Hà Nội: Lùi thời hạn xử lý các chung cư khó khắc phục PCCC?

TPO - UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị có liên quan xây dựng phương án PCCC cụ thể cho các tòa nhà chung cư cao tầng không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu, hoàn thành trước tháng 9/2018. Đáng chú ý, trước đó, thành phố yêu cầu khắc phục xong trước 30/6/2018.

UBND thành phố giao cảnh sát PCCC tổ chức rà soát hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC của các chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố, đảm bảo đúng quy định, không có sai sót; tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tự ý thay đổi thiết kế PCCC; yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, thiết kế theo đúng quy định hoặc lập danh sách, yêu cầu xây dựng phương án PCCC cụ thể trong thời gian chưa khắc phục được thiết kế tại các chung cư cao tầng; xây dựng phương án chữa cháy đối với các tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu; huấn luyện, kiểm tra việc duy trì các điều kiện về PCCC; phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn, thực tập công tác PCCC.

UBND các quận, huyện liên quan có trách nhiệm tổ chức rà soát, chỉ đạo việc thành lập, quản lý đội dân phòng và đội PCCC cơ sở theo quy định; phối hợp với cảnh sát PCCC tổ chức tập huấn, thực tập, kiểm tra việc chấp hành quy định về PCCC tại các chung cư cao tầng trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, không đảm bảo điều kiện về PCCC.

Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư có trách nhiệm rà soát lại hồ sơ hoàn công, giải pháp, thiết kế về PCCC để bổ sung, hoàn thiện, lưu trữ hồ sơ, khắc phục thiếu sót, sai sót của hệ thống PCCC theo quy định; duy trì các điều kiện về PCCC.

“Yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung trên, trước hết là xây dựng phương án PCCC cụ thể cho các tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu, hoàn thành trước tháng 9/2018; các nội dung khác phải hoàn thành trong quý III/2018”, văn bản nêu.

UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng làm đầu mối đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố định kỳ 3 tháng một lần. Yêu cầu các sở Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Cảnh sát PCCC khi giải quyết các hồ sơ có liên quan đến đầu tư xây dựng công trình cao tầng phải kiểm tra, làm rõ vấn đề kết nối giao thông và khả năng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của đường giao thông phục vụ chữa cháy đối với công trình cao tầng, thẩm duyệt chặt chẽ các giải pháp, thiết kế về PCCC trước khi cho phép chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

“Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn, đặc biệt là việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC; mọi vi phạm quy định về PCCC trong quá trình đầu tư xây dựng công trình đều phải được xử lý triệt để, yêu cầu dừng triển khai các bước tiếp theo cho đến khi khắc phục xong vi phạm”, văn bản nêu.

Trước đó, hồi tháng 4/2018, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, tính đến 2/4, trong số 79 công trình cao tầng vi phạm PCCC đã có 50 công trình khắc phục xong các tồn tại, thiếu sót và được nghiệm thu đưa vào sử dụng. 29 công trình còn lại có nhiều thiếu sót, tồn tại, chưa được nghiệm thu PCCC mà đã đưa người dân vào sinh sống.

Theo ông Vụ, trong số 29 công trình này, có 14 công trình có khả năng khắc phục, 15 công trình khó có khả năng khắc phục. “Với 14 công trình có khả năng khắc phục thì vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu đến 30/4 phải khắc phục được, đưa vào nghiệm thu sử dụng. Nếu không khắc phục xong thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý”, ông Vụ nói.

Với 15 công trình khó có khả năng khắc phục, ông Vụ cho biết, UBND thành phố cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng để xin phép cho phép áp dụng các giải pháp bổ sung, thay thế các tồn tại thiếu sót chứ không phải là hạ chuẩn.

“Lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo từ nay đến 30/4, 15 công trình phải lập hồ sơ, luận chứng để trình Bộ Công an, Bộ Xây dựng để thẩm định, thẩm duyệt cho các biện pháp thay thế. Nếu được thay thế, đến 30/6 phải tổ chức khắc phục xong. Nếu không xong, cố ý chây ì, không thực hiện thì hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra”, ông Vụ nói thêm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.