Hà Nội ơi!

Ảnh: Lê Tiến Thanh
Ảnh: Lê Tiến Thanh
TP - Ngày mới về Thủ đô, về sống và công tác ở thành phố Hà Nội, tôi thực lòng không có khái niệm gì về nếp sống đô thị. Để được hòa nhập cùng dân Hà thành ngàn năm văn hiến, tôi tìm sách viết về Thủ đô, đọc và tìm hiểu nếp sống thanh lịch của người Tràng An, tìm hiểu cảnh đẹp, danh lam Thủ đô và tôi rất mê đọc sách của nhà văn Tô Hoài tả cảnh Hà Nội xưa sao mà thơ mộng, sao mà dễ thương, sao mà sinh động...

Thế rồi cuộc sống cũng cho phép tôi hòa nhập. Tôi thành công dân của Hà Nội hơn bốn chục năm rồi. Nhớ lại thời thập niên Tám Mươi của thế kỷ trước, Hà Nội sống trong một không gian chật hẹp, lam lũ từ các khu phố cổ đến các dãy nhà tập thể cấp bốn dài ngoẵng, đầu dẫy là bể nước công cộng, cuối dãy là khu vệ sinh, cũng của công cộng, thực ra chẳng vệ sinh chút nào. Bây giờ nhớ lại khung cảnh ấy, lứa chúng tôi ai cũng rùng mình. Không một bạn trẻ thế hệ 8x nào bây giờ hình dung nổi, đêm đêm các bậc phụ huynh của mình hồi ấy phải đem xô đem chậu ra bể nước xếp hàng. Vòi nước chảy ri rỉ, thỉnh thoảng sôi lên từ bên trong lòng đất, bất thần vọt ra một dòng nước linh thiêng, nhưng chỉ được một lúc thôi, nó lại tự nhiên ngưng đọng, tự nhiên rỉ ra như thể may rủi. Người ngồi chờ nước chuyện vãn đủ thứ trên đời, rồi ngáp vặt, nhưng ý chí vẫn bền, lòng kiên nhẫn vẫn không suy giảm dù mặt mũi hốc hác. Chưa kể nỗi lo điện mất, nỗi lo xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm...

Nền văn minh xếp hàng được du nhập từ xứ sở nào về mà khiến dân ta đêm ngày canh cánh!

Xếp hàng thời bây giờ là một nếp sống văn minh. Thời nào cũng văn minh. Nhưng thời bao cấp thì nó lọ mọ tội nghiệp và rất chi là… bao cấp, có nghĩa là không còn gọi là xếp lấy trật tự, lấy công bằng, lấy yên ổn mà chỉ là động tác xí chỗ. Nhưng ai đến sau mà người đến trước không có mặt thì… người kia chịu khó nhận chỗ sau vậy. Nhưng thời ấy xếp hàng là một nếp văn hóa khá phổ biến từ bến tầu bến xe đến cửa hàng, từ điểm bán báo đến điểm bán kẹo bánh cho trẻ em đến chuyện đi lấy nước ăn nước uống và kể cả đi nhà… cầu công cộng.

Đùng một cái, ngọn gió đổi mới cơ chế, đổi mới tư duy ào về, tạo nên một sức sống mới. Sổ gạo, tem phiếu nhanh chóng được xếp lại. Người người bung ra. Nhà nhà bung ra. Phố cổ phố mới thi nhau mở mặt tiền. Hàng hóa như có phép tiên xưa kia hiếm hoi, xếp hàng cả buổi mới mua được cân thịt, cân cá, bây giờ tràn phố, ngợp hè. Chỉ cần gọi điện thoại một cái, lập tức người bán đem hàng “như ý” đến tận nhà. Hà Nội gần bốn năm chục năm nay biến thành công trường, biến thành cái chợ. Người bán kẻ mua tấp nập, hè phố thành chợ “tạm”. Tạm mà họp cả ngày cả đêm! Còn trong “ruột” các chợ lớn có hồi các bà tiểu thương ngồi ngáp cả ngày vì dân mình thấy vào chợ không tiện lợi! Dây điện dây cáp phát triển thành từng búi. Cho đến tận bây giờ vẫn còn thế. Đường vừa làm xong lại đào lên là chuyện thường tình. Sông Tô sông Nhuệ xưa kia thơ mộng bây giờ thành ra cống lộ thiên bốc lên phố xá mùi xú uế, trừ những người ngồi trong xe công, xe con đời mới trị giá năm bảy trăm triệu trở lên mới không biết mùi ấy. Chứ còn nhân dân thì coi đó là chuyện cống rãnh cỏ rác quá bình thường.

Cả cái công viên Thủ Lệ nhỏ xinh xưa kia bây giờ vây quanh là quán ăn bình dân, quán lẩu, nhậu đêm nhậu ngày. Các chú khỉ chú hổ hiếm hoi tha hồ thưởng thức cảnh ăn uống linh đình ngay cạnh “nhà” của mình. Hà Nội ta có bao nhiêu hồ thì có bấy nhiêu hồ bị ô nhiễm. Bụi Hà Nội bây giờ chỉ có thể sánh ngang Sài Gòn và ngược lại. Hai thành phố lớn nhất nước “có quyền” nhận chức mật độ bụi cao nhất nước, có lẽ nhất cả Đông Dương và có khi nhất thế giới luôn! Bụi ở đâu về mà lắm thế bụi ơi! Tất nhiên bụi trả lời ngay: “Chúng cháu” là bụi thì ở đâu có xây dựng, có công trình, rằng thì mà là “chúng cháu” có mặt ngay! Công trình thì ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nhất rồi. Vâng, dù các nhà quy hoạch có quy hoạch thì việc xây dựng không phép vẫn là chuyện thường ngày. Các công trình vươn lên, cái tất nhiên họ nhà bụi chúng cháu cũng “cuốn theo chiều gió”...

Ôi, Hà Nội! Hà Nội thân yêu! Hà Nội có những phố đẹp và sang trọng sánh vai với các phố sang đẹp của thế giới. Nhưng bây giờ trong các phố biệt thự sang ấy cũng có những ngôi biệt thự ngày càng xuống cấp. Xuống cấp đến mức nó trở thành khu Ổ Chuột.  Ngôi biệt thự số 45 Trần Phú, quận Ba Đình vốn là nơi ở của gia đình ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ngài Thứ trưởng và vài ba cán bộ cấp vụ. Nửa thế kỷ qua nó “tự chuyển hóa” từ khi ngài Bộ trưởng đi ở nơi khác. Rồi ngài Thứ trưởng mất. Bắt đầu cuộc tự chuyển hóa là ngôi biệt thự được phân nhỏ lẻ cho các anh lái xe, thợ điện, các gia đình mới xum tụ thành… khu tập thể, đi cầu chung, bể nước công cộng… Ôi, cho đến hôm nay nó biến thành khu ổ chuột… Hà Nội ơi, bao giờ Người hết bụi, hết cảnh đào đường, hết cảnh hè phố bị lấn chiếm? Hết ô nhiễm? Bao giờ công viên được làm công viên, là nơi cho dân mình nghỉ ngơi, thư giãn? Hà Nội ơi, khi nào Người được sống bình an thanh lịch như ngàn năm văn hiến đã từng có nhiều lúc nhiều thời sang trọng nhất trong thiên hạ! Hà Nội ơi! 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.