Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn:

Giải bài toán khó cho rác thải tại Hà Nội

Phối cảnh dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn
Phối cảnh dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn
TP - Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội được coi là giải pháp ưu việt giúp xử lý tình trạng quá tải rác tại Thủ đô. Rác từ chỗ bị coi là phế thải nay trở thành tài nguyên, nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị lớn nhất của cả nước, đồng thời Hà Nội hiện đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn, đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước, đã và đang tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiện đại, công nghệ cao và phát triển bền vững.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đưa ra yêu cầu lớn hơn đối với bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt đang trở nên vô cùng cấp bách.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, trung bình mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt.

Thế nhưng hiện nay quy mô Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn rất lớn (riêng giai đoạn 1 đang vận hành đã ngốn tới 83,5 ha đất) nhưng công nghệ xử lý chỉ là chôn lấp, và việc chôn lấp đến nay đã sắp quá tải, nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ buộc phải đóng bãi vào cuối năm 2020. Song song với vấn đề này, các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện đã lạc hậu, thường xuyên xảy ra hư hỏng.

Phương pháp chôn lấp rác truyền thống không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đó chính là rác. Việc bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết hiện nay tại Việt Nam cũng như tại thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2017.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường cho biết, Thủ tướng đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng chỉ thị của Thủ tướng về giải pháp cấp bách trong xử lý rác thải sinh hoạt. Trong đó nêu định hướng đối với các thành phố lớn có lượng rác phát sinh nhiều thì khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại như đốt phát điện hay đốt lấy năng lượng.

Hà Nội đang đầu tư Nhà máy điện rác tại Nam Sơn với công suất xử lý 4.000 tấn/ngày đêm. “Khi nhà máy này được xây dựng xong, nó sẽ thúc đẩy việc xử lý rác, công nghệ mới cũng giúp giảm mùi hôi, ô nhiễm. Nhờ đó, bài toán rác thải của Thủ đô cũng sẽ được giải quyết”, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho hay.

Giải bài toán khó cho rác thải tại Hà Nội ảnh 1

Công nghệ xử lý rác đạt chuẩn EU

Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội, với công suất xử lý rác thải sinh hoạt 4.000 tấn/ngày đêm, chiếm 50 - 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của thành phố Hà Nội; công suất phát điện 75MW. Nhà máy điện rác Sóc Sơn là dự án có quy mô xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công suất phát điện lớn hàng đầu thế giới. Nhà máy dự kiến hoàn thành, bắt đầu tiếp nhận, xử lý rác và hòa lưới điện vào tháng 12/2020, thực hiện mục tiêu xử lý triệt để, lâu dài, hiệu quả rác thải sinh hoạt của Thủ đô Hà Nội.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội thông minh, bền vững; có ý nghĩa đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với định hướng phát triển bền vững do Chính phủ Việt Nam đề ra.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng; với mục tiêu xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ xuất xứ từ châu Âu, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam. Với công nghệ lò đốt ENERGIZE@ ghi lò cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, kiểu Waterleau của Bỉ với phân đoạn 3 vùng đốt. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt điện để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng. 

Đáng chú ý, hệ thống ACC thiết bị điều khiển đốt tự động áp dụng các hình thức điều khiển đốt khác nhau tùy theo nhiệt trị rác thải và tổ hợp phân loại rác thải, đảm bảo rác thải được đốt cháy hoàn toàn, để quá trình đốt rác đạt hiệu quả tối ưu, sản lượng hơi ổn định, thời gian giảm nhiệt tro xỉ đạt chuẩn.

Công nghệ hệ thống xử lý khí thải, đồng bộ bao gồm “SNCR + thiết bị bán ướt cải tiến + than hoạt tính + thiết bị lọc bụi kiểu túi”, có thể hấp thu các chất độc hại trong khí thải như dioxin, thủy ngân, Nox… có thể đạt tiêu chuẩn phát thải của EU.

Chủ đầu tư thực hiện dự án gồm liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Sóc Sơn (6%); Công ty Perfect Wave Holdings Limited (0,1%) và Công ty Europe Tianying BVBA (93,9%, Công ty BVBA được thành lập bởi tập đoàn Urbaser).

Urbaser là một tập đoàn được thành lập vào năm 1990 và thuộc sở hữu của FIRION INVESTMENT, là công ty dẫn đầu thị trường về dịch vụ quản lý chất thải và môi trường. Hoạt động kinh doanh gồm có: Dịch vụ vệ sinh đường phố và bãi biển; Thu gom chất thải rắn đô thị; Xử lý, tái chế và tận thu chất thải đô thị; Bảo trì công viên và vườn; Quản lý chu trình nước trọn gói. 

Urbaser sở hữu công nghệ dịch vụ môi trường đô thị hàng đầu thế giới. Rác thải sinh hoạt được xử lý và thu hồi năng lượng để phát điện bằng công nghệ lò đốt ENERGIZE@ (Waterleau của Bỉ) tiên tiến nhất thế giới. Tập đoàn có chức năng nghiên cứu phát triển và sản xuất chế tạo thùng rác thông minh, xe chở rác và xe trung chuyển…, có dịch vụ đẳng cấp thế giới về vệ sinh thông minh, dịch vụ xử lý chất thải rắn đô thị, dịch vụ tái chế tài nguyên, công nghiệp tái tạo và dịch vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các dịch vụ liên quan khác.

Công ty tập đoàn là một trong 3 tập đoàn lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực dịch vụ môi trường đô thị và năng lượng mới bảo vệ môi trường, đã niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế.

Hiện tại ở Việt Nam, Tập đoàn Urbaser đang nghiên cứu, phát triển giải pháp xử lý môi trường khép kín, xây dựng chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh từ khâu phân loại tại nguồn; xử lý môi trường thông minh; chế tạo thiết bị; xử lý đốt rác đầu cuối. Tập đoàn luôn đưa ra các phương án xử lý môi trường, cung cấp các giải pháp xử lý môi trường khoa học và tiên tiến nhất thế giới trên nguyên tắc tái chế và tái sử dụng. Đội ngũ châu Âu chịu trách nhiệm quản lý dự án, tuyển dụng nhân sự tại chỗ cho dự án, bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường. Đại diện Tập đoàn cho biết: “Chúng tôi sẽ bồi dưỡng cho Việt Nam một lực lượng lao động tài năng về bảo vệ môi trường ở đẳng cấp quốc tế, nâng cao năng lực và góp phần đưa trình độ kỹ thuật trong công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam sánh ngang tầm thế giới”.

Ngoài dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Tập đoàn URBASER còn có các dự án đốt rác phát điện với công nghệ hiện đại tại Phú Thọ, Thanh Hóa. Mỗi dự án có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày, đêm. Nhà máy điện rác Phú Thọ sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021; Nhà máy tại Thanh Hóa hiện đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Với mong muốn cung cấp công nghệ, dịch vụ tiêu chuẩn và hiệu quả nhất cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, năm 2017,  Tập đoàn Urbaser đã đến Việt Nam và đầu tư dự án Hà Nội, với kinh nghiệm hoạt động tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 700 cơ sở xử lý chất thải rắn trên toàn thế giới, công suất xử lý rác thải khoảng 50.000 tấn/ngày, với hơn 80 nghìn nhân viên, trong đó có 40 nghìn nhân viên châu Âu. Có viện nghiên cứu và viện thiết kế tại Brussels – Bỉ, Barcelona – Tây Ban Nha, Thượng Hải và Ottawa – Canada với hơn 1.200 kỹ thuật viên cao cấp trong toàn bộ chuỗi trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

MỚI - NÓNG