Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI

Giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng

Lung linh sắc màu cầu Nhật Tân. Ảnh: Như Ý
Lung linh sắc màu cầu Nhật Tân. Ảnh: Như Ý
TP - Với 89 điểm ùn tắc năm 2012, sau ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giai đoạn 2012 - 2015, bức tranh giao thông Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét khi số điểm ùn tắc hiện nay chỉ còn 51 điểm (giảm 57%). Cùng với đó, việc đi lại, kết nối vùng giữa Thủ đô với các tỉnh bạn, trung tâm đô thị vệ tinh cũng trở nên thuận lợi hơn.

Cầu vượt nhẹ, đường cao tốc tạo đột phá

Được liệt vào những điểm đen ùn tắc nhất Thủ đô, hơn bốn năm trước, việc đi lại tại các nút giao thông như Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng… vào giờ cao điểm là nỗi ám ảnh với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2012 điều nay đã trở thành “chuyện xưa” khi hai nút giao thông trên có sự hiện diện của cầu vượt nhẹ. Với tổng mức đầu tư 132 tỷ đồng cho cả hai cầu vượt (bằng 1/10 kinh phí xây cầu vượt Ngã Tư Sở - thông xe năm 2006), sau khi đi vào sử dụng cầu vượt nhẹ tại hai nút trên đã tỏ rõ hiệu quả khi ùn tắc tại đây được xóa bỏ. PGS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng Khoa Công trình - Trường Đại học GTVT, đại diện nhóm nghiên cứu xây dựng cầu vượt lắp ghép Tây Sơn, Láng Hạ cho biết, trước khi thành phố Hà Nội “đặt hàng” nhóm ông nghiên cứu, dư luận đã có những ý kiến trái chiều, tuy nhiên trước sức ép về giao thông và sự cơ động của cầu vượt theo công nghệ lắp ghép, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm giao nhóm ông lập thiết kế. “Khi cầu được các ban ngành của thành phố Hà Nội xây dựng, đưa vào sử dụng, ngoài phá kỷ lục về tiết kiệm chi phí, thời gian thi công, cầu đã tỏ rõ hiệu quả khi xóa hoàn toàn điểm đen ùn tắc trong nhiều năm. Đây cũng là hai cây cầu vượt lắp ghép có kết cấu thép lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam”, PGS.TS Bùi Xuân Cậy đánh giá.

Với quy mô lớn hơn, kết cấu chịu tải cho cả ô tô buýt lưu thông, trong các năm 2013, 2014, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục được thành phố Hà Nội  giao xây dựng, đưa vào sử dụng thêm 5 cầu vượt lắp ghép, trong đó có cầu tại các nút giao lớn như Nguyễn Chí Thanh - Láng, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (nút Daewoo), nút giao Nam Hồng (đường Bắc Thăng Long - Nội Bài)… để xóa các “điểm đen” về ùn tắc trên địa bàn thành phố.

Trên lĩnh vực tổ chức, điều hành giao thông, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cùng với đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt nhẹ, trong ba năm vừa qua, thành phố đã giao cho Sở tổ chức phân làn, phân luồng phương tiện trên 25 tuyến phố; cải tạo 37 vị trí nút giao cắt và  đưa vào hoạt động Trung tâm đèn tín hiệu giao thông… đã nâng cao được khả năng lưu hành và xóa được nhiều điểm đen ùn tắc. Vận tải giao thông công cộng bằng xe buýt cũng không ngừng tăng trưởng và sắp có thêm loại hình vận chuyển khối lớn là xe buýt nhanh (BRT) - chạy tuyến Kim Mã đến - bến xe Yên Nghĩa. Giao thông tĩnh cũng có tính bước ngoặt khi thành phố lần lượt đưa vào sử dụng các điểm đỗ xe cao tầng chiếm ít diện tích nhưng lại tăng công suất gấp nhiều lần, như Nguyễn Công Trứ, Trần Nhật Duật...

Với khu khu vực ngoại thành và các tỉnh, đô thị vệ tinh, ông Tân cho rằng, việc đi lại hiện nay cũng rất dễ dàng và mang tính kết nối cao. Ông Tân dẫn chứng, nếu mấy năm trước từ trung tâm Hà Nội ra khu vực sân bay Nội Bài phải vòng ra tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài với chiều dài trên 30 km, nhưng từ tháng 1/2015 đến nay, việc đưa vào sử dụng công trình cầu Nhật Tân và đường từ cầu Nhật Tân đi Nội Bài quảng đường này được rút ngắn chỉ còn 15km. Tương tự, từ Hà Nội tỏa đi các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng (phía Đông); Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai (phía Bắc); Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa (phía Nam)… cũng được “kéo gần khoảng cách” khi các tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình được lần lượt đưa vào sử dụng.

Hạ tầng, tổ chức giao thông là then chốt

Đánh giá về hiệu quả của việc đưa vào sử dụng đường cao tốc giữa Hà Nội với các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, với quãng đường từ thành phố Ninh Bình đi Hà Nội dài 90 km, trước đây khi đi dự họp Chính phủ vào các buổi sáng ông thường phải đi từ chiều hôm trước, nhưng từ khi tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình đưa vào sử dụng, quãng đường này ông chỉ đi trước cuộc họp hơn một giờ là đến Hà Nội.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá, giải phóng mặt bằng là khâu quyết định đến tiến độ và hiệu quả của dự án giao thông. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có cơ chế giải quyết linh hoạt việc này. Điều đó giúp cho các dự án giao thông trọng điểm được Bộ GTVT triển khai trên địa bàn Hà Nội rất thuận lợi, tiêu biểu như dự án đường Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga T2, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đường trên cao vành đai 3…

Giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng ảnh 1

Đường trên cao vành đai 3, một trong 6 tuyến đường cao tốc tạo đột phá giao thông Hà Nội. Ảnh: Trọng Đảng

Đề cập đến các nhiệm vụ phát triển giao thông Thủ đô trong thời gian tới, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết: Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 - 2015 đã có những kết quả vượt bậc nên HĐND thành phố vừa giao UBND thành phố tiếp tục xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giảm thiểu ùn tắc giao thông trên giai đoạn 2016 - 2020. Để thực hiện tốt nội dung trên, thành phố xác định trọng tâm vẫn là cải tạo, xây dựng hạ tầng và nâng cao công tác quản lý, tổ chức giao thông. Bên cạnh đó, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà quy hoạch đã đề ra, trong đó có việc di chuyển các trụ sở trường học, bệnh viện ra ngoài, không phát triển, xây dựng thêm các nhà cao tầng trong khu vực nôi đô…

Với giải pháp phát triển hạ tầng, tổ chức giao thông, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, trong 5 năm tới thành phố sẽ phải giảm tối đa trong tổng số 51 điểm ùn tắc giao thông còn lại. “Để thực hiện được nhiệm vụ này, từ nay thành phố giao Sở GTVT cải tạo 50 tuyến đường, nút giao; lắp đặt 56 nút đèn tín hiệu. Về xây dựng hạ tầng, thành phố lên kế hoạch lắp đặt 10 dàn Benley (cầu sắt) vượt qua sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; xây thêm 10 cầu vượt cho người đi bộ qua đường tại các vị trí giao cắt lớn để giảm xung đột”, đại diện UBND thành phố nói.

Đối với biện pháp cấp bách hiện nay, liên ngành Sở GTVT - Công an phải xử lý dứt điểm những điểm ùn tắc giao thông do công trường thi công gây ra, trong đó có các tuyến đường như Nguyễn Trãi - Trần Phú, Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Bưởi…

7 cầu vượt và 6 tuyến cao tốc đột phá giao thông Hà Nội

Cầu vượt: Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh - Láng, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (nút Daewoo), Lê Văn Lương - Láng, nút giao Nam Hồng (đường Bắc Thăng Long - Nội Bài), Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. 6 tuyến cao tốc: Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đường trên cao vành đai 3, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Nhật Tân - Nội Bài.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.