Hà Nội: Tăng trưởng kinh tế cao nhất 3 năm qua

Một góc Hà Nội hiện đại ngày nay Ảnh: Hồng Vĩnh
Một góc Hà Nội hiện đại ngày nay Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 4/12, HĐND thành phố Hà Nội họp Kỳ thứ 7. Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu HĐND thành phố đặt vấn đề về công tác cải cách hành chính, hiệu quả công việc, tình hình giải ngân chậm...

Tăng trưởng đạt 7,37%

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019 tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa 15 sáng nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,37%, là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhìn lại năm 2018, UBND thành phố đánh giá, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện.

Tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được thành phố đẩy mạnh. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 83,9%, về đích sớm 2 năm. Có thêm 3 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất...

Cùng với phát triển kinh tế, thành phố chú trọng đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 ước còn 1,19%, giảm 0,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ.

Giải ngân gặp nhiều vướng mắc

Góp ý về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách hành chính, cơ cấu lại đội ngũ, đại biểu Đỗ Mạnh Hải (quận Long Biên) đề nghị thành phố xem xét, bố trí lại đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở phường và tổ dân phố. Theo ông Hải, hiện nay, lực lượng này số lượng rất lớn, như ở quận Long Biên có hơn 3.600 người nhưng số giờ làm việc rất ít. “Bình quân chỉ khoảng 45 giờ/tháng. Có trường hợp ít hơn khoảng 25 giờ/tháng.  Nghĩa là một ngày làm việc không đến một giờ, trong khi những công việc này hoàn toàn có thể kiêm nhiệm được”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, qua khảo sát và sắp xếp, có thể giảm được 50% về người và 30% kinh phí chi trả cho số người này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thế Vinh (quận Đống Đa) đặt vấn đề, việc giải ngân cho chương trình công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố còn rất thấp. Ông Vinh đề nghị thành phố cần làm rõ nguyên nhân, tồn tại để năm 2019 làm tốt hơn, khi dự kiến chi gần gấp 3 lần so với kinh phí năm 2018.

Về vấn đề này, ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, từ 2015 đến nay, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 rất cụ thể, chi tiết, sau đó có điều chỉnh lại một số nội dung phù hợp với xu thế phát triển. Trong đó, một điểm nổi bật, mang tính đột phá là chương trình thuê dịch vụ CNTT. Khi triển khai chương trình, UBND đã trình HĐND và HĐND đã bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xuất hiện nhiều vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật.

Ngoài ra, giải ngân đầu tư công của Hà Nội năm 2018 cũng được xem là thấp kỷ lục với nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Xử lý “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn

Chiều 4/12, bên lề kỳ họp, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Xuân Phương trao đổi với báo chí về việc xử lý những sai phạm liên quan đến đất rừng của địa phương. Theo ông Phương, về việc cưỡng chế 18 công trình vi phạm đất rừng tại xã Minh Phú, nếu như theo kế hoạch ban đầu, trong tháng 11/2018 sẽ thực hiện xong, tuy nhiên, sau khi huyện có kế hoạch, UBND thành phố có quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn. Về mặt nguyên tắc, khi tiến hành thanh tra thì tất cả các hoạt động khác phải dừng lại để chờ kết luận thanh tra. “Do đó, đối với 18 công trình vi phạm ở xã Minh Phú, hiện đã có 5 công trình tự tháo dỡ còn lại các công trình khác chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra thành phố công bố trong tháng 1/2019 để thực hiện kế hoạch xử lý”, ông Phương nói.Liên quan đến công trình nhà ca sỹ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương, theo ông Phương, đã được kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 chỉ rõ và huyện đang chờ kết luận của Thanh tra thành phố để có hướng xử lý.Theo ông Phương, gia đình ca sĩ Mỹ Linh có sổ đỏ và trong sổ hiện nay cho xây dựng là 400 m2 đất làm nhà ở, 200 m2 đất trồng cây ăn quả, còn lại 11.600 m2 đất vẫn là đất rừng. “Nhưng hiện nay công trình nhà ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng với tổng diện tích 538,6m2. Số diện tích xây dựng vượt quá là hơn 138 m2. Hiện cơ quan thanh tra đang làm và sẽ kết luận cả việc cấp sổ đỏ cũng như các vấn đề liên quan. Sau khi có kết luận của thanh tra, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc ”.

Hà Nội: Tăng trưởng kinh tế cao nhất 3 năm qua ảnh 1 Nhà ca sĩ Mỹ Linh
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.