Thực hiện bảo hiểm y tế:

Dài cổ chờ áp giá thanh toán, ra viện!

Đoàn giám sát (bên trái) làm việc với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: Duy Linh.
Đoàn giám sát (bên trái) làm việc với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Ảnh: Duy Linh.
TP - HĐND thành phố Hà Nội vừa giám sát việc chấp hành các quy định về bảo hiểm y tế. Nhiều bất cập, bức xúc của bệnh nhân và cả chính cán bộ y tế đang rất cần sớm được cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ…

Nhiều bất hợp lý về giá thanh toán

Làm việc với đoàn giám sát, bác sỹ Đặng Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm cho biết, bệnh viện đang gặp phải nhiều khó khăn về giá dịch vụ y tế. Cụ thể, giá dịch vụ kỹ thuật trong Nghị quyết 13 của HĐND thành phố và Quyết định 30 của UBND thành phố chưa đầy đủ theo danh mục kỹ thuật có trong Thông tư 43 của Bộ Y tế. Một số tên kỹ thuật trong Thông tư 43 không trùng với tên theo Nghị quyết 13 và quyết định 30 nên khó áp giá thanh toán.

“Việc triển khai BHYT cho hộ cận nghèo còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ y tế chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm với người tham gia BHYT. Công tác tiếp đón, hướng dẫn người bệnh đôi khi còn chưa tốt, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, gây bức xúc cho người bệnh”.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho hay

Một số danh mục kỹ thuật có giá thấp hơn so với chi phí thực tế như chụp X quang cẳng chân/khớp gối/xương đùi/khớp háng một tư thế và cả hai tư thế lại cùng một giá 32.000 đồng; đặt nội khí quản là 290.000 đồng, trong đó đặt nội khí quản khó lại chỉ có 54.000 đồng; phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn 70.000 đồng, phẫu thuật nang bao dịch hoạt là 90.000 đồng. Bác sỹ Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phản ánh: Hiện giá dịch vụ kỹ thuật quy định theo Nghị quyết 13 bằng 75% giá quy định trong Thông tư 04 đã gây thiệt thòi rất lớn cho người bệnh và các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thành phố quản lý.

Đại diện Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng cho hay, theo Thông tư 40 về ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc tân dược trong phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT), các thuốc điều trị đích (trừ Mabthera) chỉ được thanh toán 50% theo mức thẻ, một số thuốc hóa chất, nội tiết điều trị ung thư không có tên trong Thông tư 40 (Topotecan, Fulvestrant, Sunitinib malate…) nên không được BHYT thanh toán. Do vậy người bệnh gặp khó khăn khi điều trị loại thuốc này. Nhiều trường hợp có chỉ định điều trị nhưng bó tay vì không có tiền.

Còn nhiều nhiêu khê, phiền hà

Theo bác sỹ Trần Đăng Khoa, một bất hợp lý khác đang gây bức xúc cho cả bệnh nhân và cán bộ y tế là tình trạng dài cổ chờ giám định viên. Theo quy định, bệnh viện phải liên hệ với giám định viên để thống nhất tính giá thanh toán tương đương dựa trên cách thức phẫu thuật, trước khi thanh toán cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện không có giám định viên thường trực tại bệnh viện nên bệnh viện phải liên hệ bằng điện thoại liên tục, lúc được lúc không. Điều này gây bất tiện và nhiều khi ảnh hưởng đến thời gian làm thủ tục thanh toán, ra viện của người bệnh. “Nhiều bệnh nhân rất bức xúc khi cứ phải chờ thanh toán ra viện do chưa được áp giá thanh toán phẫu thuật”, đại diện Bệnh viện Ung bướu Hà Nội nói.

Theo Nghị quyết 13, thay băng các vết thương được thanh toán BHYT theo kích thước chiều dài vết thương. Tuy nhiên, theo Công văn số 3951 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2014, chỉ các vết thương nhiễm trùng và trường hợp có hai vết mổ trở lên thì mới được thanh toán BHYT. Rất nhiều trường hợp thay băng vết thương tại bệnh viện không được thanh toán BHYT trong khi đó bệnh viện vẫn phải sử dụng vật tư tiêu hao để thay băng cho bệnh nhân nhưng không có trong cơ cấu giá tiền giường bệnh.

Ngoài ra, một số cơ sở y tế còn phản ánh: Theo Thông tư 27/2013 của Bộ Y tế ban hành về danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán BHYT: tại nhóm 9 quy định không thanh toán riêng, trong đó có vật tư mặt nạ cố định sử dụng trong xạ trị do vậy BHYT đã không thanh toán khoản này dẫn đến gây nhiều khó khăn cho điều trị bệnh nhân ung thư…

Bên cạnh đó, theo UBND quận Hoàn Kiếm, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể không nghiêm túc thực hiện BHYT cho người lao động. Tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, BHYT kéo dài tại nhiều doanh nghiệp. Việc chuyển tuyến khám chữa bệnh còn vòng vèo, cứng nhắc, quá nhiêu khê phiền hà với bệnh nhân…

MỚI - NÓNG