Công dân Thủ đô ưu tú: Tôn vinh những tấm gương bình dị, vì cộng đồng

Lớp học đặc biệt của chị Lê Thị Hòa đã duy trì nhiều năm nay. Ảnh: Nguyễn Hoài, chụp năm 2012
Lớp học đặc biệt của chị Lê Thị Hòa đã duy trì nhiều năm nay. Ảnh: Nguyễn Hoài, chụp năm 2012
TP - Trong số 10 gương mặt được đề cử xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2019, có những cá nhân thuần phác nông dân, có những cô giáo tận tụy dạy miễn phí cho trẻ em nhiễm chất độc da cam. Họvới những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, là những tấm gương bình dị, sống hết mình vì cộng đồng.

Lớp học đặc biệt

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội vừa thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019 cho 10 cá nhân. Trong số này, bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, người ta còn chú ý đến những cái tên bình dị như chị Lê Thị Hòa, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Chị Hòa sinh năm 1973, hơn 26 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách Đội tại các trường tiểu học Trường Yên và Đông Sơn của huyện Chương Mỹ. Luôn tâm huyết với công tác giảng dạy, chị Hòa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp. Đặc biệt, chị đã mở lớp giảng dạy miễn phí tại nhà riêng cho học sinh nhiễm chất độc da cam/dioxin không có khả năng đến trường và các em học sinh nghỉ học giữa chừng. Ngoài ra, chị cũng tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo từ năm 2015 đến nay với số tiền gần 400 triệu đồng.

Đã có nhiều bài báo viết về chị. Báo Tiền Phong cũng đã viết bài về lớp học đặc biệt này từ năm 2012. Nói về lớp học đặc biệt của mình, chị Hòa chia sẻ, trong lớp, mỗi em một dạng khuyết tật, em thì tự kỷ, em bị câm điếc, em lại bị khoèo chân tay nên việc dạy chữ, làm toán cho các em không hề dễ dàng. Phải lựa từng đối tượng và khả năng tiếp thu để có cách truyền đạt cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Để các em dễ nắm bắt và nhớ lâu, khi dạy cho các em, chị đều dùng các đồ vật và hình ảnh trực quan. Thậm chí đôi khi còn phải vừa dạy vừa dỗ dành kẹo bánh. Có những em do hạn chế về nhận thức nên đến cả những việc vệ sinh cá nhân chị cũng hướng dẫn tận tình. Để lớp học không bị bỏ trống, chị luôn sắp xếp phân bổ thời gian hợp lý giữa công việc với gia đình để đến lớp với các em. Sau khi lo xong công việc trong gia đình, chăm lo chồng con, chị lại dành hết tâm huyết, thời gian để duy trì lớp học. Ngoài được học chữ, học toán, chị và các giáo viên tình nguyên còn dạy và rèn các kỹ năng sống cho các em. Từ lớp học tình thương này, có nhiều em đã trưởng thành và tự tin hơn, nhiều em đã có thể tự xin việc làm bên ngoài và có công việc ổn định. “Dạy các con mang lại niềm vui cho mình và cho chính bản thân các con. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, chị Hòa tâm niệm.

Ðón giao thừa trên đường phố

Trong danh sách đề cử, còn có ông Lý Văn Phủ, nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Là người dân tộc Dao, được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Yên Sơn giai đoạn 2015-2017, ông Phủ thường xuyên vận động con em trong gia đình và nhân dân trong thôn tích cực học tập văn hóa, duy trì phát huy bản sắc dân tộc như thêu ren truyền thống của dân tộc Dao cũng như tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông Phủ còn tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, riêng gia đình ông đã trực tiếp hiến 200m2 đất để làm đường giao thông.

Một điển hình khác cần phải nhắc đến bà Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan), Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội. Năm 2009, bà Lê Thu sáng lập Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long tại Hà Nội, gồm 30 người. Trong 10 năm hoạt động, bà dành trọn tiền lương hưu, vận động các nhà hảo tâm được tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Riêng gia đình của bà ủng hộ các hoạt động nhân đạo hơn 300 triệu đồng/năm. Từ năm 2015 đến năm 2017, bà đã quyên góp trên 3 tỷ đồng để trợ vốn, xây nhà giúp người nghèo, xây cầu, trường học... tại một số tỉnh. Sáng kiến xây dựng gian hàng từ thiện “Ai có điều kiện thì mang đến cho, còn ai khó khăn thì tới nhận” tại 19/52 phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội của bà đã làm ấm lòng những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ môi trường 1 - Chi nhánh Hoàn Kiếm - Cty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 29 năm làm nghề, bà Hiếu chia sẻ, công việc của công nhân vệ sinh môi trường mang tính đặc thù, thường làm về đêm, từ 18h cho đến khi hết rác, khoảng 2- 3h, thậm chí có khi đến 4- 5h hôm sau.

Trong các đợt phục vụ lễ, Tết, hay vào các buổi cuối tuần trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, khi mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, thì bà và những công nhân môi trường phải tăng ca, tăng giờ, bám địa bàn để phục vụ. Tết hằng năm, bà thường đón giao thừa trên đường phố để phục vụ bà con nhân dân vui chơi quanh khu vực Bờ Hồ.

Với trách nhiệm là Tổ trưởng Tổ phục vụ vệ sinh môi trường khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc - địa bàn thường xuyên đón khách du lịch tham quan, bà cùng các thành viên trong tổ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách, hộ kinh doanh trong khu vực bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng…

MỚI - NÓNG