe khách/tháng từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm; điều chuyển 6.713 chuyến/tháng từ Mỹ Đình về Yên Nghĩa, điều chuyển 300 chuyến/tháng từ bến Mỹ Đình về Gia Lâm, điều chuyển 150 chuyến/tháng từ bến Nước Ngầm về Yên Nghĩa…”, ông Long cho biết.

“Chỉ tính riêng Thanh Hóa, mỗi ngày từ bến Mỹ Đình về đã có trên 5.000 lượt hành khách. Vậy nếu các lượt xe này bị điều chuyển sang các bến xe phía Nam có thể phát sinh thêm 5.000 chuyến đi lại bằng xe cá nhân. Liệu mục tiêu chống ùn tắc có khả thi?”.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa

Lý giải cho việc trên, ông Long cho biết, do tốc độ phát triển đô thị cao, một số tuyến đường như vành đai 3 hiện có lưu lượng phương tiện giao thông cao, thường xuyên ùn tắc, nhất là đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Pháp Vân. Một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh có lộ trình hoạt động trên đường vành đai 3 thời điểm này không còn hợp lý, không phù hợp với quy hoạch của Bộ GTVT. Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo và được Bộ GTVT và UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép điều chỉnh, bố trí lại hoạt động của xe khách, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến cuối năm 2016 (giai đoạn 1), Sở GTVT sẽ điều chỉnh hành trình của các tuyến xe khách tại các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đi qua các điểm, tuyến đường ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; từ quý I/2017 (giai đoạn 2) điều chỉnh hành trình của các tuyến xe khách tại các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm đi qua các điểm tuyến đường hiện ùn tắc vào ban ngày; từ quý 2/2017 (giai đoạn 3), sắp xếp, điều chuyển tất cả các tuyến vận tải khách cho phù hợp với quy hoạch của Bộ GTVT. Đối với hành trình của các xe từ Mỹ Đình chạy tuyến các tỉnh phía Nam, sau khi điều chỉnh sẽ chạy theo hướng đường Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - đường Hồ Chí Minh; đối với xe chạy các tuyến các tỉnh phía Bắc, sau khi được điều chỉnh sẽ chạy theo hướng đường Phạm Hùng - đường trên cao - cầu Thanh Trì - QL 5 kéo dài…

Rối bời phương án điều chuyển

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng tổ chức, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách là việc địa phương nào cũng phải làm, tuy nhiên phương án điều chuyển hàng nghìn lượt xe khách từ bến Mỹ Đình ra các bến khác sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều DN vận tải và việc đi lại của người dân. “Chỉ tính riêng Thanh Hóa, mỗi ngày từ bến Mỹ Đình về đã có trên 5.000 lượt hành khách. Vậy nếu các lượt xe bị điều chuyển sang các bến xe phía Nam có thể phát sinh thêm 5.000 chuyến đi lại bằng xe cá nhân. Liệu mục tiêu chống ùn tắc có khả thi?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Ông Bùi Duy Thông, Phó Trưởng phòng Vận tải và người lái (Sở GTVT Nam Định) cho rằng, kế hoạch điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội chưa bắt đúng “căn bệnh” ùn tắc tại Hà Nội. Theo ông Thông, các lượt xe khách được cấp phép hoạt động tại bến đều có biểu đồ xuất phát rất tuần tự, nhằm tránh gây quá tải giao thông, tuy nhiên thực tế tại cổng ra vào hoặc các tuyến đường lân cận bến xe hiện nay nhiều xe dù, xe hợp đồng trá hình và taxi vẫn dàn hàng vây kín. Đây mới là thực trạng gây ùn tắc cho nhiều tuyến đường, nút giao thông chứ không phải xe khách.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Vận tải và người lái (Sở GTVT Ninh Bình) cũng cho rằng, chưa có địa phương nào mà bến xe khách lại lộn xộn như ở Hà Nội. Ông Tuấn dẫn chứng, ngoài xe dù, taxi thường vây kín khu vực bến xe, nhiều xe dù hoạt động tại Ninh Bình bị xử lý đã chạy lên Hà Nội hoạt động, thậm chí một vài nhà xe trong nhóm này còn được Sở GTVT Hà Nội cấp phép hoạt động. “Trước khi thực hiện điều chuyển xe khách các tỉnh, Hà Nội cần quản lý được vấn đề xe dù, bến cóc, taxi hoạt động lộn xộn tại bến xe, trên đường phố. Các nội dung này chưa thực hiện được thì giao thông Hà Nội không tắc mới là lạ”, ông Tuấn nói.

Chủ nhiệm HTX Vận tải Đông Lý (Thanh Hóa) kiến nghị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội trực tiếp giám sát khu vực các bến xe. Tình trạng xe dù, bến cóc, taxi hoạt động lộn xộn đang khiến khu vực các bến xe trở thành nổi ám ảnh với hành khách và các nhà xe hoạt động nghiêm túc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.