Hà Nội: Bỡ ngỡ trong ngày đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Hà Nội: Bỡ ngỡ trong ngày đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Ngày 10/8, người dân tại 10 quận nội thành Hà Nội đã bắt đầu có thể thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, trích lục đăng ký khai sinh, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ... trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Giải quyết thủ tục nhanh gọn

Ghi nhận tại một số quận thực hiện DVCTT cho thấy, các đơn vị đều có sự chuẩn bị chu đáo. Nhiều người dân cảm thấy hài lòng với dịch vụ công trực tuyến này. Song, cũng có nhiều nơi việc tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng dịch vụ này là chưa cao; nhiều người dân vẫn chưa biết đến dịch vụ này. Bên cạnh đó một số cán bộ làm việc cũng còn nhiều bỡ ngỡ.

Để thực hiện được việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, trích lục đăng ký khai sinh, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ... trên hệ thống DVCTT người dân tại 144 phường thuộc 10 quận của Hà Nội (bao gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm và Hà Đông) có thể truy cập vào cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của thành phố Hà Nội tại địa chỉ http://egov.hanoi.gov.vn để sử dụng các dịch vụ mà không cần phải đi lại nhiều lần đến các phường để thực hiện như trước. Người dân chỉ phải đến các phường một lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả.

Tại bộ phận một cửa của UBND phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), ông Nguyễn Văn Hải, tổ dân phố Thượng Cát 3 đi làm giấy khai sinh cho cháu ngoại sau khi được các cán bộ và tình nguyện viên tư vấn rất kỹ càng, đầy đủ… hoàn thành xong việc xin cấp giấy khai sinh cho cháu một cách nhanh chóng, ông Hải hồ hởi nói: “Đổi mới thế này là rất tốt. Tôi mong Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng sang các dịch vụ công khác để nhàn hơn cho người dân, để người dân đỡ phải đi lại nhiều, vì mỗi lần đi lại là một ngày công của người dân”.

Ông Hải cho hay, những lần trước, khi đi làm các thủ tục tư pháp như vậy, ông thường phải đi lại nhiều lần để bổ sung giấy tờ, lúc thì là thiếu chứng minh thư, lúc thì cần thêm hộ khẩu…, rất lòng vòng. Một điểm mới nữa là thủ tục cấp giấy khai sinh giờ được rút gọn tiến trình giải quyết, từ 15 ngày xuống chỉ còn 5 ngày và người dân nếu cần sẽ được trả hồ sơ tại nhà.

Cần phải tuyên truyền nhiều hơn

Theo ghi nhận của PV cho thấy, trong ngày đầu tiên thực hiện DVCTT mức độ 3, nhiều quận các cán bộ chủ yếu giới thiệu và hướng dẫn cho người dân. Không có nhiều trường hợp thực hiện trực tuyến, chủ yếu là đến trụ sở làm trực tiếp.

Hà Nội: Bỡ ngỡ trong ngày đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến ảnh 1

Cán bộ trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) hướng dẫn người dân làm thủ tục sau khi đến làm thủ tục giấy tờ ngày 10/8.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, cán bộ phụ trách Cải cách hành chính phường Liễu Giai cho biết, trong ngày đầu tiên thực hiện nhiều người dân chưa biết đến DVCTT nên chưa thực hiện. “Do nhiều người dân còn chưa biết đến dịch vụ công, hôm nay chúng tôi chủ yếu giới thiệu và hướng dẫn cho người dân là có dịch vụ này để người dân biết được để lần sau có thể thực hiện, không cần đến tận nơi”, ông Tân nói.

Sau khi đi kiểm tra quá trình thực hiện DVCTT trên địa bàn quận, ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, nhiều người dân đã được các cánh bộ hướng dẫn tận tình về DVCTT để tuyên truyền cho nhiều người khác biết được. Trong ngày đầu vẫn không tránh khỏi nhiều bất cập, như nhiều cán bộ còn bỡ ngỡ, phần mền biểu hiện một số thiếu sót. Nhưng tình trạng này sẽ được khắc phục trong thời gian tới, hiện quận Ba Đình đã tổng hợp và báo cáo lên Sở TT-TT.

Theo thống kê, trong ngày đầu tiên thực hiện, quận Ba Đình có 19 hồ sơ, trong đó có 16 hồ sơ làm trực tiếp, 3 hồ sơ làm trực tuyến; tại quận Đống Đa đã có 3 hồ sơ chạy trên hệ thống một cửa trực tuyến; Bắc Từ Liêm có 5 hồ sơ, trong đó có hồ sơ nộp trực tuyến tại nhà.

Trao đổi với báo chí chiều 10/8, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT-TT cho biết: Trong ngày đầu triển khai, Sở TT-TT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, nhận thấy, lãnh đạo các quận, phường đã vào cuộc rất tích cực, đặc biệt là các cán bộ chuyên môn khối phường.

“Trực tiếp xuống địa bàn, chúng tôi cũng đã lắng nghe ý kiến của các cán bộ một cửa, cán bộ tư pháp, lãnh đạo phường.... Các địa phương đã phản ánh rất kịp thời các vướng mắc, trong đó có vấn đề về phần mềm, trang thiết bị, cách xuất báo cáo, tiếp nhận hồ sơ, hệ thống cảnh báo hồ sơ... chúng tôi xử lý ngay đảm bảo sự thông suốt và thuận tiện của hệ thống” – bà Tú nói.

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng..

Theo Theo Báo Lao Động
MỚI - NÓNG