Hà Nội triệt phá nhiều vụ việc sản xuất, vận chuyển hàng giả số lượng

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm ô mai có dấu hiệu giả thương hiệu
Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm ô mai có dấu hiệu giả thương hiệu
TP - Thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm, lực lượng Quản lý Thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn.

Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả toàn quốc

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) Trương Hòa Bình vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, từ ngày 1/12/2018 đến ngày 28/2/2019. 

Theo kế hoạch, BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, GLTM, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Trong đó cần xác định các tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không; các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, cảng hàng không nội địa,… Phân công rõ nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.

Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát cả biên giới, cửa khẩu và nội địa, tập trung vào các mặt hàng: ma tuý, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp,... đảm bảo ổn định thị trường; chủ động tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng; chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp lực lượng trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Đặc biệt, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Trước đó, thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 389 đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 79.515 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tăng 7% so với cùng kỳ 2017.

Hà Nội triệt phá nhiều vụ việc vi phạm số lượng lớn

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội, những tháng cuối năm, theo quy luật hoạt động buôn lậu, QLTM, hàng giả và ATTP trên địa bàn Hà Nội sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp. Do đó, Cục đã yêu cầu các đội trực thuộc phải quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán 2019.

Mới nhất, ngày 22/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ việc sản xuất hàng giả cho Công an huyện Hoài Đức tiếp tục điều tra, xử lý theo quy đinh.

Trước đó, Đội QLTT số 24, Hà Nội phối hợp với BCĐ 389 huyện Hoài Đức kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Qua đó, phát hiện hơn 2 tấn thành phẩm và nguyên liệu sản xuất các loại thực phẩm như ô mai, mứt hoa quả, thịt bò khô... không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua kiểm tra 3 cơ sở Tuấn Quỳnh, Hưng Lộc Phát và gia đình ông Nguyễn Hữu Hoàng tại thôn Đội, xã Đức Thượng, lực lượng chức năng phát hiện gần 4.000 sản phẩm thực phẩm đóng gói các loại như ô mai, hạt hạnh nhân, bim bim, mứt hoa quả, thịt bò khô các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý, tại cơ sở Tuấn Quỳnh do bà Phạm Thị Lan làm chủ, cơ quan chức năng phát hiện hơn 2.500 hộp ô mai mang thương hiệu ô mai Phố Cổ đã được bảo hộ, có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, nhiều bao tải dứa chứa ô mai các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng hàng nghìn bao bì, hộp đựng và các loại công cụ đóng gói.

Chủ cơ sở trình bày, do thấy thương hiệu ô mai Phố Cổ bán chạy nên đã đặt làm giả nhãn mác sản phẩm, sau đó thu mua ô mai trôi nổi trên thị trường đóng gói vào hộp và mang bán ra thị trường cả nước để liếm lời.

Trước đó, vào 19/12/2018, tại điểm giao đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Chí Công thuộc địa phận quận Tây Hồ (Hà Nội), Đội QLTT số 11 phối hợp với Đội 6 Phòng An ninh kinh tế (Công an TP.Hà Nội) và Đội Cảnh sát giao thông số 15 kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C – 64999 có nhiều nghi vấn. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển gần 2.370kg (tức gần 2,4 tấn) bánh kẹo không cùng lô cùng loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ.               

MỚI - NÓNG