Đục thông 'điểm nghẽn' vắt qua 3 nhiệm kỳ trên trục Văn Cao - Hồ Tây

Ách tắc mặt bằng tại dự án đường Văn Cao vừa được đục thông ra Hồ Tây. Ảnh: Trọng Đảng
Ách tắc mặt bằng tại dự án đường Văn Cao vừa được đục thông ra Hồ Tây. Ảnh: Trọng Đảng
TPO -   Sau các lần tổ chức họp và vận động, vướng mắc mặt bằng dự án đường Văn Cao - Hồ Tây vừa được giải quyết. Đây là dự án mở rộng đường đã trải qua 3 nhiệm kỳ lãnh đạo Hà Nội nhưng vẫn chưa xong và đã được báo Tiền Phong đề cập loạt bài “Ách tắc đầu tư công Hà Nội - Vì sao?” đăng tháng 5 vừa qua. 
         

Ghi nhận của PV Tiền Phong, tuy chỉ dài 300 mét nhưng dự án đường Văn Cao - Hồ Tây (nối tiếp với trục đường Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai) thi công 13 năm nay chưa xong. Nguyên nhân chính khiến dự án phải giậm tại chỗ là do vướng nhà của 84 hộ dân tại đoạn cuối gần giao với đường ven Hồ Tây (dài khoảng 70m).

Sau khi báo Tiền Phong phản ánh sự việc, toàn bộ mặt bằng dự án trên đã được UBND quận Tây Hồ giải phóng xong. Đoạn dự án bị tắc bởi nhà của 84 hộ dân đã được giải phóng và nối mặt bằng công trình thông suốt ra thẳng đường ven Hồ Tây. Hiện các đơn vị thi công đã tiếp nhận mặt bằng và hoàn thiện tuyến đường theo quy hoạch.

Thông tin về việc này với PV Tiền Phong, ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND quận Tây Hồ cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây được triển khai theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội ký tháng 4/2007. Dự án được giao cho Sở Giao thông công chính (nay là Sở GTVT) Hà Nội thực hiện.

"Để có mặt bằng thi công, dự án phải giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 47.200 m2 đất thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ và phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Số diện tích này đang được 373 hộ dân và 8 tổ chức sử dụng. Với quận Tây Hồ phải giải phóng tổng diện tích là hơn 40.100 m2", ông Cường nói.

Theo ông Cường, tính đến đầu năm 2020, quận Tây Hồ đã thực hiện việc thu hồi đất của 289 hộ dân nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi tiến hành thu hồi đất của 84 hộ dân trong khu tập thể Bộ Tư lệnh Công Binh với diện tích đất thu hồi khoảng 4.000 m2 thì gặp nhiều khó khăn do người dân phản ứng, khiếu kiện.

Thông tin cụ thể việc này, ông Cường cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện các hộ liên tục có kiến nghị về chỉ giới quy hoạch của dự án, chưa dồng thuận với đơn giá bồi thường về đất. Người dân cho rằng, giá đất thị trường từ 150 triệu đến 200 triệu/m2 nhưng giá dự án được đền bù chỉ 30 đến 50 triệu/m2 khiến người dân quá thiệt thòi. Cùng với đó, người dân đề nghị được miễn giảm nghĩa vụ tài chính; yêu cầu đối thoại với UBND thành phố để được giải đáp các thắc mắc, kiến nghị...

"Trong suốt hơn 10 năm qua, đại diện các phòng chức năng và UBND quận Tây Hồ đã tổ chức nhiều buổi làm việc, đối thoại và trả lời nhiều đơn thư, kiến nghị của người dân. Cùng với đó, liên tục tổ chức họp đối thoại, giải thích, ghi nhận kiến nghị để các hộ dân hiểu, chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước. Với các hộ dân vẫn bất hợp tác, UBND quận Tây Hồ đã phải tổ chức một số cuộc cưỡng chế", ông Cường thông tin.

Đục thông 'điểm nghẽn' vắt qua 3 nhiệm kỳ trên trục Văn Cao - Hồ Tây ảnh 1 Vị trí nhà của 84 hộ dân vừa được di dời sau 13 năm dự án giậm chân tại chỗ Ảnh: Trọng Đảng

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Tây Hồ cho biết, nhờ các giải pháp trên, đến cuối tháng 6 vừa qua, 84 hộ dân đã chấp thuận phương án di dời, nhận tiền đền bù và nhà tái định cư, giao mặt bằng cho dự án. Quận Tây Hồ hoàn thành kế hoạch GPMB tại dự án theo kế hoạch và tiến độ Thành phố yêu cầu.

Trước đó, trong loạt bài “Ách tắc đầu tư công Hà Nội - Vì sao?” báo Tiền Phong đã đề cập đến dự án đường Văn Cao - Hô Tây chậm tiến độ, chậm giải ngân và tăng tổng mức đầu tư. Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 4/2007 với mục tiêu: Xây dựng tuyến đường kết nối thông suốt từ đường Láng - Hòa Lạc đến Hồ Tây, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, phục vụ khai thác du lịch quanhHồ Tây có hiệu quả nhất…

Dự án có thời gian thi công 1 năm, tuy nhiên, đến tháng 5/2020 (tròn 13 năm và trải qua 3 nhiệm kỳ lãnh đạo thành phố) dự án vẫn chưa xong, tổng mức đầu tư công của dự án ban đầu là 372 tỷ đồng đến nay đã tăng lên hơn 600 tỷ đồng. Trao đổi với PV Tiền Phong sau khi tuyến bài được đăng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn đều cho biết, trong tháng 6 sẽ quyết tâm giải phóng xong mặt bằng và trong năm nay sẽ thông xe toàn bộ dự án. 

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.