Xe buýt BRT lăn bánh:

“Cú hích” chống ùn tắc cho Thủ đô

Phối cảnh trung tâm điều hành buýt nhanh BRT Kim Mã.
Phối cảnh trung tâm điều hành buýt nhanh BRT Kim Mã.
TP - Sau hơn ba năm triển khai, quý 3 năm nay xe buýt nhanh BRT sẽ lăn bánh trên đường phố Hà Nội. Trong lúc xe buýt truyền thống đang vượt ngưỡng, đường sắt đô thị thi công chưa xong, việc buýt BRT đi vào hoạt động được đánh giá là sự giảm tải hoàn hảo cho giao thông công cộng Thủ đô.

Vừa nhanh vừa tiện dụng

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển Giao thông Ðô thị, Sở GTVT Hà Nội - chủ đầu tư dự án xe buýt nhanh BRT đầu tiên Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa cho biết, sau khi đi vào vận hành, buýt BRT sẽ có lộ trình chạy qua các trục đường Kim Mã - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - bến xe Yên Nghĩa (Hà Ðông). Ðến nay, các hạng mục xây lắp của dự án đã cơ bản hoàn thành, hiện hạng mục hệ thống nhà chờ đang được gấp rút hoàn thiện. Theo kế hoạch quý 3/2016, buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa sẽ đi vào hoạt động.

Nói đến cách thức tiếp cận của người dân, ông Hà cho rằng, BRT là loại hình vận tải công cộng khối lớn, chạy trên đường riêng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Do vậy trước khi đưa BRT vào vận hành, việc đầu tiên Ban Quản lý Dự án Phát triển Giao thông Ðô thị phải làm là tuyên truyền để người dân hiểu rõ về buýt BRT. Từ đó có ý thức chấp hành các quy định phù hợp với loại hình vận tải mới. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác tổ chức giao thông, đặc biệt là giai đoạn khai thác ban đầu. Tổ chức tốt việc trung chuyển, kết nối các tuyến buýt truyền thống với tuyến buýt nhanh, tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách khi tiếp cận các ga, nhà chờ trên tuyến. Tuyên truyền, hướng dẫn hành khách sử dụng dịch vụ buýt BRT một cách đầy đủ, tận tình.

“Cú hích” chống ùn tắc cho Thủ đô ảnh 1

Với ưu điểm nhanh, văn minh, buýt BRT đang được 74% người dân Thủ đô chờ đợi.

Về quá trình vận hành, ông Hà cho biết, buýt nhanh BRT được quản lý bằng hệ thống điều hành giao thông thông minh. Trên các xe đều gắn thiết bị định vị để kết nối thông tin với Trung tâm Ðiều hành đặt tại bến xe Kim Mã. Ðèn tín hiệu tại các nút giao thông mà BRT đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và Trung tâm Ðiều hành Giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua. 

“Tần suất xe hoạt động 3-5 phút/chuyến, lưu lượng chuyên chở 90 hành khách/chuyến và tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ. Với các ưu điểm giống như hệ thống xe buýt nhanh BRT của các thành phố phát triển trên thế giới… buýt BRT Hà Nội sẽ là hệ thống xe buýt chất lượng cao, văn minh giúp người dân Thủ đô đi lại một cách thuận tiện hơn”, ông Hà khẳng định.

Theo ông Hà, mục tiêu của dự án này là thành phố Hà Nội muốn thí điểm phát triển một loại hình vận chuyển xe buýt khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chạy trên làn đường dành riêng để nhằm hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô; góp phần khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc cho giao thông Hà Nội. Thời điểm buýt nhanh BRT đi vào hoạt động là xe buýt truyền thống đã hoạt động vượt ngưỡng công suất, các dự án đường sắt đô thị xây dựng chưa xong. Do vậy buýt nhanh BRT sẽ là giải pháp giảm tải hoàn hảo cho hệ thống giao thông công cộng Thủ đô.

74% người dân đón chờ buýt BRT

Tuy chưa lăn bánh, nhưng ấn tượng đầu tiên về buýt nhanh BRT mà người dân Hà Nội cảm nhận được là hệ thống nhà chờ (điểm đón, trả khác) hiện đại xây dựng dọc tuyến đường Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa. Ông Vũ Hà cho biết, trên toàn tuyến có 21 nhà chờ buýt BRT theo tiêu chuẩn quốc tế đang gấp rút được hoàn thiện, riêng nhà chờ tại trạm Nguyễn Tuân trên đường Lê Văn Lương đã được xây dựng xong để làm mẫu cho các nhà chờ khác. Nhà chờ Nguyễn Tuân rộng 5m, diện tích 129m2, được thiết kế theo đúng chuẩn của BRT quốc tế với đầy đủ công năng phục vụ buýt nhanh BRT. Bên cạnh đó, các nhà chờ cũng được nghiên cứu, thiết kế để phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội.

“Cú hích” chống ùn tắc cho Thủ đô ảnh 2

Nhà chờ buýt BRT Nguyễn Tuân được thiết kế xây dựng theo chuẩn buýt BRT quốc tế. Ảnh: Anh Trọng

Với hệ thống nhà chờ buýt BRT, cốt nền nhà chờ đều được tôn cao để tạo độ bằng phẳng với sàn xe buýt giúp người đi xe, trong đó có người sử dụng xe lăn dễ dàng tiếp cận. Lối lên xuống nhà chờ cũng được thiết kế để hỗ trợ người đi xe lăn với nền mặt dài và thoải. Phòng chờ xe buýt ốp vách kính cường lực, rộng, sạch sẽ, đáp ứng được lưu lượng khách lớn, bảo đảm an toàn tiện nghi cho hành khách. Cửa nhà chờ lên xe buýt là hệ thống kính trượt đóng mở tự động. Cửa trượt chỉ mở khi xe buýt cập bến, điều này vừa giữ an toàn vừa tạo thói quen xếp hàng cho hành khách khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng. Hệ thống máy bán vé, máy quẹt thẻ/soát vé tự động, quầy hỗ trợ khách hàng có nhân viên trực được bố trí tại nhà chờ để phục vụ hành khách. Ðiều này làm thời gian di chuyển của khách được tiết kiệm tối đa, các khâu mua vé, soát vé, quẹt thẻ đều được thực hiện ngay khi hành khách vào nhà chờ và đứng đợi xe đến.

Cũng theo ông Hà, để chuẩn bị cho buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, vừa qua Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo và Nhóm tư vấn truyền thông Dự án Xe buýt Nhanh- Hanoi BRT (Bus rapid Transit) do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến người dân về buýt BRT. Theo đó, 74% người dân Hà Nội được hỏi mong muốn sử dụng hệ thống xe buýt nhanh BRT. Cùng với đó, nhiều người dân còn cho ý kiến, mong muốn Hà Nội có thêm nhiều loại hình giao thông công cộng để giảm thiểu nạn tắc đường. Ðặc biệt, họ sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn đến 20% giá vé xe buýt hiện nay cho một dịch vụ đi lại có chất lượng, thuận tiện và nhanh hơn. 

Cùng với xe buýt nhanh BRT, Ban Quản lý Dự án Phát triển Giao thông Ðô thị cũng vừa triển khai và kịp thời thông xe tuyến chính đường vành đai 2, đoạn Cầu Giấy - Nhật Tân trước Tết Nguyên đán Bính Thân để phục vụ nhân dân. Ðường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy là tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm nội thành với cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Sau khi tuyến chính đường này thông xe, thay vì phải ra đường Phạm Văn Ðồng - Bắc Thăng Long để đi Nội Bài dài hơn 25km, từ nay người dân có thể chuyển sang đường vành đai 2 Cầu Giấy - Nhật Tân với chiều dài chỉ còn 15 km.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.