Hà Nội đạt được những gì sau 10 năm hợp nhất?

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao
TPO - Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã đạt được 7 kết quả nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng.

Cụ thể, kinh tế phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, không gian kinh tế được mở rộng, phát triển.

Việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Sự nghiệp văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng; quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường; quy mô và diện mạo đô thị của thành phố đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh.

Thực hiện tốt yêu cầu đảm bảo ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống...

“Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”, báo cáo nhấn mạnh.

Trong hội nghị mới đây, góp ý vào báo cáo kết quả 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho rằng, 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã phải giải quyết một khối lượng công việc lớn với nhiều việc không có tiền lệ, trong một thời gian rất ngắn, đặc biệt là công tác cán bộ, đạt được những kết quả toàn diện về mọi mặt.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương đánh giá cao sự gắn kết giữa quận và huyện ngày càng chặt chẽ thông qua các chương trình công tác của Thành ủy.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương nhấn mạnh, Thanh Trì được hưởng nhiều cái lợi từ việc mở rộng địa giới hành chính. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Thanh Trì năm 2008 đạt 13 triệu đồng/năm, đến nay đạt 45 triệu đồng/năm; thu ngân sách của huyện năm 2008 mới đạt 197 tỷ đồng; năm 2018 dự kiến con số này tăng gấp gần 10 lần đạt 1.747 tỷ đồng.

Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ còn tồn tại 5 hạn chế, yếu kém.

Cụ thể, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai; chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp. Kinh tế tri thức chưa có chuyển biến mạnh, kết quả chưa rõ nét.

Chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động. Công nghệ và trình độ quản lý sản xuất chậm đổi mới, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thấp.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế; xây dựng, quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém, nhiều dự án chậm triển khai.

Trật tự, kỷ cương an toàn giao thông chuyển biến chậm.  Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm và còn nhiều vướng mắc.

Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô tiến độ còn chậm. Môi trường sinh thái nhiều nơi còn ô nhiễm, nhất là ở một số sông hồ, làng nghề, cụm công nghiệp, chợ nông thôn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, thành phố cần phải đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng cảnh quan, trong đó tập trung vào 5 khu đô thị thành phố vệ tinh.

“Nhìn ra các khu đô thị của chúng ta, cảnh quan môi trường không được đẹp do quy hoạch, bố trí không đồng bộ. Tất cả các trục đường lớn, bên cạnh những khu rất đẹp lại có những nhà giãn dân lụp xụp, cao thấp khác nhau, mái che mái vẩy”, ông Sáng nói.

Ông Sáng cũng lưu ý, tại một số khu đô thị, gần như các con đường chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, cây xanh ở các vùng ngoại thành còn ít hơn vùng nội đô. Các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa xã hội còn thiếu.

“Nếu không quan tâm từ bây giờ, các thành phố vệ tinh sau này sẽ rất khó sửa”, ông Sáng nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê kiến nghị, cần tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho khu vực nông thôn để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Ông Khuê lưu ý đến việc thành phố đang xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn. “Đây là việc nhạy cảm, hết sức khó khăn. Hiện nay vấn đề môi trường ở nội thành hết sức bức xúc rồi, nhưng ở ngoại thành, nhất là các khu vực có làng nghề, vấn đề môi trường cực kỳ nhức nhối. Không phải là rác thải mà là vấn đề nước thải, không khí. Đặc biệt những ngày nóng các đồng chí xuống thì không thể chịu nổi. Huyện cũng quan tâm chỉ đạo nhưng không đủ nguồn lực”, ông Khuê nói.

Bên cạnh đó, theo ông Khuê, hiện nay các huyện phía Nam thành phố như Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, tỷ lệ người dân dùng nước sạch mới đạt khoảng 40%.

“Cần phải đẩy nhanh tiến độ các công trình để người dân sớm có nước sạch”, ông Khuê đề nghị. Ông Khuê cũng đề nghị thành phố hỗ trợ các huyện xây dựng thêm các thị tư để có thêm các điểm giao lưu, buôn bán, giảm khoảng cách giữa đô thị và vùng nông thôn.

MỚI - NÓNG