Dự án nước mặt Sông Ðuống: Giải khát cho 2,5 triệu dân Thủ đô

Nước được hút trực tiếp từ sông Ðuống lên xử lý tại các bể của nhà máy.
Nước được hút trực tiếp từ sông Ðuống lên xử lý tại các bể của nhà máy.
TP - Với mục tiêu cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực phía Ðông Bắc Thủ đô, đầu năm 2017 UBND thành phố Hà Nội đã khởi công Dự án Nhà máy nước mặt Sông Ðuống. 

Bằng các nỗ lực giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công, đúng dịp thành phố kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10) sắp tới, dự án sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1, “giải khát” cho hơn 2,5 triệu người dân Hà Nội.

Nước uống được tại vòi

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050. Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký tháng 6/2016, dự án có mục tiêu cung cấp nước sạch cho khu vực phía Đông Bắc Hà Nội, bao gồm các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn; các khu đô thị và công nghiệp trên địa bàn; một phần dân cư các quận huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…

Toàn bộ bán kính các khu vực này khoảng 960 km2 với dân số trên 2,5 triệu người. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đây là những khu vực hệ thống đường ống nước sông Đà chưa vươn tới được, trong khi đó nguồn khai thác nước mạch còn hạn chế, dẫn đến khu vực này thường bị thiếu nước sạch vào mùa hè.

Công trình nước mặt sông Đuống có tổng mức đầu tư trên 4.900 tỷ đồng (khoảng 225 triệu USD), kinh phí do các nhà đầu tư tự huy động, trong đó Cty Nước sạch Hà Nội góp vốn 10%. Hình thức thực hiện dự án là doanh nghiệp đầu tư, khai thác để hoàn vốn. Dự án bao gồm 2 hợp phần chính là nhà máy xử lý nước mặt sông Đuống nằm trên tổng diện tích 61,5 ha đất tại 2 xã Trung Mầu, Phù Đổng huyện Gia Lâm và Xây dựng đường ống truyền dẫn nước sạch dài 76km. Tổng công suất của nhà máy sau khi hoàn thành là 300 nghìn m3/ngày đêm, riêng giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ 10/10/2018 là 150 m3/ngày đêm. Dự án cũng được nhà đầu tư lên phương án đầu tư nối tiếp, mở rộng công suất lên đến 600 nghìn m3 vào năm 2030…

Dự án nước mặt Sông Ðuống: Giải khát cho 2,5 triệu dân Thủ đô ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung thực tế, kiểm tra tại nhà máy dịp đầu năm 2018.

Đề cập đến quy trình sản xuất và chất lượng nước để cung cấp đến người dân, ông Tạ Đức Hoàng, Giám đốc điều hành Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Cty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống (nhà đầu tư) cho biết, nhà máy sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống để xử lý các tạp chất trước khi hòa vào đường ống cung cấp đến các khu vực dân cư. Về công nghệ xử lý, ông Hoàng cho biết, nhà máy áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước sạch tiên tiến nhất từ châu Âu. “Đặc biệt quy trình xử lý này giúp nhà máy không có nước xả thải ra môi trường như nhiều nhà máy nước sạch hiện nay; hệ thống bùn thải cũng được xử lý để tái sử dụng. Chất lượng nước sau khi xử lý đạt Quy chuẩn 01:2009/BYT của Bộ Y tế, đảm bảo nước uống được trược tiếp tại vòi”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Trước các lo ngại về sự cố đường ống khi dự án đi vào khai thác, ông Hoàng cho biết, hiện nay một số đoạn đường ống cấp nước sạch tại Hà Nội thường xảy ra vỡ là do chất liệu đường ống có cốt sợi thủy tinh trong nước sản xuất không đảm bảo kỹ thuật, khi gặp áp suất nước cao thường bị bục, vỡ. Với dự án nước mặt Sông Đuống, đường ống nhà đầu tư sử dụng đa phần bằng chất gang dẻo được nhập từ Pháp, Ấn Độ, với những đoạn áp suất không lớn, không đi qua địa hình phức tạp hay đường quốc lộ nhà đầu tư sẽ sử dụng ống được làm bằng chất liệu nhựa cao cấp HDPE…

Dự án nước mặt Sông Ðuống: Giải khát cho 2,5 triệu dân Thủ đô ảnh 2

Nhà máy xử lý nước mặt sông Ðuống đã xây dựng xong và công nhân đang lắp đặt kỹ thuật, công nghệ.

Bước tiến về GPMB và thi công

Đề cập quá trình triển khai dự án, lãnh đạo Cty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống cho biết, do khối lượng GPMB của dự án lớn, phải giải tỏa hơn 60 ha đất để xây dựng tại nhà máy tại hai xã Trung Mầu, Phù Đổng (Gia Lâm) và xây dựng 76 km đường ống dẫn nước nên theo kế hoạch ban đầu, sau khi có chủ trương đầu tư dự án đã có tiến độ thi công đến giai đoạn 1 đến ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết về nước sạch vào mùa hè tại khu vực Đông Bắc, thành phố đã đề nghị nhà đầu tư cố gắng rút ngắn thời gian thi công có thể.

Theo Cty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, thực tế việc triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn đang cho thấy, ngoài năng lực, sức khỏe tài chính của nhà đầu tư, tiến độ dự án phụ thuộc rất nhiều vào công tác GPMB. Dự án triển khai nhanh hay chậm tại Hà Nội hiện nay có đến hơn nữa số phần trăm phụ thuộc vào công tác GPMB. Tuy nhiên với dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã có những “đột phá” về việc GPMB và thi công. Từ đề nghị của thành phố, sau khi nhà đầu tư phối hợp với UBND huyện Gia Lâm để bắt tay thực hiện công tác GPMB, một điều gần như kỳ diệu đã diễn ra là chỉ trong vòng 6 tháng sau khi có Quyết định chủ trương đầu tư (tháng 6/2016) nhưng đến tháng 12/2016 UBND huyện Gia Lâm đã giải phóng xong toàn bộ 61,5 ha đất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Có mặt bằng sạch, nhà đầu tư lập tức điều chỉnh thời gian thi công, hoàn thành giai đoạn 1 từ 1/1/2019 xuống 10/10/2018 (giảm 3 tháng); điều chỉnh thời gian hoàn thành giai đoạn 2 từ tháng 10/2020 xuống 10/2019 (giảm 12 tháng). “Cùng với người dân vùng Đông Bắc sớm được cung cấp bổ sung nước sạch từ dự án, việc dự án giảm thời gian thi công từ 3 đến 12 tháng còn giúp giảm chi phí đầu tư cho thành phố lên đến hàng triệu USD. Với doanh nghiệp dự án đây còn là “chữ tín”, niềm tin khi được lãnh đạo thành phố kỳ vọng, giao trọng trách”, lãnh đạo Cty
Cổ phần Nước mặt Sông Đuống nói.

Theo lãnh đạo Cty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, đến thời điểm hiện nay, việc xây dựng hạ tầng tại nhà máy đã cơ bản xong 100%, công nhân kỹ thuật đang hoàn thiện máy móc, thiết bị công nghệ để vận hành đúng tiến độ; hệ thống đường ống cấp nước đến các khu vực dân cư đã thi công xong trên 70%, tiến độ đang đảm bảo để nhà máy vận hành giai đoạn 1 vào ngày 10/10 tới.

Dự án Nhà máy nước Sông Ðuống được đầu tư, xây dựng tại xã Trung Màu, Phù Ðổng (Gia Lâm) có tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng (khoảng 225 triệu USD). Dự án được góp vốn bởi các cổ đông, gồm Cty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore; Cty Nước sạch Hà Nội (UBND thành phố Hà Nội); Cty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch. Các nhà đầu tư cổ đông đã thành lập ra Cty Cổ phần Nước mặt Sông Ðuống là doanh nghiệp thực hiên dự án. 

MỚI - NÓNG