Dân Hà Nội thấp thỏm với trăm nghìn 'quả bom nước' lơ lửng trên đầu

Bể nước inox chen chúc nhau trên nóc nhà các khu tập thể cũ.
Bể nước inox chen chúc nhau trên nóc nhà các khu tập thể cũ.
Một số người dân sống tại các khu tập thể cũ ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội phản ánh, những gia đình ở tầng trên cùng các khu nhà luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng bởi hàng loạt những “quả bom nước" treo lơ lửng trên đầu, đặc biệt là trong mùa mưa bão…

Bể lớn chồng bể nhỏ trên nóc nhà xuống cấp

Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Kim Liên đã có trên 40 khu tập thể cũ. Ban đầu, các hộ dân sống trong khu tập thể đều sử dụng nước từ bể chứa xây gạch ở tầng trên cùng, nhưng sau nhiều năm hoạt động hết công suất, hiện các bể chứa này đã xuống cấp, ô nhiễm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân. Do vậy, một số gia đình đã đầu tư kinh phí lắp đặt bể inox trên nóc nhà, đi lại đường nước xuống căn hộ của mình.

Việc mỗi nhà một bể, bể lớn chồng bể nhỏ chen chúc nhau trên nóc nhà cũ đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình vốn đã lung lay, xập xệ, thậm chí gây lún, nứt mái nhà, khiến các hộ ở tầng trên cùng  phải chịu cảnh nước thấm dột ngay cả khi trời không mưa. Bên cạnh đó, mỗi bồn chứa nước nặng từ 1-2 tấn trong khi giá đỡ chỉ được lắp ráp bằng các mối hàn để ngoài trời lâu năm nên có thể rơi xuống dưới bất cứ lúc nào.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Vũ Thị Hà sống tại khu B - Tập thể Kim Liên cho biết, dù căn hộ của gia đình bà rộng khoảng 15m2 nhưng trên nóc phải gánh 6 bể nước inox loại từ 700-1000 lít của các hộ ở tầng  dưới. Sức nặng của các bể nước này đã gây rạn, nứt mái nhà làm nước bị chảy xuống khiến  đời sống, sinh hoạt của gia đình bà gặp nhiều khó khăn.

“Do những khu nhà này được xây dựng cách đây trên 40 năm lại không được sửa chữa, nâng cấp, gia cố nên đã quá ọp ẹp. Bên cạnh đó, phần mái của các khu nhà vốn được thiết kế chỉ để chống nóng, không tính đến tải trọng của hàng chục bể nước nên rất dễ gây sập trần, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân sống ở tầng trên cùng. Nhiều hôm mưa to gió lớn, giá đế bồn nước lỏng lẻo đập ầm ầm vào trần nhà khiến cả nhà tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng chưa có chuyển biến gì” – bà Hà chia sẻ.

Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ bình nước inox rơi làm hỏng hóc nhà cửa, các thiết bị gia đình, khiến nhiều người bị thương, thậm chí tử vong. Cách đây không lâu tại Vĩnh Phúc, cụ N.T.M đang ngồi rửa chén thì bị bồn nước dung tích 1.000 lít rơi từ nóc nhà tắm xuống đè lên người khiến cụ chết tại chỗ. Còn tại Hà Nội, mới đây người tham gia giao thông trên đường Láng, quận Đống Đa gặp phen hoảng loạn khi 1 bồn nước inox lớn bất ngờ rơi từ nhà cao tầng xuống đường, may không có thiệt hại về người.

Nguy cơ gây lún nứt, sập đổ mái nhà

Liên quan đến tình trạng trên, sáng 12-9, ông Nguyễn Quang Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên chia sẻ, việc lắp đặt bình nước inox trên tầng thượng hiện là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân sống ở các khu tập thể cũ. Bởi, tại các khu nhà này, mặc dù có hệ thống bể chứa nước nhưng hiện đã xuống cấp và không thể sử dụng được. Bên cạnh đó, nước chỉ được bơm theo giờ nhất định hoặc bơm cách ngày nên các gia đình đều có nhu cầu bể chứa nước riêng.

Mặc dù việc làm này có thể ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của các khu nhà, gây mất an toàn cho hộ dân tầng trên cùng song hiện chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do hầu hết các khu nhà này được bán cho các hộ dân theo Nghị định 61,vẫn do các Xí nghiệp nhà quản lý, chưa bàn giao cho UBND phường. Bên cạnh đó, phần mái là diện tích sử dụng chung của các hộ trong khu nhà  nên các gia đình đều cho rằng mình có quyền sử dụng.

Tuy vậy, khi nhận được phản ánh của các hộ dân, UBND phường đã cử cán bộ xuống kiểm tra hiện trạng, yêu cầu họp tổ dân cư để cùng nhau bàn bạc, nếu thấy tình trạng nguy hiểm sẽ đề nghị các gia đình có bồn nước di chuyển đến các vị trí khác an toàn hơn như hành lang, phía trên các công trình phụ. Mới đây, UBND phường cũng đã có văn bản gửi Xí nghiệp quản lý nhà, UBND quận Đống Đa  xin ý kiến về vấn đề này.

Rõ ràng, việc lắp quá nhiều bồn nước trên nóc các khu tập thể cũ sẽ làm tăng nguy cơ lún nứt, sập đổ phần mái. Ngoài ra, việc thi công ẩu, nguyên vật liệu kém chất lượng cũng khiến cho hàng trăm nghìn “quả bom nước” có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa sự an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, đặc biệt là trong thời điểm đang mùa mưa bão.

Điều đáng nói là hiện chưa có văn bản quy định cụ thể về quy chuẩn xây dựng, lắp đặt bồn nước trên cao. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để rà soát, kiểm tra sự an toàn của các bồn chứa nước inox đặt trên tầng thượng các khu chung cư cũ, đồng thời nhanh chóng xem xét, đưa việc đặt bồn nước vào quy chuẩn cấp phép xây dựng…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.