Dấu ấn kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội

Dấu ấn kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội
TP - Triển lãm tài liệu lưu trữ quốc gia với chủ đề “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” giới thiệu 70 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật, tập điều kiện thầu... của 6 công trình kiến trúc Pháp có tuổi đời 100 năm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Bảo tồn, tôn tạo và duy tu những kiến trúc thời Pháp chính là bảo tồn chứng nhân lịch sử, là cách thể hiện lòng trân trọng với quá khứ.
Dấu ấn kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội ảnh 1 (ảnh lớn); Sơ đồ thiết kế Nhà hát lớn Hà Nội (ảnh nhỏ).

100 năm dấu ấn kiến trúc

Ngày 9/10, nhân kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội Vụ) phối hợp với Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ quốc gia với chủ đề kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội.

Thông qua tài liệu lưu trữ, có thể thấy kiến trúc Pháp du nhập vào nước ta trải qua một quá trình lâu dài. Giai đoạn đầu, người Pháp xây dựng các công trình công sở, dinh thự  và trại lính phục vụ bộ máy cai trị và đặc biệt thể hiện sức mạnh áp đảo của chính quyền thực dân đồng thời gây ảnh hưởng tới văn hoá Việt Nam. Từ những năm 1920, các kiến trúc sư người Pháp đã đưa xu hướng kiến trúc mới vào các thiết kế của mình. Những công trình với phong cách kiến trúc Á – Âu đã được thể nghiệm như: Đại học Đông Dương (1926); Sở Tài chính Đông Dương (1926) – nay là Bộ Ngoại giao; Bảo tàng Louis Finot của trường Viễn Đông bác cổ (1925) – nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam…

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, các công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Các công trình này được nhiều người đặc biệt quan tâm về phương diện kiến trúc và công tác bảo tồn di sản trong nhiều năm qua. Có thể thấy, tài liệu lưu trữ kỹ thuật là nguồn tài liệu tham khảo đặc biệt có giá trị đối với nghiên cứu kiến trúc, cũng như công tác bảo tồn các công trình xây dựng từ thời Pháp.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, với giấc mơ về một “Thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương”, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình mang phong cách phương Tây cùng một số có sự kết hợp với kiến trúc bản địa.

“Qua triển lãm này công chúng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về di sản kiến trúc của Hà Nội thời kỳ thuộc địa cũng như được tiếp cận với các tài liệu lưu trữ đặc biệt có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của thành phố”, ông Tùng nhận định.

Hành động để bảo tồn

Bảo tồn, tôn tạo và duy tu những kiến trúc thời Pháp chính là bảo tồn chứng nhân lịch sử, là cách thể hiện lòng trân trọng với quá khứ. Thực tế, hiện nay, nhiều công trình biệt thự Pháp cổ xây dựng trước năm 1954 đã bị biến dạng về kết cấu, xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sập đổ, một số còn nguyên trạng nhưng bị phá dỡ và xây mới. Đây cũng là nỗi niềm của không ít chuyên gia tham dự triển lãm.

Trao đổi với Tiền Phong, KTS Bùi Trí Luyện, giảng viên khoa Kiến trúc (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: Để bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp cần rất nhiều nỗ lực và chuyên môn, bởi điều kiện khí hậu ở Hà Nội khá khắc nghiệt, bên cạnh đó, trình độ xây dựng thời đó không giống bây giờ. Nếu không bắt tay làm ngay sẽ thật đáng tiếc.

Điều quan trọng trong chiến lược bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa nằm ở việc tuyên truyền rộng rãi, nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức sâu sắc của cộng đồng về giá trị to lớn và bề dày lịch sử của những công trình kiến trúc biệt thự thời Pháp thuộc. Việc có những nhận thức đúng đắn về bảo tồn văn hóa sẽ giúp giảm thiểu phần nào những hành động xâm hại đến di sản văn hóa như cơi nới hay phá dỡ biệt thự cổ. Theo KTS Luyện, một trong những mô hình bảo tồn di sản kiến trúc đáng học hỏi là Ai Cập, nơi bảo tồn được nhiều công trình xa xưa – khởi nguồn của kiến trúc. “Tất nhiên cần phải có chính sách rõ ràng, cùng sự đầu tư bài bản, chắc chắn”, KTS Luyện cho hay.

Nhận xét về kiến trúc Pháp, GS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Người Pháp đã tạo nên diện mạo đô thị đặc trưng của Hà Nội. Họ tạo được một loại hình kiến trúc mà trước nay ta chưa hề có, giúp nước ta bước vào cuộc hội nhập đầu tiên”. Văn hoá Pháp đi vào cuộc sống ban đầu từ các công t

rình đường sắt, giao thông, rồi mới đến văn chương, nghệ thuật… Kiến trúc Pháp ở Hà Nội đặc trưng là những công trình vừa phải, không quá đồ sộ, tinh tế thể hiện văn hoá Pháp.

Tuy nhiên, để bảo tồn, duy trì, tiếp nối khối tài sản này như thế nào thì vẫn đang là câu hỏi cần lời giải đáp. Theo GS Hoàng Đạo Kính, chúng ta đã tập thể hoá nhiều nhà biệt thự cổ đẹp, khiến việc sở hữu trở nên chồng chéo. Bên cạnh đó, nhiều người bỏ hàng nghìn tỷ đồng để mua những căn biệt thự cũ, thực chất là mua đất “vàng”, nhưng lại không có phương án cải tạo, sửa chữa thì cũng không thể bảo tồn được kiến trúc cổ điển.

Muốn giữ gìn di sản kiến trúc Pháp phải cải tạo có trọng tâm trọng điểm. Ví dụ như khu phía Nam của phố cũ Hà Nội, nơi có nhiều kiến trúc Pháp thì nên giữ gìn tuyến phố. Cùng với việc bảo tồn, là cải tạo khu trung tâm, khang trang hoá thành phố, nhất là khu vực trung tâm. “Kiến trúc Pháp là kiến trúc sang trọng, không có hàng rào, nay Thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi hay Toà án Nhân dân… nơi nào cũng rào chắn, thậm chí thành siêu thị bán hàng…”, GS Kính cho hay.

Triển lãm giới thiệu 70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật… về các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Đây là những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: Nhà hát thành phố, Bảo tàng Louis Finot, Sở Bưu điện Hà Nội, Trường Đại học Đông Dương, Nha Tài chính Đông Dương và cầu Doumer (cầu Long Biên).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.