Hồ Ngọc Khánh ô nhiễm nặng hơn sau khi cải tạo

Hồ Ngọc Khánh bị ô nhiễm nặng sau khi cải tạo.
Hồ Ngọc Khánh bị ô nhiễm nặng sau khi cải tạo.
TP - Được đầu tư hơn 20 tỷ đồng để cải tạo, hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được kỳ vọng sẽ giúp điều hòa không khí và tạo cảnh quan cho cả khu vực. Tuy nhiên, khi dự án chưa bàn giao, hàng trăm hộ dân sinh sống quanh hồ đã phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng bởi mùi xú uế nồng nặc bốc từ mặt nước.

Ngột ngạt vì ô nhiễm

Với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng duy tu cải tạo, hồ Ngọc Khánh được kỳ vọng góp phần vào việc tiêu thoát nước cho khu vực vào mùa mưa, đồng thời giúp điều hòa không khí, tạo cảnh quan sạch đẹp cho người dân tập thể dục hàng ngày.

Đến thời điểm này dự án chưa được bàn giao, nhưng từ đầu tháng 4/2016, bất kể thời tiết, nước hồ Ngọc Khánh đều bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến bầu không khí khu vực luôn trong tình trạng ô nghiễm nghiêm trọng. Mùi hôi thối bao phủ nhiều dãy nhà cách hồ cả trăm mét. Theo phản ánh của người dân, nước thải đổ trực tiếp vào hồ có thể là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm.

Trao đổi với PV ngày 4/5, ông Nguyễn Thành, trú tại nhà 22, ngõ 535/2 phố Kim Mã cho biết: “Người dân đã phải chịu mùi hôi thối bốc nồng nặc suốt cả tháng qua. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên UBND phường Ngọc Khánh, phản ánh đến chủ đầu tư nhưng tình hình không được cải thiện, thậm chí còn ô nhiễm nặng hơn. Ô nhiễm kinh hoàng đến mức ai đi qua đều phải bịt mũi. Hồ Ngọc Khánh được thiết kế độc lập với hệ thống thoát nước thành phố, nhưng có thể nước thải đang bị đổ thẳng xuống hồ, hoặc rò rỉ nước thải vào hồ nên dẫn đến ô nhiễm…”.

Ô nhiễm do tảo chết (!?)

Trước bức xúc của người dân, chiều ngày 4/5, UBND phường Ngọc Khánh đã mời Ban QLDA Thoát nước Hà Nội, chủ đầu tư dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh tới làm việc yêu cầu truy tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực hồ.

Trả lời những câu hỏi của đại diện MTTQ phường, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban QLDA Thoát nước Hà Nội khẳng định, sau khi cải tạo hệ thống cống đã tách biệt với hồ Ngọc Khánh, nước hiện có trong hồ là nước mưa, không có nước thải. Theo ông Hùng, hồ nào trên địa bàn thành phố sau khi cải tạo đều xuất hiện tảo, tảo sống chu kỳ 1 đến 1,5 tháng sẽ chết và dẫn đến mùi hôi thối. Ông Hùng nêu rõ, tảo ở hồ Ngọc Khánh là tảo lục, khi tảo chết khiến nước chuyển màu xanh.

Đại diện Ban QLDA Thoát nước đề xuất UBND phường Ngọc Khánh cho quỹ thời gian 7 -10 ngày để vớt tảo, đồng thời nghiên cứu phương án khử mùi. Tuy nhiên, đề xuất trên đã không được chấp thuận. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục trong một vài ngày.

“Ô nhiễm ở hồ Ngọc Khánh đang rất nghiêm trọng, gây bức xúc với người dân. Bằng mọi cách, Ban QLDA phải có biện pháp bơm nước bẩn, vớt sạch tảo, xử lý mùi hôi thối trong ngày một, ngày hai. Chủ đầu tư phải xử lý dứt điểm ô nhiễm UBND phường mới nhận bàn giao công trình…”, ông Tú phát biểu.

Để xử lý sớm ô nhiễm tại hồ Ngọc Khánh, đại diện UBND phường Ngọc Khánh yêu cầu Ban QLDA Thoát nước Hà Nội có báo cáo Sở Xây dựng, để Sở báo cáo thành phố Hà Nội và Sở TN&MT cùng vào cuộc xác định nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm. Chậm nhất, ngày 7/5, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo phương án xử lý ô nhiễm gửi UBND phường Ngọc Khánh và các cơ quan chức năng, để UBND phường trả lời người dân.

Dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh do Ban Quản lý dự án (QLDA) Thoát nước Hà Nội, thuộc Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Kinh phí được lấy từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản. Đơn vị thực hiện gói thầu là liên danh nhà thầu Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 68, Cty Cổ phần Xây dựng số 2 và Cty Đầu tư Xây dựng Gia Long.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.