Hà Nội nói đặt ga đường sắt cạnh Hồ Gươm không xâm phạm di sản

Theo UBND thành phố Hà Nội, ga C9 không ảnh hưởng tới di sản, văn hóa
Theo UBND thành phố Hà Nội, ga C9 không ảnh hưởng tới di sản, văn hóa
TPO - UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định việc đặt ga đường sắt C9 cạnh Hồ Gươm "không ảnh hưởng đến di sản, không gian văn hóa".  

Hơn 1 tháng sau khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) có ý kiến phản ứng về việc đặt ga đường sắt C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản này, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, ga C9 không ảnh hưởng đến di sản, không gian văn hóa.

Trên 90% nhân dân ủng hộ

UBND thành phố Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố, là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. Dự án có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, tới các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt..., gắn với vị trí ga C9 trong khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội.

Vị trí ga ngầm C9 phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội gắn liền với hướng tuyến nêu trên về cơ bản đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008.

“Thiết kế ga ngầm C9 và các cửa lên xuống giúp người dân, du khách thuận lợi trong việc tiếp cận khu phố cổ, di tích hồ Hoàn Kiếm, phục vụ người dân có phương tiện giao thông công cộng văn minh, hiện đại góp phần tổ chức lại giao thông, giảm ách tắc, tai nạn, ô nhiễm, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm”, văn bản của UBND thành phố Hà Nội đánh giá.

Vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đã có Công văn số 1479 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc vị trí ga ngầm C9 đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hoá của trung tâm Thủ đô.

Về việc này, UBND thành phố Hà Nội giải trình rằng: Quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ các công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình, địa chất, tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực Quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đều được xin ý kiến các Bộ, Ngành, cơ quan, các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư liên quan; tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời đã tổ chức trưng bày, xin ý kiến rộng rãi người dân trong tháng 3/2018. Theo UBND thành phố Hà Nội, họ đã tiếp nhận 1.718 phiếu đóng góp ý kiến và kết quả là 90,3% ủng hộ, đồng ý với quy hoạch.

Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, ý kiến các Bộ, Ngành, cơ quan liên quan, cộng đồng dân cư, các chuyên gia, nhà khoa học... đều thống nhất về vị trí hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9 chỉ lưu ý bố trí các công trình phụ trợ sao cho hài hòa cảnh quan, ảnh hưởng ít nhất đến quần thể di tích... Đặc biệt, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ, cho ý kiến thống nhất/góp ý trong từng giai đoạn nghiên cứu.

Không ảnh hưởng tới di sản, văn hóa

Đề cập đến nội dung ảnh hưởng đến di sản, không gian văn hóa, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1 m nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m, hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ I, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

Thiết kế và phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, kết quả khảo sát địa hình, địa chất được thực hiện và thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn đủ năng lực và thẩm quyền, đã được nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, xã hội. Tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ, đề ra các biện pháp để giảm thiểu tối đa, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực, đến cảnh quan, môi trường và các công trình di tích trong quá trình thi công.

“Đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn là những vật thể cấu thành không gian văn hóa Hồ Gươm và không gian phố cổ, không ảnh hưởng tới “không gian văn hóa của Trung tâm Thủ đô”, văn bản của UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội nói đặt ga đường sắt cạnh Hồ Gươm không xâm phạm di sản ảnh 1

Theo thiết kế, ga C9 đặt ngầm và chỉ đi nổi phần cửa lên xuống.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực không phải là phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích, không phải là đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Với những phân tích và giải trình nêu trên, đối chiếu với các quy định của Luật Di sản văn hóa, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại các ý kiến của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; đồng thời chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để Dự án được tiếp tục triển khai theo tiến độ thi công, cấp vốn đã cam kết giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Nhật Bản.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, đã được UBND thành phố Hà Nội có  quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả. Dự án có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có 3 ga trên cao và 7 ga ngầm, trong đó có ga C9 đặt đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch nước Lương Cường: Không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm

Chủ tịch nước Lương Cường: Không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm

TPO - Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu, lực lượng Công an bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; không để việc kiện toàn bộ máy ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội, phục vụ cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân; tuyệt đối "không để ngắt quãng, gián đoạn công việc, không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm".
Thủ tướng nêu 3 đề xuất quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng

Thủ tướng nêu 3 đề xuất quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng

Chiều 6/7 (theo giờ địa phương), tại Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và có phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo".
Vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi

Vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi

TPO - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thống nhất đưa 4 vụ án và 2 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương và một số đơn vị liên quan.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: VGP

Tổng Giám đốc WHO đánh giá cao chính sách y tế đúng hướng của Việt Nam

TPO - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí với những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đánh giá cao những chính sách, nỗ lực đúng hướng của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh, phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe toàn dân và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn giúp Việt Nam.