Du khách bị 'chặt chém', ép đánh giầy...

Hàng rong chèo kéo du khách tại ngã 3 Hàng Bè - Hàng Bạc
Hàng rong chèo kéo du khách tại ngã 3 Hàng Bè - Hàng Bạc
TP - Được đánh giá một trong những thành phố du lịch giá rẻ nhất thế giới, nhưng tình trạng “chặt chém”, chèo kéo diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội, trong khi đường dây nóng xử lý của Sở Văn hóa- Thể thao lại nhận được rất ít phản ánh.

Muôn kiểu “chặt chém”

Những ngày qua, dư luận nóng lên vì một video quay lại cảnh du khách bị “chặt chém” bởi một đội quân đánh giầy ngay giữa Thủ đô. Thời điểm giữa trưa, một nữ du khách quốc tịch Úc đang đi bộ trên phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm bỗng giật mình bởi một người đàn ông lao từ vỉa hè chộp lấy chân. Anh này giật đôi dép cô đang đi và nhanh tay dùng keo dán quai và đế dép. Sau đó, nữ du khách này bị đòi… 900.000 đồng cho dịch vụ bất ngờ này.

Video cũng cho thấy, trường hợp của du khách này không phải cá biệt. Nhiều khách nước ngoài cũng bị tình trạng giật dép tương tự, có người to tiếng cãi vã nhưng sau cùng vẫn phải rút ví để giải quyết. Theo một người dân tại khu vực này, đội quân đánh giầy có gần chục người, địa bàn hoạt động trải khắp các khu phố cổ. Mặc dù biết các đối tượng này, nhưng khi được hỏi, người dân lại không có ý định cung cấp thông tin bởi “sợ bị trả thù”.

 Không chỉ có đánh giày “chặt chém”, rất nhiều du khách còn bị đeo bám bởi hàng rong. Có mặt tại ngã ba Hàng Bè - Hàng Bạc trưa 12/9, phóng viên ghi nhận 2 trường hợp du khách bị hàng rong chèo kéo, cố đưa gánh hàng vào vai du khách dù bị từ chối. Ban đầu người gánh rong tươi cười mời khách mua hàng, nếu thấy khách không có ý định mua, người bán hàng sẽ chuyển sang mời khách gánh thử, hoặc chạy theo đặt gánh hàng của mình lên vai khách du lịch để chụp ảnh, sau đó xin tiền. Nếu du khách không dứt khoát từ chối, càng bị lẽo đẽo theo.

Đặc điểm của những hàng rong này là trên gánh hàng rất đơn giản, gọn nhẹ, thường chỉ có 3, 4 túi hoa quả được bọc sẵn trong túi ni lông. Khi thấy phóng viên đưa máy lên tác nghiệp, lập tức gánh hàng rong né tránh và lảng đi nơi khác. Ghi nhận một thời gian cho thấy, các đối tượng hàng rong hoạt động không cố định, phạm vi các khu phố cổ. Một số địa điểm ghi nhận các gánh rong là: ngã ba Hàng Bè - Hàng Bạc, ngã tư Lương Văn Can - Hàng Gai, Tô Tịch, Lý Quốc Sư…

Đường dây nóng: 5 tháng tiếp nhận 6 vụ việc

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội, trong năm 2014, đường dây nóng của sở đã giải quyết 60 vụ trình báo, khiếu nại của du khách. Trong 5 tháng đầu năm 2015, khiếu nại, tố cáo mà đường dây nóng nhận được chỉ là… 6 vụ. Đi vào hoạt động từ tháng 8/2013, bộ phận hỗ trợ khách du lịch, trực thuộc Sở VH-TT Hà Nội qua đường dây nóng: 04.39261515 và 094.6791.955 là đơn vị thường xuyên tiếp nhận những phản ánh của du khách khi gặp những vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, có thể thấy cơ hội gặp nhau giữa du khách và đường dây nóng rất ít.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở VH-TT cho hay, phản ánh của khách du lịch qua đường dây nóng chủ yếu tập trung vào: giá tour cao, giá taxi “chặt chém”, báo mất đồ… Chưa có vụ việc nào liên quan đến tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách. Theo vị này, để xử lý các vi phạm này khi đến cơ quan công an, khách du lịch phải có ảnh chụp, hay video chứng minh được hành vi của người vi phạm. Như vậy, sẽ rất khó để xử lý các trường hợp hàng rong, đánh giầy vi phạm.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng thừa nhận, không chỉ riêng Hà Nội mà đâu đó cũng xảy ra tình trạng chặt chém, kinh doanh theo kiểu bắt ép du khách. “Người dân ở các địa điểm du lịch như khu phố cổ văn hóa ứng xử phải được nâng lên bằng cách vận động, tuyên truyền”, ông Tiến nói.

Thiếu tá Tống Đăng Công - Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, vấn nạn này tồn tại từ lâu, hình ảnh về du lịch Thủ đô xấu đi trong mắt người nước ngoài. Trên thực tế, nhiều năm qua, lực lượng công an chưa nhận được trình báo, tố giác trực tiếp nào của bị hại nước ngoài. Việc không có bị hại trực tiếp khiến công tác củng cố hồ sơ, nhân chứng để đưa ra quyết định xử phạt hành vi trước pháp luật gặp nhiều khó khăn. “Thời gian tới, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ bổ sung trinh sát theo dõi xử lý triệt để tình trạng “chặt chém” du khách”, thiếu tá Công nói. 

Đại diện Sở VH-TT cho hay, phản ánh của khách du lịch qua đường dây nóng chủ yếu tập trung vào: giá tour cao, giá taxi “chặt chém”, báo mất đồ… Chưa có vụ việc nào liên quan đến tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách!

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.