Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá - tâm linh: Khả thi đến đâu?

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá - tâm linh: Khả thi đến đâu?
TPO - Các ý kiến chuyên gia cho rằng, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh của Cty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) còn nhiều băn khoăn, chưa rõ khả thi, phù hợp đến đâu, đặc biệt là việc kè đáy sông.

Như đã thông tin, mới đây, Cty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi tới Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử-văn hoá-tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

JVE cho rằng, theo các chuyên gia Nhật Bản, việc xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch mặc dù có ý nghĩa lớn trong việc thu gom nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch, giải quyết được vấn đề không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm ở bên trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm nhưng mới chỉ giải quyết được phần ô nhiễm nước thải ở bên ngoài, còn phần bên trong lòng sông thì chưa xử lý được.

Đơn vị này cho rằng, 3 vấn đề chưa được xử lý. Thứ nhất, mùi hôi thối do tầng bùn đáy vẫn chưa được xử lý triệt để. Thứ hai, tầng bùn đáy tích tụ trong lòng sông dù nạo vét cơ học cũng chưa xử lý được tận gốc vấn đề và vẫn có nguy cơ bị tái ô nhiễm. Thứ ba, nước trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được tận gốc.

Ngoài ra, JVE cũng dẫn ý kiến chuyên gia Nhật Bản lo ngại về việc bổ cập cấp nước cho sông Tô Lịch sau khi đã thu gom hết nước thải. Theo đơn vị này, khi đó, nước trong sông Tô Lịch sẽ không được lưu thông, tù túng, từ đó phát sinh ô nhiễm và biến thành một "hồ tù" nếu như không có giải pháp như áp dụng công nghệ sục khí nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm, bùn hữu cơ ở đáy sông. Như thế, khó xử lý được tận gốc triệt để hết được ô nhiễm trong lòng sông.

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá - tâm linh: Khả thi đến đâu? ảnh 1 Phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của Cty JVE.

Theo phương án của JVE, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay). Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành. Sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh với nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt.

Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu. Suốt dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước. Dọc theo bờ sông dài 15km, công sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…

Liên quan đến việc cải tạo sông Tô Lịch, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông.

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá - tâm linh: Khả thi đến đâu? ảnh 2 Cty JVE từng thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, nhưng gây nhiều lùm xùm trên dư luận.

Hiện nay, việc này đang được thành phố Hà Nội triển khai. Nước thải sau khi được thu gom sẽ được xử lý, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Ông Khánh cho biết, trước đây, thời gian làm việc tại Sở TN&MT, ông đã có đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc, có bể lắng để nước trong rồi bổ cập vào Tô Lịch tạo dòng chảy, đủ điều kiện xử lý ô nhiễm dòng sông.

Ông Khánh cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. “Lòng sông nên để nguyên, không nên kè đáy. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở. Như thế mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm”, ông Khánh nói. Theo ông Khánh, nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, nên nghiên cứu việc dùng bằng ngân sách, vì nguồn vốn dù được vay ưu đãi hay tài trợ, sau này đều phải trả nợ.

Trong khi đó, một chuyên gia lĩnh vực thoát nước ở Hà Nội cho biết, các đề án “hồi sinh” sông Tô Lịch cần phải được bàn bạc kỹ, có ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, vì ảnh hưởng lớn đến việc thoát nước của Hà Nội. “Mục tiêu lớn nhất là phục vụ thoát nước Hà Nội, cải thiện môi trường, xử lý ô nhiễm. Sau đó mới tính tới việc phục vụ các việc khác như du lịch, giao thông…”, vị này đề xuất.

Cty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) từng thí điểm làm sạch một góc hồ Tây và một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor. Việc thí điểm của Cty này tại sông Tô Lịch gây nhiều lùm xùm. Đáng chú ý, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội từng có kết luận rằng trong quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố.

Cụ thể, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm xử lý khi chưa có kết quả thử nghiệm; không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản chuẩn bị, gửi sở Xây dựng Hà Nội các hồ sơ, tài liệu như: Hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano-Bioreactor (có bản thuyết trình toàn bộ về công nghệ); Giấy chứng nhận công nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận.Hồ sơ giới thiệu năng lực của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản; danh sách các công trình dự' án đã được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor tại Nhật Bản và các nước khác.

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội về tính chính xác, pháp lý đối với các hồ sơ cung cấp nêu trên…

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 16/6/2020, tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây, thành phố đã có yêu cầu đơn vị báo cáo rõ về kết quả thí nghiệm, văn bản pháp lý liên quan đến công nghệ xử lý nước thải…

“Cho đến nay chúng tôi không nhận được phản hồi và Cty cũng không liên hệ. Chúng tôi hiểu là Cty đã từ bỏ”, ông Thắng nói.

Ngay sau đó, phía JVE đã lên tiếng phản hồi. Đơn vị này cho biết, thông tin tài liệu liên quan mà các cơ quan của Hà Nội yêu cầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên các chuyên gia Nhật Bản chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam và tiến hành các nội dung như đã đề cập.

JVE không có thẩm quyền thay thế phía đơn vị Nhật Bản để hoàn thành các yêu cầu mà các cơ quan của Hà Nội đưa ra.

"JVE chúng tôi chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng chúng tôi từ bỏ việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch và qua đây, chúng tôi khẳng định ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - không phải là "người phát ngôn" của JVE chúng tôi", nội dung công văn của JVE khẳng định.

Bên cạnh đó, phía JVE cho biết thêm, hiện nay phía đơn vị Nhật Bản đang xây dựng phương án xử lý tổng thể kết hợp giữa cả việc thu gom nước thải bên ngoài bằng cống ngầm hiện nay và giải pháp xử lý triệt để tận gốc ô nhiễm bên trong "cơ thể sống" của sông Tô Lịch.

Từ đó, phía Nhật Bản sẽ báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành một khu tham quan du lịch đẹp và ý nghĩa như dòng suối Cheonggyecheon giữa lòng Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

MỚI - NÓNG