Hà Nội: Ai cấp phép cho các công trình sai phạm trên đất công?

Hôm nay (17/5), UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ tổ chức cưỡng chế những công trình vi phạm trên đất của dự án cống hóa mương Nghĩa Đô nằm trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, ai đã cấp phép cho các công trình sai phạm này mọc lên?

Theo kết quả rà soát của UBND phường Quan Hoa, hiện trên đất của dự án có 42 công trình vi phạm trật tự đô thị. Chính quyền địa phương đã ra thông báo cưỡng chế, đồng thời vận động người dân tự nguyện phá dỡ từ tuần trước.

Ông Lê Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết: “Hiện tại có hơn chục công trình đã được Chủ đầu tư chủ động tháo dỡ và di dời khỏi phạm vi dự án. Bên cạnh đó, đại đa số người dân đã đồng tình chấp hành nội dung cưỡng chế.”

Ngoài các hộ vi phạm trật tự đô thị, những hộ kinh doanh không đúng với đăng ký cũng được UBND phường yêu cầu ngừng hoạt động.

Lần này, để cho tình trạng tái lấn chiếm không xảy ra, quận sẽ tổ chức cưỡng chế đến đâu, xây tường rào cao 3m đến đó.

Liên quan đến dự án này, ông Vũ Trung Kiên, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết, trước mắt quận sẽ xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên khu đất đó. Đồng thời, hiện quận cũng đang phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hướng dẫn, vận động thuyết phục các hộ kinh doanh chuyển, di dời địa điểm đi nơi khác.

Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe là một trong hai dự án cống hóa mương của Hà Nội được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận là có sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật về đất đai thì mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội trước đây đã ra quyết định cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính với thời hạn 20 năm và mương thoát nước Nghĩa Đô thời hạn 50 năm cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính. Điều này “vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận.

Về sai phạm của các doanh nghiệp, cũng theo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để "cống hóa" làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ, nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi "cống hóa" đã được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng, một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích. Điều này cũng “vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.”

Chưa hết, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về dùng quỹ đất sạch, quỹ đất 20% trong các khu đô thị và quỹ đất khác tương đương với giá trị công trình mà doanh nghiệp đã xây dựng trên mương thoát nước Phan Kế Bính để giao cho Công ty cổ phần Đa Quốc Gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và giao cho Công ty này làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính là không có cơ sở pháp luật, có nguy cơ thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Vậy ai là người đã mở đường cho các sai phạm ngang nhiên tồn tại trên đất công suốt những năm qua? Trả lời câu hỏi này, chiều tối ngày 16/5, đài truyền hình Hà Nội đưa tin, một trong những lý do khiến cho việc xử lý các công trình sai phạm ở dự án cống hóa mương Nghĩa Đô kéo dài nhiều năm mà không được xử lý triệt để là do một số công trình đã từng được sở Xây dựng cấp phép xây dựng, sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh.

Trước sự việc này, UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy, Sở Xây dựng, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra và xử lý, điều chỉnh để dự án trở về đúng với mục đích ban đầu.

VnMedia sẽ tiếp tục đưa tin đến bạn đọc về việc xử lý các công trình sai phạm tại dự án cũng như những cá nhân đã cấp phép sai quy định của pháp luật cho các công trình này.

Theo VnMedia
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...