GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Sao lại trồng phượng trên dải phân cách?

TP - Trước việc, Hà Nội trồng phượng trên dải phân cách nhiều tuyến phố, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng đó là điều rất bất hợp lý.

Chiều 4/7, Cty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội có cuộc gặp với báo chí nhằm lý giải việc trồng hàng loạt cây phượng có đường kính lớn trên dải phân cách giữa của nhiều tuyến phố Thủ đô. 

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội (gọi tắt là Cty cây xanh Hà Nội), việc triển khai trồng cây phượng trên các tuyến phố vừa qua của đơn vị là nằm trong kế hoạch thực hiện trồng mới 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020 của thành phố Hà Nội.

“Cây phượng đang được trồng trên các tuyến phố là một trong những cây nằm trong danh mục cây xanh đô thị. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã trồng được khoảng hơn 300 cây phượng ở dải phân cách giữa 2 làn đường tại các tuyến phố như Kim Liên - Xã Đàn, Hoàng Cầu, Đại Cổ Việt-Trần Khát Chân, đầu đường Giải Phóng… Kế hoạch trồng tiếp như nào thì chúng tôi sẽ khảo sát tiếp tại các tuyến phố, nếu đủ các điều kiện sẽ tiếp tục triển khai”, ông Hưng nói.

“Với đường kính của cây phượng hiện nay, khoảng 20cm, thay vì như các loại cây trồng trước đây là 12cm, chỉ tầm này năm sau đường phố Hà Nội sẽ có hoa phượng nở. Còn nếu nói là sợ nấm mốc xâm nhập, khi trồng tuân thủ đúng kỹ thuật thì không vấn đề gì”, ông Hưng nói.

Vị này cho biết, việc trồng ở dải phân cách giữa có ưu điểm như ít công trình ngầm, cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường. Ngoài việc trồng cây ở dải phân cách giữa thì tại các tuyến phố khảo sát nếu còn chỗ để trồng cây xanh trên vỉa hè thì cũng sẽ tiếp tục triển khai. Còn chọn chủng loại cây nào cho từng tuyến phố đã được nhiều đơn vị liên quan tính toán kỹ.

Trả lời câu hỏi, phượng là cây thân mềm dễ gẫy đổ khi có mưa bão, về mùa lá rụng sẽ rất bẩn cho đô thị? Theo ông Hưng: “Nói phượng rụng lá nhiều thì các loại cây khác cũng rụng lá không kém, lá rụng đã có công nhân môi trường dọn vệ sinh hàng ngày nên không ngại vấn đề này.

 Các tỉnh như Hải Phòng, Đà Nẵng cũng đã trồng phượng, mà các tỉnh này gần biển nếu có mưa bão thì địa phương này còn chịu ảnh hưởng mạnh hơn nhiều so với Hà Nội. Hơn nữa, để hạn chế cây bị gẫy đổ chúng tôi sẽ tiến hành cắt tỉa cành thường xuyên”. 

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, dải phân cách có không gian rất hẹp, rễ cây khó phát triển vì ở đây toàn đất đá, vật liệu, phế phẩm dư thừa khi làm đường đổ vào. 

Hơn nữa, không gian này có thể biến đổi theo thời gian, nhất là khi giao thông chật chội có thể thu hẹp dải phân cách để mở rộng đường. Trong khi hoa phượng đỏ là một cây cổ thụ, cây lâu năm mà Hà Nội lại trồng vào vị trí không đủ không gian sống, không ổn định là không hợp lý. Phượng trồng ở trên vỉa hè hợp lý hơn. 

Theo ông Đăng, đối với dải phân cách có thể trồng một số loài cây như hoa giấy ở Vĩnh Phúc; cây thông gió như ở Nha Trang… rất đẹp và không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

MỚI - NÓNG