Hoàn Kiếm phát triển kinh tế đêm:

Du khách đến Hà Nội không lo phải 'ngủ sớm'

Trải nghiệm du lịch Hà Nội về đêm là nhu cầu của hầu hết các du khách khi đến Thủ đô. Ảnh: Duy Phạm
Trải nghiệm du lịch Hà Nội về đêm là nhu cầu của hầu hết các du khách khi đến Thủ đô. Ảnh: Duy Phạm
TP - Quận Hoàn Kiếm vừa chính thức mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ kết nối với phố đi bộ Hoàn Kiếm mỗi cuối tuần. Đây được coi là một bước quan trọng để quận thực hiện đề án phát triển kinh tế đêm, nhằm tận dụng tối đa những thế mạnh hiện có, tạo thành động lực phát triển mới. 

Tiềm năng lớn

Thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn. Theo UBND quận, Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hoá Thăng Long - Hà Nội, hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng. Theo thống kê, trên địa bàn quận hiện có có 190 di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước như Di tích danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn (di tích quốc gia đặc biệt); Khu phố cổ Hà Nội (di tích Quốc gia) với các sản phẩm vật thể và phi vật thể như đền Bạch Mã – một trong Thăng Long tứ trấn, chùa Quán Sứ, nhà cổ 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Vua Lê đăng quang,...; khu phố cũ với nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, tôn giáo lớn có giá trị cao trước 1954 như Nhà hát Lớn, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Nhà thờ Lớn…; có các không gian sáng tạo đã phát triển thành các sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các Không gian đi bộ trong Khu phố cổ, Không gian bích họa phố Phùng Hưng, con đường nghệ thuật Phúc Tân, tuyến phố ẩm thực đêm Tống Duy Tân - Cấm Chỉ,...  

Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm còn có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng du khách trẻ đông, tập trung tại các khu vực phố cổ, phố cũ có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn tăng nhanh, như năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt; năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt; năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt. Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Hơn nữa, khách quốc tế từ các nước như châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan,… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm, do vậy, mong muốn sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm đến du lịch.

Quận Hoàn Kiếm nhận định kinh tế đêm đã hình thành ở quận từ nhiều năm nay, dưới các loại hình như các không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố,… vào ban đêm. Một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Hoàn Kiếm. Một số hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn quận được triển khai trong thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định, có đóng góp tích cực trên các khía cạnh: phát triển kinh tế du lịch, thu hút và tăng mức chi tiêu của du khách; nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tăng thu ngân sách quận; tạo việc làm cho người lao động; phát triển ngành ẩm thực, giải trí; quảng bá hình ảnh, văn hóa... dần hình thành không gian du lịch hoàn chỉnh, chất lượng cao, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Tuy thế, hoạt động kinh doanh đêm chưa mang tính bền vững, chất lượng chưa cao. Tình trạng ở nhiều điểm du lịch, một số cơ sở/cá nhân kinh doanh đêm, đặc biệt là cung cấp dịch vụ ăn uống và vận chuyển còn hoạt động thiếu chuyên nghiệp và trong nhiều trường hợp còn “chặt chém” du khách; các phố ẩm thực đêm chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời các tiêu chuẩn vệ sinh đô thị cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ.

Ðồng bộ, bền vững

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, theo đề án, phạm vi hoạt động kinh tế đêm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí gồm các không gian đi bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nhà hát, rạp chiếu phim, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các quán “bar”, karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, internet,...; dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán cà phê, thức ăn đường phố, các tuyến phố ẩm thực,...Dịch vụ mua sắm tại các chợ, khu mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... Cùng với đó là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sauna, massage, spa…; dịch vụ lưu trú, lữ hành, thăm quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc,...Để đề án phát huy hiệu quả, quận sẽ tiếp tục triển khai tại hồ Hoàn Kiếm, triển khai hệ thống chiếu sáng đặc sắc như chiếu sáng theo mùa, chiếu sáng kỳ cuộc, chiếu sáng vào các ngày cuối tuần phục vụ không gian đi bộ. Cùng với đó, triển khai các hoạt động lễ hội đường phố lớn hội tụ các vùng miền của quốc gia và Thủ đô tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực, các hoạt động đặc sắc để trở thành “điểm đến” của du lịch thành phố.

Du khách đến Hà Nội không lo phải 'ngủ sớm' ảnh 1 Phố Tạ Hiện là điểm đến yêu thích của các bạn trẻ Hà Nội vào mỗi buổi tối. Ảnh: Duy Phạm

Với các không gian đi bộ trong Khu phố cổ, quận tiếp tục tập trung củng cố làm mới nội hàm, tăng cường các hoạt động giá trị, chất lượng, khai thác giá trị du lịch di sản kết hợp với các hoạt động ẩm thực, chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật, các hoạt động vui chơi giải trí như phát triển ẩm thực tại khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua gắn với thương hiệu văn hóa của Chợ Đồng Xuân; quy hoạch, sắp xếp lại các hoạt động thương mại tại tuyến phố thương mại, du lịch Hàng Đào - Hàng Giấy theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố. Quận cũng phát triển Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng- Gầm Cầu để tổ chức Không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực…

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, với việc phát triển kinh tế đêm, các hoạt động kinh doanh dịch vụ được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần, trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thời gian hoạt động theo quy định của pháp luật. Các Không gian đi bộ trong Khu phố cổ, Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu tổ chức đồng bộ với thời gian tổ chức Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, từ 19h00 ngày Thứ sáu đến 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần. Các hoạt động ngoài trời tổ chức đến 24h00. Các điểm di tích phục vụ du lịch cũng mở cửa đến 24h00. “Trong giai đoạn 1, từ 1/9/2020 đến 31/8/2021, quận tập trung phát triển các Không gian động lực cho kinh tế đêm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế đêm toàn diện trên toàn địa bàn quận. Giai đoạn 2, từ 1/9/2021, quận phát triển kinh tế đêm toàn diện trên địa bàn quận, nghiên cứu đề xuất thí điểm mở rộng thời gian kinh doanh đối với các ngành nghề có quy định về thời gian hoạt động như karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, dịch vụ internet”, ông Long nói.

Trao đổi trên báo chí về kinh tế đêm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm cần được quan tâm bởi nó góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch, mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế của đất nước. Ông Doanh cho biết, trên thực tế, kinh tế ban đêm cũng xuất hiện tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam như Hà Nội có phố Tạ Hiện, TPHCM có phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành... Một số địa phương cũng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới nhiều hình thức như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung còn đơn điệu. Theo ông Doanh, để khai thác tối đa kinh tế ban đêm cần có khuôn khổ pháp luật và khuyến khích văn hóa lành mạnh để có thể phát triển.

MỚI - NÓNG