Dự án thoát nước giai đoạn II (Hà Nội): Đội giá nghìn tỷ vẫn lo khó hoàn thành

Hạng mục cải tạo hồ Khương Trung 1 (Đầm Hồng) chậm tiến độ.
Hạng mục cải tạo hồ Khương Trung 1 (Đầm Hồng) chậm tiến độ.
TP - Sau nhiều năm triển khai thi công, đến nay dự án thoát nước giai đoạn II của Hà Nội vẫn chưa thể hoàn thành.

Bỏ thi công vì đội giá

Mới đây, Sở Xây dựng và UBND quận Thanh Xuân vào cuộc kiểm tra việc chậm tiến độ thi công, cải tạo một số hạng mục xây dựng khiến hồ Khương Trung 1 (hay còn gọi Đầm Hồng) bị “bức tử” vì tình trạng đổ rác thải, phế thải diễn ra trong thời gian dài. Theo giải trình của Sở Xây dựng, hạng mục cải tạo hồ Khương Trung 1 (Đầm Hồng) thuộc gói thầu 6.2 của dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - Dự án II, được khởi công từ tháng 10/2010.

Sở Xây dựng lý giải việc thi công chậm, về giải phóng mặt bằng (GPMB), tại thời điểm khởi công, chỉ một phần mặt nước được bàn giao để nạo vét, còn lại chưa giải tỏa được do mặt hồ bị lấn chiếm. Sở này cũng đưa ra lý do, do thời gian nhận bàn giao mặt bằng kéo dài dẫn đến thay đổi chi phí vật liệu, nhân công thiết bị so với thời điểm đấu thầu, tiến độ thi công gấp nên nhà thầu thi công (Tổng Cty Xây dựng Hà Nội) đề nghị không tiếp tục thi công hạng mục trên. Vì vậy, mặt bằng thi công không được tiếp nhận bàn giao.

Gần đây, khi lãnh đạo thành phố có văn bản chỉ đạo thì Sở Xây dựng mới có báo cáo sẽ tập trung đôn đốc và đã cùng Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội chủ động làm việc với nhà thầu (đơn vị bỏ thi công) để tiếp tục triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành ngày 30/6/2016. “Việc nhà thầu bỏ thi công ở đây là do công tác GPMB kéo dài trong nhiều năm nên bị trượt giá, đội giá so với giá trúng thầu của 4 năm trước nên họ không thi công nữa. Hơn nữa, điều kiện thi công đường vào khu vực này chật hẹp, khó khăn nhưng sau đó Sở Xây dựng báo cáo để thành phố cho phép lập dự toán vào thời điểm này, tính toán tỷ lệ trượt giá. Hiện nhà thầu đã đồng ý thi công trở lại”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết. 

Vẫn lo khó hoàn thành

Được biết, thoát nước giai đoạn II của Hà Nội là dự án trọng điểm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2014. Sau đó lùi sang năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo nguyên nhân vì sao dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng, được nhiều ưu đãi về cơ chế mà vẫn chậm tiến độ.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, về các hạng mục thi công cống hóa trên địa bàn quận Đống Đa (nơi có các hạng mục thi công chậm), thì với tuyến mương như tuyến L1A dài 539m từ Cống Trắng (từ trụ sở Công an phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) đến Cống Chẹm (Đê La Thành), đơn vị thi công hoàn thành 479m cống hộp, 60m còn lại chưa làm được do vướng mặt bằng hai hộ dân. 

Ông Phong cho biết, đơn vị thi công đang đẩy nhanh thi công rãnh thu nước thải nhà dân, đồng thời đợi quận Đống Đa giải tỏa nhà của hai hộ dân còn lại để hoàn thiện 60m cống hộp cùng rãnh, hè, đường, cây xanh, chiếu sáng trong tháng 6. Đối với tuyến mương L2A dài hơn 7.000m từ phố Khương Thượng đến sông Lừ đã hoàn thành 519m cống, thi công xong rãnh thu nước nhà dân và rải bê-tông nhựa đoạn Trường Đại học Y Hà Nội. 

Khối lượng còn lại đang vướng mặt bằng tập thể Đại học Thủy lợi. Đầu tháng 5, các hộ dân thuộc tập thể Đại học Thủy lợi mới bàn giao mặt bằng. Các vị trí này đang được đôn đốc bàn giao trong tháng 5 để đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục còn lại vào ngày 30/6… Nhận định chung về tiến độ ở khu vực này, cơ quan này cho rằng, tiến độ thi công chậm do công tác bàn giao mặt bằng không liền mạch, hiện trạng “xôi đỗ” và thời gian kéo dài.

Được kỳ vọng cho hệ thống tiêu thoát, chống úng ngập khu vực nội đô, tuy nhiên, đến nay dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu. Đặc biệt, dự án bị đội giá lên hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tổng giá trị của dự án lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. “Phần đội giá nhiều nhất là đối ứng do chi phí GPMB chứ không phải phần xây lắp thiết bị của dự án”, vị cán bộ dự án cho biết.

Theo đánh giá năng lực hệ thống thoát nước của Hà Nội, đặc biệt khu vực nội thành hiện trông chờ vào dự án thoát nước giai đoạn II, bởi vậy việc thi công chậm một số hạng mục của dự án sẽ ảnh hưởng vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước đô thị khi có mưa lớn... 

MỚI - NÓNG