Giảm điểm ùn tắc, tăng kết nối ngoại thành

Cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc, một trong nhóm 09 công trình cầu vượt thép xóa điểm đen ùn tắc sau khi được thông xe. Ảnh: T.Ðảng.
Cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc, một trong nhóm 09 công trình cầu vượt thép xóa điểm đen ùn tắc sau khi được thông xe. Ảnh: T.Ðảng.
TP - Trước thời điểm Hà Nội mở rộng (năm 2008) giao thông, đi lại chỉ tập trung vào các quận trung tâm, tuy nhiên đến nay, bằng việc phát triển hạ tầng đồng bộ và thực hiện tốt các quy hoạch giao thông, lượng phương tiện đang được phân bố đều cho các khu vực Hà Nội. Cùng với đó, số điểm ùn tắc từ 124 vào năm 2010 đến nay chỉ còn 37 điểm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Đánh giá những phát triển của giao thông trong 10 năm qua, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách và cả mặt hạn chế, nhưng từ năm 2008 đến nay sau khi Hà Nội được mở rộng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Sở GTVT đã huy động tổng hợp các nguồn lực để tổ chức thực hiện, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng GTVT trên địa bàn toàn thành phố.

Với phát triển kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. Trong các công trình này phải kể đến 6 tuyến cao tốc kết nối vùng, trong đó Thủ đô là trung tâm; từng bước hoàn thiện các tuyến đường vành đai, trong đó có đường Vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; Vành đai 2, đoạn cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên cầu đoạn; Vành đai 3; Vành đai 3,5, đoạn Lê Trọng Tấn - Văn Phú; Vành đai 5; Các trục đô thị chính, như: đường 5 kéo dài, Quốc lộ 32, đường  Nhật Tân - Nội Bài; Mở rộng cảng hàng không Quốc tế Nội Bài T2; Nhóm 09 công trình cầu vượt thép trên các tuyến đường trục chính quan trọng; Mở rộng Bến xe khách Mỹ Đình… Hiện nay, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đang  tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng, trong đó phải kể đến tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông); tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Sở); Tuyến đường vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); Cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên…

Giảm điểm ùn tắc, tăng kết nối ngoại thành ảnh 1

Sự phân luồng chủ động, tích cực của Thanh tra giao thông đã xóa bỏ nhiều điểm ùn tắc.

Trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, hiện nay thành phố đã có 112 tuyến, với sản lượng trên 430 triệu lượt hành khách/năm. So với năm 2008, số lượng tuyến đã tăng 64%; đặc biệt trong các năm 2017 - 2018, bằng việc đầu tư, mở rộng các tuyến buýt mới ra khu vực ngoại thành, các huyện nằm xa trung tâm, buýt của thành phố đã phủ kín 30 quận huyện, mức độ bao phủ của xe buýt hiện nay đã đạt 69,5% diện tích dân cư. Đặc biệt, đầu năm 2017, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến buýt BRT 01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã, đây là tuyến xe buýt nhanh được triển khai đầu tiên trên địa bàn cả nước và đã thực sự phát huy hiệu quả sau hơn 1 năm đưa vào vận hành; tiếp đó cuối tháng 5/2018 Sở GTVT đã chấp thuận đưa vào thí điểm tuyến xe buýt hai tầng cao cấp, mở mui (Hanoi City Tour) nhằm phục vụ phát triển du lịch Thủ đô. Cũng nhằm đa dạng hóa đoàn phương tiện xe buýt, từng bước giảm ô nhiễm môi trường, đầu tháng 8 vừa qua, Sở GTVT cũng chấp thuận đưa vào vận hành thí điểm 3 tuyến xe buýt được mở mới bằng việc sử dụng xe nhiên liệu sạch - CNG…

Giảm 70% số điểm ùn tắc

Trên lĩnh vự quản lý, tổ chức, đảm bảo giao thông, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho hay, Sở đã tham mưu cho thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Đơn cử, triển khai đầu tư hoàn thành hàng loạt các công trình giao thông đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có 12 công trình cầu yếu; 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh… Tăng cường công tác duy tu, duy trì; Triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể; Thực hiện thành công và có hiệu quả công tác điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến của các tuyến xe khách liên tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ GTVT phê duyệt góp phần quan trọng trong việc hạn chế ùn tắc giao thông khu vực nội đô.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh). Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành và tổ chức giao thông, xử lý vi phạm về giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe (IPARKING) nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe; lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi giao thông và xử lý vi phạm giao thông cho gần 200 nút giao thông trọng điểm. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và tuần tra, xử lý vi phạm cũng được Thanh tra giao thông Sở GTVT chú trọng; từ chỗ “trắng” lực lượng Thanh tra chuyên ngành trước năm 2008, đến nay tất cả các huyện mở rộng Hà Nội đã có Đội Thanh tra giao thông, đảm bảo việc đi lại tại đây.

Giảm điểm ùn tắc, tăng kết nối ngoại thành ảnh 2

Ðể đa dạng hóa đoàn phương tiện, đầu tháng 8 vừa qua, lãnh đạo thành phố, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã khai trương 3 tuyến buýt CNG đầu tiên.

Từ các giải pháp đầu tư, thực hiện đồng bộ trên, GTVT Thủ đô trong 10 năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Quỹ đất dành cho giao thông tăng trưởng trung bình từ 0,28% đất đô thị/năm, theo đó năm 2010 (mới chỉ đạt khoảng 7% đến năm 2017 đã đạt khoảng 8,96%; Số điểm ùn tắc giao thông năm 2010 là 124 điểm, đến nay chỉ còn 37 điểm (giảm 70%); Số vụ tai nạn giao thông năm 2013 là 2.252 vụ nhưng đến năm 2017 là 1.448 vụ (giảm 37%). “Kết quả đạt được như đã nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô sau 10 năm mở rộng”, ông Viện nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG